Con đường của thanh niên… - Bài 5

Thứ ba, ngày 22/03/2016

(BDO) Bài 5: Sống hết mình với cái tâm trong sáng

Bước sang một giai đoạn mới, mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện, song những người cán bộ Đoàn với cái tâm trong sáng, luôn sống hết mình với các phong trào, đảm đương nhiệm vụ để hoàn thành mọi mặt công tác. Đây là những tâm sự của ông Phạm Văn Sơn Khanh, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé giai đoạn 1989-1994, như là một thông điệp đầy ý nghĩa mà mỗi người cán bộ Đoàn hôm nay cần phải biết phát huy để hoàn thành sứ mệnh tiên phong của mình.

 Một thời của “Ba xung kích”

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, các thế hệ thanh niên Việt Nam lại tiếp tục không ngừng nỗ lực rèn luyện, học tập và phấn đấu. Lúc bấy giờ, thanh thiếu nhi rất thích tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn Thanh niên. Ngay từ những ngày tham gia phong trào Đoàn trong trường học năm 1976, ông Phạm Văn Sơn Khanh đã xung phong dạy miễn phí tiếng Anh mỗi ngày cho học sinh miền Bắc. Với tinh thần tình nguyện trong phong trào, năm 1977 ông được kết nạp vào Đoàn. Ông bảo, khi chính thức là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ai cũng cảm thấy vinh dự và tự hào và như được tiếp thêm động lực phấn đấu để tiên phong, trở thành cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng.

Ông Phạm Văn Sơn Khanh, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé giai đoạn 1989-1994 chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ Đoàn trẻ tuổi. Ảnh: P.V

Năm 1978, ông Khanh được chuyển về công tác tại Huyện đoàn Thuận An. Nhớ lại thời điểm đó, ông kể: “Tôi được giao nhiệm vụ cùng với một cán bộ Đoàn khác tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện Thuận An. Hồi đó, điều kiện thông tin chưa có, cán bộ tham gia làm thì chỉ có hai người với một chiếc xe đạp mà phải đảm nhận toàn bộ nội dung. Tuy vậy, cả tôi và đồng chí cán bộ Đoàn kia vẫn rất thích thú làm và cố gắng hết mình để đại hội có đầy đủ chương trình và thành công tốt đẹp”.

Trong những năm của thập kỷ 80, ông Khanh về Tỉnh đoàn và làm Chánh Văn phòng Tỉnh đoàn. Đây là thời điểm thanh thiếu nhi cả nước nói chung, thanh thiếu thi trong tỉnh nói riêng đều sôi nổi nhiều phong trào thi đua, trong đó có phong trào “Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia phong trào “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Tiếp đó là các phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” và “Hành quân theo chân Bác” cũng thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi trong tỉnh tham gia.

Phát huy “5 bước công tác” và “3 cùng”

Năm 1985, ông Khanh đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho đến năm 1989 thì được bầu làm Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé. Trong một lần đi công tác ở Công ty Cao su Phước Hòa và về thăm Nông trường Nhà Nai trực thuộc công ty, một cán bộ Đoàn nông trường đã hỏi: “Anh Khanh ơi vào Đoàn để được gì? Hay là vào Đoàn để đóng phí?”. Câu hỏi này đã làm ông trăn trở về việc Đoàn đem lợi ích gì cho thanh niên qua những phong trào, hoạt động… Điều đó, đòi hỏi người cán bộ Đoàn phải sáng tạo hoạt động, phong trào phải có dấu ấn tốt và đem lại lợi ích, ý nghĩa cho thanh niên. Ông kể: “Thời điểm đó, tôi đã khởi xướng tổ chức liên hoan thanh niên học giỏi của tỉnh gặp mặt, giao lưu. Sau đó, Tỉnh đoàn trao phần thưởng và động viên họ ra sức thi đua học tập đạt kết quả cao. Không những vậy, Tỉnh đoàn còn tổ chức liên hoan thanh niên dân tộc tỉnh Sông Bé tại Bù Đăng (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Liên hoan này được đánh giá cao vì trong cả nước chưa có địa phương nào làm. Mục đích của liên hoan là để thanh niên biết được hoạt động Đoàn, tổ chức sinh hoạt bổ ích, vui tươi và tập hợp thanh niên dân tộc vào tổ chức Đoàn”.

