Dấu ấn trên đường phát triển – Kỳ cuối

Thứ sáu, ngày 09/10/2020

(BDO) Kỳ cuối: Đột phá và mục tiêu chiến lược

Với sự phát triển “thần tốc” trong 2 thập niên qua, Bình Dương đã trở thành một đô thị công nghiệp kiểu mẫu. Hiểu rằng, “thành công luôn có công thức”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế để cùng làm rõ, phân tích những yếu tố tạo nên sự thành công đó.

Đột phá từ mô hình khu, cụm công nghiệp tập trung

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Bình Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng thuộc Bộ Khoa học
và Công nghệ

Đó là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Đắc Bình Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về tình hình phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Theo đó, ông Minh cho biết, để có được sự phát triển như ngày nay, Bình Dương đã có những quyết sách, hành động đúng đắn trong vấn đề quy hoạch, xây dựng và phát triển mô hình khu, cụm công nghiệp (KCCN) tập trung.

Bình Dương đã sớm bắt đầu và đẩy nhanh quá trình quy hoạch, xây dựng mô hình KCCN trong khi nhiều địa phương khác đang tập trung hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, đây là một lợi thế rất lớn cho việc thu hút đầu tư. Minh chứng rõ nhất cho điều đó là hiện tại tỉnh có 48 KCCN tập trung với tổng diện tích đạt 14.970ha. Cơ cấu nền kinh tế trong khoảng 10 năm trở lại đây của Bình Dương luôn duy trì theo hướng trọng tâm phát triển ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ với tỷ trọng tương ứng là trên 60% công nghiệp và trên 35% thương mại - dịch vụ.

Ngoài ra, tỉnh cũng có chính sách quy hoạch và phát triển khu công nghiệp hiện đại một cách bài bản, tạo tiền đề để thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó làm đòn bẩy bứt phá ngoạn mục đối với ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế của Bình Dương. Thông qua mô hình KCCN tập trung, nhiều công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập khẩu vào tỉnh, góp phần tăng chất lượng và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Minh, điểm mấu chốt tạo nên sự đột phá nói trên của nền kinh tế Bình Dương nằm ở sự quyết tâm và đồng lòng của Đảng, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh trong việc triển khai có hiệu quả các quy hoạch, thực hiện chiến lược đổi mới ở các ngành nghề. Với tầm nhìn dài hơi, Bình Dương đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), tiếp tục chiến lược coi DN là trung tâm của phát triển và đổi mới. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm liên kết các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, kết nối các DN nước ngoài với DN trong nước, đây được coi là yếu tố quan trọng giúp Bình Dương phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua.

Trung tâm kinh tế tri thức gắn liền khoa học công nghệ

Phó Giáo sư, tiến sĩ Đặng Mỹ Châu, Giám đốc Khu vực Singapore - Philippines và Thái Lan thuộc Tổ hợp giáo dục Topica

Phó Giáo sư, tiến sĩ Đặng Mỹ Châu, Giám đốc Khu vực Singapore - Philippines và Thái Lan thuộc Tổ hợp giáo dục Topica cho rằng, sau thành công từ mô hình KCCN tập trung, Bình Dương đã tiếp tục hướng tới mục tiêu xa hơn, được gọi là trung tâm kinh tế tri thức gắn liền với khoa học công nghệ mà tỉnh đã và đang đầu tư phát triển.

Cụ thể, tỉnh đã quy hoạch phát triển và xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, liên tục cải tiến, đổi mới. Trong đó, đặt con người và tri thức là trọng tâm, lấy kết nối hợp tác thông minh làm phương châm phát triển kinh tế - xã hội. Đối tác chiến lược hỗ trợ tỉnh trong việc phát triển Dự án thành phố thông minh Bình Dương là thành phố Eindhoven (Hà Lan) - một thành phố công nghiệp thịnh vượng. Với định hướng tăng cường sự kết nối, liên kết và hợp tác 3 nhà (Nhà nước, nhà trường và DN), thành phố thông minh Bình Dương xác định rõ 50 hành động cụ thể thuộc 14 chương trình trên 4 lĩnh vực mục tiêu: Con người, DN, công nghệ và cơ sở hạ tầng. Trong đó, con người và tri thức là trọng tâm, lấy kết nối hợp tác thông minh làm phương châm phát triển.

Xuyên suốt theo chủ trương phát triển thành phố thông minh của tỉnh, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ cũng tích cực phối hợp với các ban ngành, hiệp hội, vườn ươm DN… tổ chức hàng trăm khóa đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo, phương pháp giáo dục thông minh cho giảng viên, học viên trên địa bàn tỉnh đồng thời tổ chức nhiều cuộc thi ý nghĩa thường niên, điển hình là Binh Duong Innovation.

Trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng sự phát triển thần tốc của Bình Dương những năm qua đã tạo ra lực hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Sự đồng bộ hóa về việc xây dựng cơ sở hạ tầng và sự gia tăng mạnh dân số trong độ tuổi lao động sẽ tạo tiền đề khiến nhóm ngành thương mại - dịch vụ, đặc biệt là ngành tài chính - ngân hàng ở Bình Dương sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn tới.

Ông Lực cũng cho rằng các DN lớn đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, logistics, bất động sản công nghiệp, tài chính - ngân hàng… cũng sẽ sớm nhập cuộc và có chiến lược đầu tư quy mô vào Bình Dương. “Chính những tác động này sẽ góp phần thúc đẩy, đưa Bình Dương trở thành một trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính trong giai đoạn kế tiếp”, ông Lực nói.

Minh chứng rõ ràng nhất cho luận điểm trên là sự dịch chuyển mạnh cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, đặc biệt là các đô thị công nghiệp phía Nam như TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, theo hướng phát triển nhóm ngành thương mại - dịch vụ. Với định hướng phát triển bền vững, Bình Dương không chỉ ưu tiên thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, mà còn tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại-dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên các ngành dịch vụ hàm lượng chất xám cao, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư tài chính, ngân hàng… với kỳ vọng việc tăng tỷ trọng ngành dịch vụ sẽ tác động trở lại, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hơn nữa.

Trả lời câu hỏi “Nếu có một DN nước ngoài nhờ tư vấn về việc chọn một địa phương để đầu tư, ông sẽ gợi ý đị a phương nào đầu tiên? Tại sao?”, ông Nguyễn Đắc Bình Minh, cho biết Bình Dương là điểm đến lý tưởng bởi 4 lý do sau: (i) Hạ tầng đồng bộ trong các KCCN và đô thị l à điểm mạnh nhất, thu hút nhất đối với nhà đầu tư. Hơn nữa, nền công nghiệp của Bình Dương đã phát triển và tăng trưởng liên tục, số lượng các KCCN được gia tăng; (ii) tỉnh Bình Dương vẫn coi phát triển công nghiệp, KCCN là mục tiêu hàng đầu trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu thủ tục hành chính và duy trì chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút DN nước ngoài; (iii) chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp các D N có được nguồn lao động chất lượng; (iv) đặc biệt, với việc coi DN là trung tâm của đổi mới sáng tạo, tỉnh Bì nh Dương sẽ có nhiều chính sách ưu tiên, cũng như tạo mọi điều kiện để DN có thể đầu tư, phát triển. Ngoài ra, còn rất nhiều các lý do khác thúc đẩy tôi lựa chọn Bình Dương”.

 ĐÌNH THẮNG (thực hiện)