Cù lao Rùa: Di tích khảo cổ có niên đại hàng ngàn năm trên đất Bình Dương
(BDO)
Di tích hàng ngàn năm tuổi
Cù lao Rùa là địa danh, nay là xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên. Cù lao Rùa được ôm trọn bởi dòng chính của sông Đồng Nai và một nhánh rẽ con sông này. Nhìn từ trên cao, vùng đất cù lao chập chờn trông giống như một con rùa nên được gọi là cù lao Rùa.
Trên mảnh đất cù lao này, có một ngọn đồi cao khoảng 15m (giống hình mu rùa nổi cộm lên). Ở đỉnh gò còn có một ngôi chùa cổ có niên đại khoảng 200 năm - chùa Khánh Sơn.
Từ năm 1888, nhà khảo cổ học người Pháp tên E.Cartailhac đã phát hiện di tích này. Một năm sau đó, thông tin về cù lao Rùa được E.T.Hamy công bố trên một tạp chí của Bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris. Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ người Pháp đã đến vùng đất này khai quật, tiếp tục phát hiện thêm nhiều di vật, chủ yếu là đồ đá và đồ gốm.
Vào năm 2003, sau nhiều lần điều tra, thám sát, Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ của Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Dương tổ chức cuộc khai quật quy mô lớn ở cù lao Rùa. Từ cuộc khai quật này, các nhà khảo cổ đã đưa lên khỏi lòng đất nhiều hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, chứa đựng nhiều thông tin khoa học mà trước đây chưa từng phát hiện. Trong đó có bộ răng voi, 1.254 hiện vật bằng đá và đất nung như rìu, bàn mài, khuôn đúc, đục các loại, vòng tay, bi gốm, dọi xe sợi... và nhiều đồ tùy táng khác. Từ những mảnh gốm thu được qua đợt khai quật, các nhà nghiên cứu đã gắn kết, phục chế hình dạng và có thêm nhiều hiện vật gốm, như: bát bồng, nồi, chậu, đĩa chân cao, tô lớn, âu, hủ... Tài liệu ghi lại của Bảo tàng tỉnh, cho thấy có hơn 85.900 mảnh gốm và hơn 6.790 mảnh gốm mộ táng.
Ngoài rất nhiều công cụ bằng đá và hàng ngàn mảnh gốm vỡ được tìm thấy khi khai quật, trong khu di tích này còn phát hiện 12 mộ táng. Đây là một phát hiện mới của giới khoa học khảo cổ lúc bấy giờ. Từ những kết quả khảo cổ có được, qua nghiên cứu của các nhà khảo cổ học sau này, cho thấy cù lao Rùa không chỉ là một khu di tích cư trú, mà còn là một khu mộ táng. Di tích được các nhà nghiên cứu khảo cổ xếp vào thời kỳ đá mới hậu kỳ, có niên đại 3.000-3.500 năm cách ngày nay.
Nguồn tư liệu quý
Những phát hiện tại di tích cù lao Rùa đã mở ra cho các nhà khoa học một hướng tiếp cận mới về táng thức, về đời sống sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân thời tiền sử xưa trên vùng đất này. Đây cũng là những bằng chứng quan trọng về một nền văn hóa cổ tồn tại hàng ngàn năm trên đất Bình Dương. Những kết quả của cuộc khai quật này đã chứng minh, Bình Dương là vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử từ lâu đời. Không chỉ đối với Bình Dương, việc phát hiện di tích cù lao Rùa còn giúp các nhà khoa học có thêm nhiều chứng cứ quan trọng trong quá trình nghiên cứu về khảo cổ học tiền sử ở khu vực Đông Nam bộ.
Với những giá trị vô cùng to lớn được phát hiện ở đây, năm 2009, di tích khảo cổ cù lao Rùa đã được xếp hạng công nhận là di tích cấp quốc gia. Cùng với những di tích có thời gian tồn tại hàng trăm năm trên mảnh đất cù lao này, cù lao Rùa mãi được biết đến là vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử lâu đời. Trong đó có đình thần Nhựt Thạnh, cách di tích cù lao Rùa khoảng 100m cũng đã được công nhận là di tích cấp tỉnh vào cuối năm 2019.
Đường về với mảnh đất cù lao sau này đã thuận tiện hơn rất nhiều từ khi có cây cầu Thạnh Hội bắc qua sông. Người dân cù lao không còn bị biệt lập, khó khăn khi muốn ra bên ngoài như trước đây. Giao thông kết nối, cuộc sống người dân nơi đây cũng ngày càng khởi sắc hơn. Và những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất này chính là sức mạnh tiềm ẩn, tiếp thêm động lực đưa mảnh đất cù lao ngày càng phát triển đi lên.
CẨM LÝ