Đại thắng mùa xuân 1975: Bình Dương - chiến trường lớn, hậu phương lớn – Bài 5
(BDO) Bài 5: Một ngày bằng 20 năm...
Lịch sử quân sự trong và ngoài nước đã ghi nhận, trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lập nên những chiến dịch đi vào huyền thoại, như Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954… và đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.
Sau 43 năm, kể từ khi đất nước thống nhất, Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa hàng đầu trong cả nước. Trong ảnh: TP.Thủ Dầu Một đạt tiêu chí đô thị loại I. Ảnh: X.THI
Bắt đầu từ 17 giờ ngày 26-4-1975, cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn của quân ta đồng thời diễn ra trên 5 hướng với 5 cánh quân thế mạnh như “trúc chẻ ngói tan”. Phối hợp với các hướng tiến công trên bộ, ngày 28-4, quân ta sử dụng 5 máy bay A37 (thu được của địch) ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất khiến địch càng thêm hỗn loạn. Từ nước Mỹ, tướng 0 Wen đã phải thốt lên: “Thế là hết. Tình hình quân sự đã trở nên tuyệt vọng”. Còn Polza, trùm CIA của Mỹ ở Việt Nam, trước khi kịp leo lên trực thăng rút chạy vào rạng sáng 30-4, đã gửi về Nhà Trắng bức điện cuối cùng: “Những ai không rút ra được những bài học lịch sử nhất định sẽ mắc lại những sai lầm lịch sử… Chúng ta đã thất bại”. Trong khi đó, đồng bào miền Nam, muôn người như một tràn ra đường, vỡ òa trong niềm vui đại thắng…
Các hướng tiến công của quân giải phóng diễn ra nhanh chóng và khá thuận lợi nhưng cũng có một số trận đánh ác liệt như ở Nước Trong, Đồng Dù, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa… Đặc biệt, trên hướng đông Sài Gòn, từ 18 giờ ngày 29-4, Quân đoàn 2 nhanh chóng vượt cầu xa lộ trên sông Đồng Nai, tiêu diệt địch ở Thủ Đức và ở phía bắc cầu Rạch Chiếc, tiến thẳng vào thành phố. 5 giờ sáng 30-4, tất cả các cánh quân của ta đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố. Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Không quân và Bộ Tư lệnh Sư đoàn dù. Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu. Đoàn 232 đánh Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát và Bộ Tư lệnh Hải quân. Quân đoàn 4 giải phóng thành phố Biên Hòa, tiến về chiếm Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng, Đài Phát thanh. Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc Lập.
Đúng 11 giờ 30 phút, xe tăng Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập - trung tâm đầu não cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, cắm lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh báo hiệu thời khắc lịch sử kết thúc cuộc trường chinh đánh Mỹ hơn 20 năm của dân tộc Việt Nam. Như vậy, chỉ sau hơn 3 ngày đêm chiến đấu thần tốc, dũng mãnh, quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương, cảnh sát thuộc Quân khu 3, lực lượng tổng trù bị còn lại và tàn quân của Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Hệ thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Mỹ dựng lên đã sụp đổ từ Trung ương đến cơ sở. Hòa chung trong niềm vui lớn lao ấy, đồng bào Nam bộ nô nức xuống đường cất cao bài hát Giải phóng miền Nam trong không khí tưng bừng, trang nghiêm, hùng tráng. Niềm vui dạt dào thể hiện trên nét mặt hân hoan của mọi người.
Hòa chung trong khí thế tiến công thần tốc của quân ta trên toàn miền Nam, tại Thủ Dầu Một, rạng sáng ngày 30-4, năm cánh quân của tỉnh bắt đầu xuất phát tiến về thị xã với một tinh thần quyết tâm, phấn khởi chưa từng thấy. Mọi người vừa đi vừa chạy, xốc tới mục tiêu mà không hề do dự… Các cánh quân ở Thủ Dầu Một tiến công thuận lợi, do ta đã xây dựng các cơ sở mật từ trước, đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của quần chúng nhân dân vùng lên khởi nghĩa nên địch hoàn toàn tan rã. Riêng cánh quân hướng bắc và tây, một số nhóm địch ngoan cố chống cự đã bị ta tiêu diệt và bắt sống. Ở mục tiêu thứ hai, quân địch cũng chống cự nên ta phải tiêu diệt và sau đó nhanh chóng tiến vào mục tiêu thứ ba bức hàng quân lính ở đây và cắm cờ giải phóng lên Nhà việc Phú Cường. Ở cánh quân hướng tây ta triển khai đội hình đánh vào mục tiêu ấp Mỹ Hảo, Chánh Lộc và phát triển đánh vào thành Công binh ngụy. Đây là những mục tiêu nằm trong khu vực phòng thủ kiên cố của địch, có sông Sài Gòn bao quanh hiểm trở. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chỉ có năm 1962 lực lượng của ta mới vào được khu vực này một lần. Do tính chất ác liệt như vậy nên năm 1962 trở đi, ta đã quyết tâm xây dựng được hai cơ sở mật ở ấp Mỹ Hảo. Do đó, khi cánh quân phía tây tiến vào giải phóng thị xã, các cơ sở mật đã cung cấp nhiều thông tin về lực lượng, vũ khí của địch. Nhờ vậy, quân ta đã hoàn toàn nắm thế chủ động tiến công mạnh mẽ vào các mục tiêu đã định trước. Quân địch ở đây buộc phải bàn giao vũ khí đầu hàng...
Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30-4, cờ cách mạng đã tung bay trên nóc nhà các cơ quan công sở địch. Ta hoàn toàn làm chủ tình hình thị xã Thủ Dầu Một. Nhân dân hân hoan đổ ra đường chào mừng các chiến sĩ giải phóng, chào mừng chiến thắng. Đất trời Thủ Dầu Một như vỡ òa trong hạnh phúc, đâu đâu cũng rợp bóng cờ hoa, nét mặt ai cũng trào dâng cảm xúc. Những con người sau bao năm ly biệt, kẻ Bắc, người Nam nay ôm chặt lấy nhau mà nước mắt tuôn rơi vì hạnh phúc, vì cảm động. 30 năm đất nước chia cắt, nhiều gia đình Việt Nam có người thân đằng đẵng xa nhau, nay trở về đoàn tụ trong ngày vui đại thắng, ngày non sông thống nhất, giang sơn liền một dải với những niềm vui bất tận.
KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU