Đại thắng mùa xuân 1975: Bình Dương - chiến trường lớn, hậu phương lớn - Bài 4
Bài 4: Hồi ức về căn cứ lõm Rạch Móc
(BDO) LTS: Căn cứ lõm Rạch Móc là nơi tác giả Danh Lam (ông Nguyễn Minh Giao, nguyên Ủy viên Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) vào làm việc đêm 27-4-1975 để nhận lệnh của chỉ huy cùng cánh quân nổi dậy chiếm lĩnh, giải phóng TX.Thủ Dầu Một vào ngày 30-4-1975. Báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu một đoạn trích trong hồi ký của ông để nhớ lại những ngày hào hùng năm ấy.
...Thời gian dần trôi qua một cách lặng lẽ. Mới đó mà đã gần hết năm 1970. Chỉ còn vài tháng nữa là hết năm học ở lớp đệ nhất trường An Mỹ. Vào một buổi chiều sau khi tôi và Đức cuốc xong mấy luống lầy ở đám ruộng ngoài rạch Da Màng, tắm rửa cơm nước xong thì trời đã tối. Như thường lệ tôi và Đức thả bước ra phía nhà của ông Mười xe ngựa, nhà bà Tư Linh để bàn việc với Dũng, Xuân Lan và Nhung về các việc đi soi cá hay tập dượt lại bài ca vọng cổ mà tôi là tay đàn đã bày ra mấy hôm trước. Hai đứa đang tung tăng bước đi trên con đường làng chập choạng tối, bỗng có tiếng kêu qui-lát súng và tiếng hô: “Đứng im, giơ tay lên!”. Theo phản xạ, hai đứa đứng lại, đưa hai tay lên, trong đầu bật lên ý nghĩ: “Quái lạ thật, từ chiều không thấy bọn lính biệt kích 81 ra phía này, mà sao lại có vụ này? (ở vùng này thường có lính biệt kích 81 ruồng bố, phục kích)”. Đang hoang mang suy nghĩ, thì có cánh tay choàng qua vai và một giọng nói ấm áp vang lên: “Đùa tí cho vui thôi, các cậu vào đây có cái này hay lắm!”. Thì ra đó là Quốc Cường, tổ du kích xã Tương Bình Hiệp, được phân công đón chúng tôi vào làm việc với cán bộ cấp trên về công tác, móc ráp xây dựng cơ sở cách mạng. Chúng tôi đi theo Quốc Cường băng qua mương nước của vườn cau vào cửa sau nhà bà Tư, Cường quay trở ra cùng với tổ du kích tiếp tục làm nhiệm vụ cảnh giới của mình.
Tác giả Danh Lam hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng ở căn cứ lõm Rạch Móc. Ảnh: T.THẢO
Khi bước qua cửa, cô Bảy Châu (cô Bảy là cơ sở mật của thị xã) dắt chúng tôi đến bàn tròn cũ kỹ. Trên bàn thắp ngọn đèn dầu tỏa ánh sáng yếu ớt. Trên mấy cái ghế có hai người đàn ông ngồi đợi làm việc với chúng tôi. Đó là anh Tư Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn và anh Út Cao, Thị ủy phụ trách an ninh. Anh Tư Hoàng người tầm thước trung bình, có cách nói chuyện thu hút, lôi cuốn người nghe. Anh Út Cao người dong dỏng cao, vẻ mặt nghiêm nghị, ít nói. Suốt buổi làm việc hơn một giờ chỉ có anh Tư Hoàng nói, còn anh Út ngồi nghe. Thì ra các anh đã biết tôi từng tham gia công tác ở Chánh Phú Hòa, nay di chuyển xuống đây đi học, nên móc ráp giao nhiệm vụ tiếp tục công tác cách mạng. Lần này nhiệm vụ của tôi là hoạt động, xây dựng phong trào thanh niên, sinh viên học sinh đấu tranh cách mạng trong lòng địch. Lúc mới nghe, tôi không hiểu gì cả, có vẻ hơi hoang mang, sợ không làm được. Nhưng anh Tư Hoàng trấn an ngay, ban đầu biết hướng chung như vậy thôi, sau này anh sẽ chỉ vẽ từng chút một, từ việc đơn giản nhất đến những việc phức tạp hơn.
