Danh thắng núi Châu Thới: Khám phá nhiều điều thú vị

Thứ bảy, ngày 19/12/2020

(BDO) Núi Châu Thới tọa lạc trên địa bàn phường Bình An, TP.Dĩ An đã được công nhận và xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia vào năm 1989. Đây được xem là một trong những danh thắng đẹp trên đất Bình Dương được nhiều người biết đến. Đến đây, du khách vừa có dịp thăm thú cảnh đẹp chốn núi rừng, vừa được viếng chùa núi Châu Thới - một trong những ngôi chùa có niên đại cổ xưa nhất trên đất Bình Dương…

 Ở từ xa du khách đã nhìn thấy ngôi chùa trên núi Châu Thới

 Thăm núi Châu Thới

Theo tài liệu ghi lại của Bảo tàng tỉnh, núi Châu Thới cao 82m so với mặt nước biển, lại nằm ở vị trí rất thuận lợi cho việc tham quan du lịch. Khi đến địa phận phường Bình An, TP.Dĩ An hoặc những vùng lân cận, mọi người có thể nhìn thấy núi Châu Thới rất rõ từ xa. Trên núi thấp thoáng bóng chùa ẩn hiện sau những tàng cây xanh khiến khung cảnh thêm phần ấn tượng.

Từ cổng “Châu Thới sơn tự” dưới chân núi Châu Thới, chúng ta có thể tìm đường lên núi bằng 2 cách. Nhiều người thích cảm giác leo núi có thể men theo 220 bậc thang dốc đứng để đi bộ lên núi. Được biết, con đường lên núi với 220 bậc thang này do các chư tăng ở chùa trước đây tự tay xây đắp hết ngày này qua ngày khác mà nên. Leo núi bằng cách đi bộ chắc ai cũng thấm mệt, nhưng nếu thư thái thì vừa đi vừa ngắm cảnh hay nghỉ ngơi khi thấy chân đã mỏi thì cũng không đáng ngại.

Không đủ sức để leo mấy trăm bậc thang, tôi chọn cách chạy xe gắn máy lên núi. Con đường này khá dốc, lại ngoằn ngoèo nhưng bù lại có thể ngắm cảnh đẹp xung quanh theo từng độ cao rất đẹp mắt, cảm giác như đang trên đường lên thăm xứ sở Đà Lạt. Cảm giác chạy xe máy lên núi khá hồi hộp nhưng cũng rất thú vị. Chỉ vài phút chạy xe là chúng ta có thể lên tới đỉnh núi. Bây giờ, cái cảm giác hồi hộp lúc đầu đã được thay bằng cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh khi nghe tiếng chuông chùa văng vẳng giữa từng không. Đó cũng là nơi chùa núi Châu Thới tọa lạc, một điểm đến không thể thiếu trong chuyến hành hương lễ Phật của nhiều người.

Đứng trước sân chùa núi Châu Thới, chúng ta có thể phóng tầm mắt ra bốn phương. Cảnh vật, phố phường phía dưới hiện ra thật bao la và rất đẹp mắt. Tất cả những cảnh vật ấy cộng với không gian u tịch, tiếng chuông chùa vang vọng nơi chốn chùa chiền tạo thành một khung cảnh hết sức nhẹ nhàng, níu bước khách thập phương. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần hay các dịp lễ, ngày rằm, núi Châu Thới có rất nhiều khách ghé thăm. Họ đến đây vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, vừa vãn chùa lễ Phật để tìm cảm giác bình yên, nhẹ nhàng trong lòng.

Giá trị lịch sử

Danh thắng núi Châu Thới nằm giữa khu dân cư đông đúc, rất gần với tỉnh Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Cùng với sự bào mòn của thời gian, tàn phá của chiến tranh và cả sự khai phá của con người, danh thắng núi Châu Thới nói chung, chùa núi Châu Thới nói riêng đã có nhiều biến đổi, nhưng ngọn núi và ngôi chùa này vẫn tồn tại, được nhiều người lựa chọn như một điểm đến du lịch hay mỗi khi có dịp hành hương lễ Phật. Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh, trên đỉnh núi Châu Thới có một ngôi chùa được xây dựng từ năm 1612, do hòa thượng Khánh Long đứng ra tổ chức xây dựng. Đến nay, chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần và trải qua nhiều đời hòa thượng trụ trì.

