Đại thắng mùa xuân 1975: Bình Dương - chiến trường lớn, hậu phương lớn - Bài 3
Bài 3: Đất quê ta mênh mông, lòng mẹ rộng vô cùng...
(BDO) Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã ra chiến trường, hy sinh trong bao cuộc chiến đấu. Có những người tuổi còn chưa tròn đôi mươi, có người cái tên đồng đội còn chưa kịp nhớ. Sự hy sinh ấy mãi luôn được đất nước nghiêng mình. Nhưng còn có những sự hy sinh mà nỗi đau của những người mẹ mất chồng, mất con sau cuộc chiến vẫn còn dai dẳng. Những bà mẹ không chỉ dâng tặng cho Tổ quốc những người con mình đứt ruột đẻ ra mà còn sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình cho Tổ quốc quyết sinh.
Ông Lê Đức Phong, một cán bộ kháng chiến tại TX.Dĩ An chỉ căn hầm bí mật, nơi gia đình bà Năm Rỡ đã nuôi giấu ông và các cán bộ chiến sĩ trong những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.THẢO
“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”
Cội nguồn của sức mạnh Việt Nam trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chính là nhờ có sức mạnh của nhân dân. Trong đó, phải kể đến những công lao to lớn và sự hy sinh thầm lặng của các mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Tôi còn nhớ mãi, hình ảnh mẹ VNAH Đặng Thị Út (sinh năm 1934) ngày ngày ngồi nhìn ra con đường trước cửa nhà để “đón xe đi thăm con trai” trên Bù Đốp, nơi người con trai đầu của mẹ là anh Phan Văn Xuân (sinh năm 1958) đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Mẹ bảo, vẫn để anh lại đấy bầu bạn với các đồng chí của anh, nhưng sẽ sớm đưa anh về gần mẹ, để sau này khi mẹ con ở gần nhau, mẹ sẽ lại được chăm sóc cho anh!
Quê hương mẹ Út ở xã An Điền (TX.Bến Cát), là một trong ba xã của vùng đất Tam giác sắt anh hùng năm xưa. Nơi đây có địa đạo Tây Nam Bến Cát, cũng từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu bộ miền Đông, Xứ ủy Nam bộ, Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Cũng chính vì thế mà người dân địa phương ở đây sớm được giác ngộ cách mạng và đã từng đương đầu với biết bao thử thách ác liệt nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân ta. Chồng của mẹ Đặng Thị Út là liệt sĩ Phan Văn Lắm (sinh năm 1928) cũng đã hy sinh trên mảnh đất quê hương anh dũng này. Ông là cán bộ cơ sở cách mạng, vào tháng 7-1964, trong một lần tham gia tiêu diệt địch ở rừng Kiến An, ông đã anh dũng hy sinh. Mẹ Út hay tin nhưng giấu nỗi đau vào lòng, mẹ vờ như không biết để địch khỏi nghi ngờ. Chồng hy sinh, mẹ một nách tần tảo nuôi 5 người con khôn lớn. Nỗi đau mất chồng cùng với sự căm thù giặc ngút ngàn, mẹ Út và gia đình vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Do buôn bán ở chợ nên mẹ tạo được mối quan hệ với lính Mỹ. Cũng từ mối quan hệ này, mẹ trở thành giao liên, liên lạc cho bộ đội ta. Mẹ kể, ban ngày vừa ngồi bán hàng, vừa xin thuốc men của lính Mỹ, vừa lấy thông tin từ chúng. Tối đến, mẹ lại đi tiếp tế lương thực, thuốc men và thông tin cho quân ta. Nhiều gia đình gửi lương thực, thực phẩm cho con cũng thông qua mẹ. Cứ thế, mẹ lặn lội suốt ngày đêm, vừa nuôi con, vừa nuôi giấu cán bộ ngay trong lòng địch.
Một lần được gặp và trò chuyện với mẹ VNAH Lê Thị Đậu (sinh năm 1930) ở phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát, chúng tôi lại càng thêm xúc động và tự hào trước những trang sử hào hùng đầy máu và hoa của dân tộc ta. Những ký ức của chiến tranh chợt ùa về như những thước phim quay chậm. Nhắc đến chiến tranh, mẹ Lê Thị Đậu lại nhớ và nghĩ đến hai người con đã hy sinh của mẹ, đó là anh Lê Văn Lính (sinh năm 1950) và anh Lê Văn Kết (sinh năm 1954). Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có biết bao người con ưu tú của đất nước cũng đã ngã xuống để Tổ quốc được độc lập, thống nhất hôm nay, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, vẫn cứ âm ỉ, ray rứt mãi đến tận bây giờ. Khi chúng tôi ngồi bên, mẹ lại lau những giọt nước mắt rơi chầm chậm trên gò má đã nhăn nheo cùng năm tháng. Mẹ Đậu có 5 người con trai thì 2 người chết vì bom đạn của Mỹ từ khi còn nhỏ, anh Lính là con thứ hai của mẹ. 15 tuổi anh đã tham gia cách mạng. Sau một trận chiến ác liệt trong Tết Mậu Thân năm 1968, anh Lính về thăm mẹ khi đang bị thương và biếu mẹ một cái đồng hồ. Mẹ bảo: “Con ở nhà với mẹ một thời gian cho khỏe đã rồi hãy đi!”, nhưng anh kiên quyết: “Tổ quốc đang cần con mẹ ạ!”. Đó cũng là lần cuối cùng mẹ nhìn thấy anh, vài ngày sau, đúng mùng 9 tết, anh đã vĩnh viễn rời xa mẹ, hy sinh trong một trận chiến ác liệt tại chiến khu Long Nguyên, bị trúng bom B52 của Mỹ nên không tìm thấy xác, sau giải phóng mẹ mới biết tin. Còn anh Lê Văn Kết là người con trai thứ tư của mẹ Đậu. Trong khi giặc Mỹ gom ấp chiến lược, bắt anh đi lính, anh đã giết chết chủ ấp rồi bỏ vô rừng làm cách mạng. Năm 1970, trong một lần quần nhau với địch, anh Kết cũng đã anh dũng hy sinh. Lần này mẹ Đậu biết con trai đã hy sinh, nhưng mẹ đã nuốt nước mắt vào trong vờ như không biết. Mẹ cũng không xuống nhận xác con để tránh sự nghi ngờ của giặc. Bởi lúc đó, bản thân mẹ cũng đang làm cách mạng. Mẹ bồi bồi, nói khi rơm rớm hai hàng lệ: “Khi Tổ quốc cần, phải chấp nhận chia ly!” .
Mẹ Đậu tham gia cách mạng từ rất sớm, bắt đầu từ những việc làm rất bình thường như đào hầm, tiếp tế lương thực… Sau này mẹ được ta cài vào làm trong lòng địch để nắm bắt và cung cấp thông tin cho cách mạng. Không chỉ vậy, mẹ Đậu còn là một phụ nữ rất gan dạ, nhiều lần mẹ thực hiện gài mìn giết chết lính Mỹ. Có lần mẹ gài hỏa tiễn chuồn chuồn để giết bọn địch nhưng không nổ. Sau khi dò la kỹ, mẹ đã dũng cảm bọc mìn trong túi áo và đem gài vào kho xăng. Lần đó, mẹ đã tiêu diệt được 2 lính Mỹ và làm bị thương nhiều tên khác, đồng thời gây thiệt hại lớn cho địch… Có dịp ngồi với mẹ, nghe mẹ kể lại những kỷ niệm một thời hào hùng, chúng tôi lại xúc động cảm nhận thấy rõ hơn về những hình ảnh mẹ, người phụ nữ gan dạ, kiên trung hiện lên thật lung linh, ngời sáng.
“Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, có biết bao chiến công, đóng góp hy sinh của hàng triệu phụ nữ Việt Nam. Có những chiến công đã đi vào sử sách, song cũng có những đóng góp thầm lặng và vô cùng giản dị. Giản dị như những nhát cuốc đào hầm của các bà, các mẹ năm xưa. Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết: “Đất quê ta mênh mông/Quân thù không xăm hết được/Lòng mẹ rộng vô cùng/Mẹ giấu cả sư đoàn dưới đất/Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất/Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam…”.
Kỷ vật về những năm tháng hoạt động cách mạng nuôi giấu cán bộ của gia đình bà Năm Rỡ (Trần Thị Rỡ) tại phường Tân Bình, TX.Dĩ An chính là những căn hầm bí mật. Do địa hình và cây cối um tùm, rậm rạp của khu vườn mà hệ thống hầm bí mật của gia đình má Năm Rỡ được bảo đảm an toàn trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Lê Đức Phong, một trong những cán bộ từng được gia đình bà Năm Rỡ che chở dưới căn hầm của gia đình kể lại: “Nếu không nhờ căn hầm của gia đình má Năm Rỡ, chắc tôi không còn sống được đến ngày hôm nay. Tôi còn nhớ, lúc đó tình hình chiến sự rất ác liệt. Cán bộ cách mạng bám trụ trong dân để hoạt đông gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi chủ yếu hoạt động về đêm, còn ban ngày làm việc và sinh hoạt dưới hầm. Hàng ngày, má Năm Rỡ đảm nhiệm việc nấu cơm và mang cơm cho cán bộ. Lần lượt theo thời gian, hết tốp cán bộ này chuyển đi lại đến tốp cán bộ khác đến và được gia đình má nuôi giấu an toàn, chu đáo. Cháu ngoại má Năm Rỡ là Lê Minh Sơn (ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh) đã trực tiếp ngụy trang để bảo vệ hầm an toàn mỗi ngày” .
Không thể nào nói hết được công lao của những người mẹ VNAH. Các mẹ cũng không bao giờ kể hết những nhọc nhằn, gian lao, nguy hiểm nhưng những người đang được sống trong hòa bình hôm nay luôn cảm nhận được sức chịu đựng, phẩm chất anh hùng và bao hy sinh thầm lặng của các mẹ. Không chỉ tần tảo nuôi con, đưa con mình đến với cách mạng, các mẹ còn đào hầm, ngày đêm tiếp tế lương thực cho bộ đội kháng chiến. Các mẹ không chỉ dũng cảm bám đồng ruộng cấy lúa dưới mưa bom bão đạn, còn đi điều tra, thu thập tin tức, làm giao liên cho bộ đội… Và cao cả, thiêng liêng hơn, những người mẹ VNAH còn cống hiến cho Tổ quốc những người chồng, người con thân yêu của mình. “Đời dâng hiến giống nòi/ Mẹ sống giữa gian lao/ Vì đất nước hy sinh cả cuộc đời...”. (còn tiếp)
NGỌC THANH