Kết thúc buổi làm việc, Xuân Lan mang lên một nồi chè đậu thơm phức, múc ra cho mỗi người một chén. Riêng chén của tôi có vẻ đầy hơn và cô ấy nhìn tôi mà miệng cứ cười chúm chím, làm cho tôi hơi bối rối. Tay múc muỗng chè đưa vào miệng, nuốt lia lịa mà không biết về lạt hay ngọt nữa! Thế là từ đó tôi tham gia công tác ở địa bàn khác, môi trường mới rộng lớn hơn, đầy nguy hiểm, phức tạp hơn, đòi hỏi sự mưu trí, dũng cảm, tự nguyện dấn thân chấp nhận tù đày và cả tính mạng sẽ bị hy sinh bất cứ lúc nào. Sau lần gặp gỡ ấy, chúng tôi được giao nhiệm vụ, được huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ mà tổ chức đã giao.
Nhớ lại lần đầu vào cứ để học, làm việc ở môi trường mới, phải nói rằng có quá nhiều điều mới mẻ, ngỡ ngàng xen lẫn những ngạc nhiên đầy thú vị. Chỉ mỗi cái việc đón chúng tôi vượt sông Sài Gòn, qua cứ Rạch Móc làm việc thôi, cũng đã có đủ các cung bậc cảm xúc hồi hộp, lo sợ và vỡ òa niềm vui khi đến nơi an toàn. Gần nửa tiểu đội du kích, hai chiếc xuồng ba lá, người chèo lái, người bơi ở mũi xuồng đều làm việc cật lực để xuồng di chuyển thật nhanh trong đêm tối, trên mặt nước đầy sóng gió. Ngồi ở trong lòng chiếc xuồng, cả khách và người đi nếu không bơi xuồng thì tay cầm súng, đạn đã lên nòng, chỉa ra hai bên, mắt căng ra nhìn đề phòng, nếu gặp phải tàu tuần duyên của giặc tắt máy, thả trôi, đón lõng thì nổ súng ngay, đã vậy còn phải tát nước trong lòng chiếc xuồng ra, sao cho ít tiếng động nhất có thể! Bận đi là thế, bận về cũng không kém căng thẳng là bao. Chiều xuống, tất cả đã sẵn sàng chèo xuồng ra họng rạch chờ, trời tối nhưng phải căng mắt nhìn về phía bên kia sông, xem có ám hiệu báo yên, mới xuất phát sang sông. Ám hiệu là một ngọn đèn dầu, có chụp ống khói bằng thủy tinh như cái trứng vịt, để trên chuồng gà sau vườn nhà ông Mười xe ngựa, nếu có lính biệt kích phục kích thì ngọn đèn không cháy, đó là ám hiệu báo động không sang sông được.
Hôm ấy, khi đến cứ Rạch Móc thì đã gần nửa đêm. Anh Tư Hoàng đón, dẫn chúng tôi đến các chiếc võng đã giăng sẵn, chỉ cách chui vào, ém mí tấm mùng trên võng cho khéo, muỗi không vào được và ngủ thôi. Sáng ra, nhìn kỹ xung quanh thì mới hiểu rằng, gọi “Căn cứ lõm cho oách vậy thôi, chứ thật ra đây chỉ là một đoạn bờ của con Rạch Móc, mà dân ở vùng sông nước thường gọi là “bờ biền”. Vì là “bờ biền” nên có nhiều cây gừa mọc chen chúc với các loại cây khác, không cao lắm, tạo nên thế khá rậm rạp. Hai bên “bờ biền” là cánh đồng lầy thụt, cây cỏ lát cao khỏi đầu người mọc hoang dại, ken dày, trải dài từ bờ sông Sài Gòn lên tới chỗ cao hơn cũng mất cả cây số mới có mấy đám ruộng của dân trong ấp chiến lược Trung An ra canh tác. Vì là cánh đồng lầy lội, nên không ai bén mảng tới. Hơn nữa dọc bờ sông từ cánh đồng Trung An này chạy dài lên Bến Đình, nơi có Địa đạo Củ Chi là khu vực bắn pháo tự do cả ngày lẫn đêm của các loại máy bay tàu chiến Mỹ ngụy.
Ở trong căn cứ lõm này, ai cũng phải tuân thủ nguyên tắc sinh hoạt: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Riêng đối với khách nội thành đến làm việc, không ai được nhìn thấy mặt, ngoại trừ người làm việc trực tiếp với khách. Sau khi ăn sáng bằng mấy củ khoai luộc chấm muối đậu xong, buổi làm việc bắt đầu. Bài học đầu tiên mà anh Tư Hoàng truyền đạt là bài “Năm bước công tác cách mạng”, đó là điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và hành động.
Ngồi trên cánh võng đu đưa dưới tán lá cây gừa, thả chân xuống là đụng nước mát lạnh của con rạch, ghi vội mấy dòng trên miếng giấy pơ-luya mỏng kê trên đùi, tài liệu sau buổi làm việc được gửi lại căn cứ, chứ không mang về. Làm việc trong điều kiện như vậy, thế mà việc tiếp thu bài học cực kỳ hiệu quả. Mãi đến sau này, tôi vẫn nhớ các bước công tác để ứng dụng cho phong trào học sinh, sinh viên và cả trong các hoạt động biệt động trong lòng địch. Trưa hôm ấy, được ăn bữa cơm trong căn cứ lõm Rạch Móc, một bữa cơm quá đặc biệt trong đời của chúng tôi, cho đến nay gần 50 năm đã qua mà tôi vẫn nhớ, vẫn cảm thấy như mới hôm qua đây thôi! Bữa cơm đặc biệt vì không có cao lương, mỹ vị, thậm chí đũa dùng còn bẻ từ mấy nhánh cây rừng. Nó đặc biệt ở nhiều lẽ khác. Cái lẽ nằm ở yếu tố tinh thần hơn là yếu tố vật chất. Món đọt lục bình xào chấm nước mắm trắng mà ngọt lạ lùng...
Ở căn cứ lõm Rạch Móc này, ngoài lực lượng du kích xã, còn có lực lượng đặc công thủy hoạt động. Có một lần tôi được anh Tư Hoàng cho ngồi nghe tổ đặc công nước báo cáo phương án đi đánh mấy chiếc giang thuyền đậu ở bến Năm Rằng (Tương Bình Hiệp). Sở dĩ được nghe và cho ý kiến đánh địch là vì hồi đó có một nguyên tắc ở vùng sâu là khi có một cán bộ có vị trí cao nhất thì đó sẽ là người chịu trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy tất cả các lực lượng, các hoạt động. Nói là tổ đi đánh tàu giặc, nhưng thật ra chỉ có hai chiến sĩ Tạch và Kêu, một người trực tiếp đánh và một người hỗ trợ. Trang phục chỉ vỏn vẹn một chiếc xì-líp và một cọng sậy ngậm trên miệng, vũ khí gồm khói thuốc nổ C4 có ngòi nổ được hẹn giờ trước, được gói lại bằng ny-lon sẫm màu, vài miếng nam châm cột dính và một cái ruột xe Vespa đầy hơi, ngụy trang bằng mấy dề lục bình, lúc nào cũng có sẵn xung quanh “trên đường bộ, dưới mặt nước” khi tiếp cận tàu địch. Trận đánh ấy thành công, một chiếc giang thuyền bị đánh lật gọng tại bến Năm Rằng...
Ngày nay, mỗi lần họp mặt cánh Nam để kỷ niệm ngày 30- 4-1975, tôi và các anh chiến sĩ đặc công nước như Tư Nghiễm, Hùng Sơn, Chúc… đều thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đến hai đồng đội Tạch, Kêu đã hy sinh khi hai anh đánh địch ở cầu Ông Cộ, Tân An... (còn tiếp)
DANH LAM