Liên quan đến ngọn núi này, sách “Gia Định thành thông chí” và “Đại Nam nhất thống chí” đều có miêu tả, ghi chép lại: “Núi Châu Thới từng núi xanh cao, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn thành. Ở bên có hang hố và nước khe chảy quanh, trên có chùa Hội Sơn, là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành. Ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ở ngoài cửa tục...”.

Chùa núi Châu Thới hiện nay được xem là ngôi chùa có niên đại xưa nhất ở Bình Dương và được hình thành sớm vào hàng đầu ở vùng Nam bộ. Ngoài những giá trị về mặt văn hóa Phật giáo, chùa còn là nơi trú ngụ, sinh hoạt của nhiều người tham gia cách mạng trong một số giai đoạn lịch sử. Với lợi thế về mặt địa hình hiểm trở và cảnh quan rừng núi u tịch, thanh vắng, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Châu Thới là nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng về trú ẩn để hoạt động cách mạng. Chùa còn là hậu phương ủng hộ về tiền, gạo, thuốc men cho lực lượng kháng chiến.

Kiến trúc độc đáo

Khi đến đây tham quan chùa, du khách khá ấn tượng với lối trang trí hoa văn đắp bằng mảnh gốm sứ. Từ những con rồng đặt ở cuối các đầu đao của mái chùa, đến các đường nét hoa văn trong chánh điện đều được tạo nên từ những mảnh gốm sứ ghép lại. Các hình như: Tứ linh, Thủ quyền, Đức Phật giáng sinh… Ở phần mặt tiền của chùa cũng được đắp bằng mảnh gốm sứ. Với người dân địa phương, chùa núi Châu Thới không chỉ là nơi sinh hoạt Phật giáo, mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Trong khuôn viên chùa còn có một số điện thờ, như: Điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu và Ngũ Hành Nương Nương, điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế…

Đặc biệt, hiện nay chùa còn lưu giữ 2 đại hồng chung đúc vào năm 1988 (theo mẫu của chùa Thiên Mụ - Huế, nặng 1,5 tấn) và năm 2003 (nặng khoảng 5 tấn). Ngoài ra, vào những năm 1996-1998, chùa còn đúc thêm 7 tượng Phật bằng đồng; xây dựng thêm một ngôi bảo tháp cao 24m ở trong khuôn viên chùa. Vào năm 2009, cố hòa thượng Thích Minh Thiện khởi tâm xây dựng trong khuôn viên chùa một tượng Bồ Tát Quan Âm lộ thiên cao 22,5m, nặng trên 100 tấn. Theo Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Dĩ An, trong chùa núi Châu Thới hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ giá trị, với khoảng 55 hiện vật đã được xếp loại. Trong đó, giá trị nhất phải kể đến là 3 pho tượng Phật tạc bằng đá có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVIII và một pho tượng Quan Âm tạc từ gỗ cây mít trên 100 năm tuổi.

Quần thể núi Châu Thới hiện nay đã bị phá vỡ cảnh quan vốn có ban đầu bởi sự khai phá, đặc biệt là khai thác lấy đá của các công ty, xí nghiệp trong thời gian qua. Cùng với thời gian, chùa núi Châu Thới cũng có nhiều thay đổi, không còn lưu giữ được những dấu tích ban đầu của một ngôi chùa cổ. Với những giá trị của quần thể núi Châu Thới, ngày 21-4-1989, danh thắng núi Châu Thới đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Núi và chùa núi Châu Thới là một trong những di tích thắng cảnh nổi tiếng của đất Bình Dương. Cảnh vật rừng núi cộng với những nét đẹp của ngôi chùa trên núi nên hàng năm, danh thắng núi Châu Thới thu hút hàng ngàn lượt khách thập phương đến tham quan và chiêm bái lễ Phật.

 Điểm nhấn của quần thể núi Châu Thới chính là ngôi chùa cùng tên trên đỉnh núi. Chùa núi Châu Thới hiện nay được các vị trụ trì đời sau cho tu bổ, xây dựng lại theo lối kiến trúc khá hiện đại. Các tượng thờ Phật, tổ sư trong chùa đều được tạc bằng gỗ. Còn lại, hầu hết các hạng mục công trình Phật giáo nơi đây đều được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép vững chắc.

 CẨM LÝ