Ông Khanh cho biết, Tỉnh đoàn Sông Bé khi đó luôn xác định Đoàn Thanh niên là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Với công tác Đoàn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào người cán bộ Đoàn cũng phải hăng hái tích cực, xung kích sáng tạo; xác định đúng lý tưởng cách mạng. Ước mơ trong sáng, hoài bão lớn lao đó là mục đích sống, chiến đấu, dấn thân, cống hiến trong công tác. Ở từng thời điểm và trong các sự kiện chính trị, Đoàn Thanh niên tỉnh Sông Bé đều tổ chức họp mặt và tuyên truyền trong lực lượng thanh niên. Bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, Tỉnh đoàn Sông Bé còn xác định trọng tâm cần thiết nữa là tập hợp thanh niên thông qua việc đẩy mạnh các phong trào nổi bật ở mỗi khối đối tượng thanh niên như thi thợ giỏi, thi tay nghề trong ngành cao su; trong nhà trường có phong trào dạy và học; công nhân thì có phong trào tăng năng suất… Qua các phong trào, thanh niên trong tỉnh hăng hái thi đua học tập, lao động sáng tạo, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Khanh chia sẻ: “Mặc dù trong thời gian này, tổ chức Đoàn còn nhiều khó khăn, nhất là kinh phí hoạt động. Vùng nông thôn lại càng khó khăn hơn so với vùng khác, cho nên vai trò của người cán bộ Đoàn là phải bám sát công tác, nỗ lực trong phong trào, sống cùng và lắng nghe thanh niên. Để làm tốt công tác, người cán bộ Đoàn phải phát huy “5 bước công tác” và “3 cùng” trong vai trò tìm hiểu tình hình, nắm bắt tư tưởng, tuyên truyền vận động, hướng dẫn và tổ chức hoạt động. Tất cả được thực hiện với phương châm lý tưởng cao đẹp, ước mơ trong sáng, hoài bão lớn lao và nói đi đôi với làm”.

Trong khoảng thời gian ngần ấy năm gắn bó với công tác Đoàn, ông Khanh luôn quan niệm: “Trong công tác Đoàn, mình đã yêu thích là phải làm với lòng nhiệt huyết chứ không nên nghĩ là làm để được cái gì hay để làm lãnh đạo ngành này, ngành kia. Cũng đừng bao giờ hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta…”. Ông bảo: “Tôi đã chuyển qua công tác nhiều ngành, riêng công tác Đoàn Thanh niên đặc biệt để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, là nơi tôi đã được học tập, rèn luyện và thể hiện đam mê công tác, vượt qua mọi khó khăn.

Thiết nghĩ, để kế thừa truyền thống, những người cán bộ Đoàn hôm nay cần phải cố gắng thật nhiều để thể hiện sức trẻ, tinh thần xung kích. Đặc biệt, tuổi trẻ thì cần sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức, đưa công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi phát triển lên một bước mới, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay. (còn tiếp).

“Tôi đúc rút kinh nghiệm rằng, để công tác thanh niên phát triển thì phải quan tâm vào việc bồi dưỡng lớp cán bộ Đoàn, Hội, Đội kế tiếp vì “cán bộ là gốc của mọi việc” như Bác Hồ đã dạy. Cán bộ sẽ quyết định phong trào Đoàn thành công hay thất bại”. Cũng theo ông Khanh, ngoài việc có điều kiện hoạt động, đối với người cán bộ Đoàn còn phải có năng lực, kỹ năng, nhất là phải có đam mê công tác Đoàn. Đó là nguồn gốc của sáng tạo, của các hoạt động và phong trào. Mặt khác, cán bộ Đoàn phải có uy tín, tạo được uy tín với đoàn viên, thanh niên thì mới làm tốt việc tuyên truyền, vận động. Cán bộ Đoàn phải biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ; biết cùng thanh niên để hành động, biết cách tổ chức phong trào rộng lớn để thu hút thanh niên tham gia một cách hiệu quả thiết thực”.

(Ông Phạm Văn Sơn Khanh, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé
giai đoạn 1989-1994)

 

K.TUYẾN