Để du lịch MICE bứt phá: Chiến lược cho bước phát triển mới

Thứ năm, ngày 02/06/2022

(BDO)

Khách du lịch MICE đến Đà Nẵng trong năm 2021

Du lịch MICE, (Meeting Incentive Conference Event), loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến.

Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm.

Vì vậy, để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ngành du lịch các địa phương, từng doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.

Còn nhiều dư địa

Tổ chức Du lịch Thế giới đã dự báo đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt khoảng trên 1.400 tỷ USD, trong đó tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khẳng định sau giai đoạn dịch COVID-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, xúc tiến đầu tư, tổ chức hội nghị, kết hợp tham quan, khám phá phong cảnh, trải nghiệm văn hóa đặc trưng. Đây chính là tiềm năng, dư địa rất lớn để lớn để du lịch MICE phát triển mạnh mẽ hơn.

Đối với Việt Nam, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch), chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định tiềm năng cho phát triển du lịch MICE ở Việt Nam còn rất lớn.

Song, khách MICE đi theo đoàn lớn, đòi hỏi dịch vụ cao cấp nên không phải địa phương hay cơ sở lưu trú nào cũng có thể đáp ứng. Muốn phát triển loại hình du lịch này, các địa phương cần xác định đúng thế mạnh, dư địa phát triển, có chiến lược đầu tư thật bài bản về hạ tầng, nâng cấp dịch vụ theo hướng thật chuyên nghiệp.

Ở góc độ địa phương cụ thể, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết thành phố phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là một trong những trung tâm phát triển du lịch của cả nước.

Trong định hướng đó, du lịch MICE được xem là một trong những loại hình du lịch thế mạnh có nhiều có tiềm năng phát triển ở Cần Thơ.

Thành phố tiếp tục chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch sinh thái sông nước đô thị, du lịch MICE, du lịch văn hóa-tham quan các di tích, làng nghề.

Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ ở Cần Thơ phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Nhiều cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm thương mại, hội nghị, mua sắm và vui chơi giải trí có quy mô được đầu tư, đi vào hoạt động.

Lượng du khách đến thành phố tăng cao qua các năm (không tính giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19), nhiều hội nghị, liên hoan quốc tế, quốc gia được tổ chức tại Cần Thơ, cho thấy cơ hội rộng mở đối với loại hình du lịch MICE ở thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Phối hợp nâng chất sản phẩm

Xác định MICE là loại hình du lịch còn rất nhiều dư địa, phát triển, ngành Du lịch nhiều địa phương đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy; trong đó giải pháp quan trọng là hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp lĩnh vục du lịch, dịch vụ chú trọng nâng cao kỹ năng, trình độ nguồn nhân lực đủ khả năng đón tiếp, phục vụ khách, tổ chức sự kiện, cung ứng những dịch vụ, sản phẩm du lịch đẳng cấp, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu cao của du khách.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa: Thành phố xác định bên cạnh du lịch mua sắm, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, du lịch MICE là một trong những loại hình du lịch chính cần được chú trọng phát triển mạnh trong tương lai.

Ngay trong tháng 4 vừa qua, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đơn vị như: Cảng vụ Hàng không miền Nam, Công an thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Lực lượng Thanh niên xung phong và Hiệp hội Du lịch thành phố đã tiến hành Ký kết liên tịch triển khai Chương trình Du lịch MICE Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2022-2025, các đơn vị thống nhất phối hợp thực hiện nhiều nội dung cụ thể như xây dựng, ban hành chính sách du lịch MICE Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng các chương trình tour tham quan thành phố phù hợp với loại hình du lịch MICE.

Thành phố Hồ Chí Minh có những chương trình đón tiếp, chào mừng cho các thành viên đoàn du lịch MICE, hỗ trợ giảm giá vé các điểm tham quan, hỗ trợ truyền thông...

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân, đối với phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có giải pháp đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch MICE, thực hiện xã hội hóa xây dựng Trung tâm hội nghị-triển lãm tại thành phố Phan Thiết, nâng cấp và xây dựng mới cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm hội nghị, hội thảo tại các khu du lịch quy mô lớn, nâng cao trình độ và kỹ năng của nhân viên để đảm bảo chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Đặc biệt, theo dự thảo Đề án Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại Bình Thuận với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” sẽ có nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức, trong đó có Lễ công bố kết quả vòng chung khảo và trao giải Cuộc thi Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE (du lịch kết hợp sự hiện hội nghị) và Wellness (du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe) hàng đầu thế giới năm 2045, nhằm lựa chọn ý tưởng, sáng kiến xuất sắc, khả thi để quy hoạch phát triển, đưa thành phố Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness.

Cùng quan tâm đến loại hình du lịch MICE, đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch MICE tại thành phố Cần Thơ - trung tâm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, nhóm chuyên gia gồm các thạc sỹ Nguyễn Công Toàn, Huỳnh Thị Thùy Dương và Trần Huỳnh Anh, Viện Kinh tế-Xã hội thành phố Cần Thơ cho rằng đối với du lịch MICE, nguồn lực của du khách và các yếu tố nguồn lực tại điểm đến có giá trị và vai trò rất quan trọng. Do đó, để phát triển du lịch MICE, Cần Thơ cần tiếp tục đầu tư đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng lưu trú theo các tiêu chuẩn quốc tế, thường xuyên đánh giá, xếp loại các cơ sở lưu trú, quảng bá tiềm lực lưu trú và các dịch vụ phụ trợ.

Bên cạnh đó, thành phố tăng cường xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn nhằm làm tăng thời gian lưu trú, trải nghiệm, sử dụng các loại dịch vụ, sản phẩm hướng đến đa dạng nhóm khách hàng.

Đối với nguồn nhân lực, thành phố cần chú trọng đào tạo, hướng đến nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đội ngũ nhân viên phục vụ tại các khu, điểm du lịch, các nhân viên phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn và cộng đồng làm du lịch, nâng cao hiệu quả phục vụ tại các điểm đến đạt được mức hài lòng tốt nhất cho du khách, trong đó có du khách của các đoàn du lịch MICE.

Ngoài ra, đối với việc quảng bá du lịch, Cần Thơ cần tăng cường hoạt động quảng bá về du lịch thông qua chính các hội thảo, hội nghị, hội chợ hay các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các quốc gia và các giải pháp quảng bá trực tuyến, các phương tiện thông tin đại chúng./.

Theo TTXVN

Từ khóa: