Dấu ấn trên đường phát triển- Kỳ 3
(BDO) Kỳ 2: “Gặt hái” thành quả
Kỳ 3: Đường rộng thênh thang tiến bước…
Tôi còn nhớ như in lần đầu khi ngồi xe khách đến Bình Dương vào năm 2000. Từ quốc lộ 1A, chiếc xe tốc hành rẽ phải ở ngã tư Bình Phước (TP.Hồ Chí Minh), men theo quốc lộ 13 tiến sâu vào địa phận Bình Dương. Trải nghiệm đầu tiên ở Bình Dương khi đi qua đoạn đường này là cảm giác say xe bởi tài xế phải đánh lái liên tục để tránh “ổ gà” hoặc xe ngược chiều. Từ cầu Vĩnh Bình, phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng bây giờ) trước khi rẽ vào con đường đất dẫn đến địa bàn xã Tân Long (huyện Phú Giáo).
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn qua địa bàn TP. Dĩ An
Hiện tại, mỗi lần có dịp chạy xe trên quốc lộ 13, những cảm giác đó trong tôi vẫn còn in rõ nhưng con đường giờ đây đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, sạch đẹp và rộng rãi hơn trước rất nhiều.
Nhận thức được quốc lộ 13 là trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, từ khi tái lập tỉnh, lãnh đạo Bình Dương đã sớm có chủ trương quy hoạch xây dựng, nâng cấp, mở rộng tuyến đường này. Sau khi được Trung ương phê duyệt năm 2002 dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến trung tâm huyện Bến Cát (cũ), tỉnh đã tập trung toàn lực đẩy nhanh việc thi công. Vài năm sau, những đoạn đường nhiều ổ voi, ổ gà rộng chưa đầy 5m ngày nào đã trở thành cung đường đẹp, có chiều rộng 16 - 24m, 6 làn xe lưu thông thoải mái.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài việc hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và mở rộng toàn tuyến quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương, tỉnh cũng đã khởi công và hoàn thành nhiều tuyến đường trọng điểm khác như Mỹ Phước - Tân Vạn, Vành đai 4, tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cùng hàng loạt tuyến tỉnh lộ…
Đúng như sự kỳ vọng của tỉnh, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, những con đường được đầu tư đã phát huy rõ nét công năng, giải quyết triệt để bài toán kết nối giao thông, vận tải hàng hóa nội vùng và liên vùng. Từ đây, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Bình Dương với các tỉnh thành lân cận đã trở nên thuận lợi, tiết kiệm hơn.
Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương ngày càng cao, những năm gần đây, các tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn ứ, kẹt xe quy mô nhỏ. Để san sẻ gánh nặng cho đường bộ và giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông, tỉnh chú trọng những giải pháp lưu thông hàng hóa bằng đường thủy với việc quy hoạch và xây dựng 12 cảng thủy nội địa trên 3 con sông Sài Gòn, Đồng Nai và Thị Tính như các cảng Bình Dương, Thạnh Phước, Thường Tân, Thái Hòa, Tân Vạn, Bà Lụa… với tổng diện tích khoảng 226ha. Hệ thống cảng thủy nội địa khi đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ giúp giảm tải lưu thông 1,7 triệu tấn hàng hóa cho hệ thống giao thông đường bộ.
Sự đồng bộ trong vận hành giao thông thủy - bộ trong thời gian qua đã phát huy tác dụng và có những kết quả phản hồi tích cực. Cụ thể các doanh nghiệp tiếp tục tham gia đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư tại Bình Dương bởi giờ đây, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nội vùng của tỉnh và tới các tỉnh thành khác, các cảng biển, sân bay đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều.
ĐÌNH THẮNG