Con đường của thanh niên… Bài 3

Thứ bảy, ngày 19/03/2016

(BDO)  Bài 3: Dốc hết mùa xuân tuổi trẻ

 Ngược dòng thời gian, ông Hồ Minh Phương, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé nhiệm kỳ I, II (giai đoạn 1979-1983) say sưa kể cho chúng tôi nghe về khí thế làm kinh tế và tinh thần cách mạng của thanh niên thời ấy. Sau hơn 40 năm kể từ khi thống nhất đất nước, các thế hệ tuổi trẻ Sông Bé - Bình Dương đã ghi nhiều dấu ấn đậm nét trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương, vững bước dưới cờ Đảng quang vinh. Bình Dương hôm nay đãthay da đổi thịt. Kinh tếphát triển, văn hóa xãhội có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tựan toàn xãhội được giữvững… Đólà kết quả của một hành trình dài chung sức của tuổi trẻ Sông Bé - Bình Dương trên từng tuyến lửa, dốc hết mùa xuân của tuổi trẻ kiến thiết quê hương.

 “Giành” lại đất sản xuất

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc bằng đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông Hồ Minh Phương cho rằng, trong chiến thắng vĩ đại ấy, có sự đóng góp to lớn của đoàn viên thanh niên trên khắp các mặt trận. Đảng ta, nhân dân ta, Đoàn ta đã giáo dục, rèn luyện một thế hệ thanh niên Việt Nam vô cùng dũng cảm, thông minh, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết chiến - quyết thắng. Sau ngày thống nhất nước nhà, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã ra quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Ông Hồ Minh Phương (thứ 2, từ trái qua) trò chuyện với các cựu cán bộ Đoàn. Ảnh: T.LÊ

Lần dở lại quá khứ, ông Phương kể: “Tỉnh Sông Bé lúc đó tiếp tục cùng cả nước vạch ra những phong trào, những hoạt động sôi nổi, thu hút hàng triệu lượt thanh niên tham gia. Sau ngày giải phóng, tỉnh Sông Bé là vùng quê hoang tàn, đổ nát vì gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng, ý chí phấn đấu và nỗ lực khắc phục khó khăn không ngừng nghỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, vết thương chiến tranh trên mảnh đất dần được hàn gắn. Hẳn nhiên, trong thành công chung đó, các thế hệ đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đóng góp phần công sức không nhỏ, nhất là khâu khai hoang phục hóa, tháo gỡ bom mìn, làm thủy lợi. Trong cuộc chiến cam go “giành” lại đất sản xuất, nhiều người trẻ đã ngã xuống do bom mìn còn sót lại. Biến đau thương thành hành động, họ hăng hái tham gia làm thủy lợi để giải “cơn khát” cho những cánh đồng đang chờ nước tưới…”.

Đất nước vừa giải phóng, thuận lợi là khí thế cách mạng đang bùng lên. Tuy nhiên, khó khăn chính là hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề, sản xuất kém phát triển cùng chính sách bao cấp cũ nên lúa gạo sản xuất lương thực cho nhân dân không đủ. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, 80% nhân dân sản xuất nông nghiệp nhưng do chính sách khôi phục kinh tế còn hạn chế nên tình trạng thiếu đói diễn ra triền miên. Nhân dân phải đem gốm sứ, gỗ về miền Tây đổi lấy lương thực. Khi ấy, phong trào thanh niên làm cánh đồng mẫu, thửa ruộng thanh niên… để phát triển khôi phục sản xuất nông nghiệp là một trong những phong trào ghi dấu ấn mạnh nhất. Đây là thời kỳ mà thanh niên làm nòng cốt trong các phong trào ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, phục vụ sản xuất, khôi phục kinh tế sau bao nhiêu năm chiến tranh khốc liệt. Đoàn Thanh niên lúc đó là tổ chức xung kích, đi đầu, thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng là chăm lo phục hồi, phát triển sản xuất sau 1975.

Mãi mãi tinh thần xung kích, tiên phong

Năm 1978-1979, chiến tranh biên giới ở phía Bắc và Tây Nam xảy ra, Tổ quốc kêu gọi làm dấy lên phong trào thanh niên tình nguyện viết đơn bằng máu để xin đi phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tuổi trẻ địa phương lại làm nòng cốt trong phong trào tòng quân và xung phong đi bộ đội, làm chông mìn chiến đấu ở Bù Đốp, Lộc Ninh, Lộc Tấn, Hưng Phước… Ông Phương cho biết, lúc đó, tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân đã được phát huy tạo nên sức mạnh tổng hợp của địa phương, với mức huy động sức người, sức của quy mô lớn trong thời gian dài, có khí thế và được tổ chức chặt chẽ. Các huyện phía sau trở thành hậu phương của các huyện, xã biên giới. Hàng chục ngàn bức thư của thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên từ các địa phương ở thị xã Thủ Dầu Một, Bến Cát, Thuận An, Tân Uyên… gửi lên thăm hỏi động viên tinh thần dân công lao động, bộ đội chiến đấu trên tuyến biên giới. Các giới, các ngành, đoàn thể của huyện thị ở hậu phương tổ chức các cuộc vận động quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm, thuốc men gửi lên công trường... Qua lao động xây dựng xã, ấp chiến đấu, lực lượng lao động, nhất là thanh niên được rèn luyện, thử thách, phát huy vai trò xung kích, tiên phong.

Kể chuyện quá khứ rồi liên hệ với hiện tại, ông Hồ Minh Phương, Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé nhiệm kỳ I, II giai đoạn 1979-1983 cũng khẳng định niềm tin, sự kỳ vọng vào tuổi trẻ hiện nay. Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm qua, tuổi trẻ Sông Bé -Bình Dương đã thể hiện được ý chí vươn lên khẳng định mình bằng con đường học vấn, sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Trong học tập, nhiều sinh viên giỏi trở thành nhà khoa học, nhà quản lý, không chỉ khẳng định mình ở trong nước mà cả ở nước ngoài.

“Tôi khẳng định rằng, so với thời kỳ trước đây, tuổi trẻ Bình Dương hiện nay rất thông minh, có trình độ về học vấn, tin học, ngoại ngữ; vừa có năng lực vừa có trí tuệ. Các phong trào mà Tỉnh đoàn phát động rất hay và ý nghĩa như chăm lo đời sống cho thanh niên công nhân xa quê rất thiết thực. Tuy nhiên, theo tôi, bây giờ không nên phát động tập hợp thanh niên chung chung mà phải gắn trực tiếp đến quyền lợi của họ như về đời sống, gia đình, tiền lương… Và điều quan trọng nhất là, dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, tuổi trẻ phải luôn giữ vững niềm tin với Đảng và Nhà nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên khi tuổi trẻ có niềm tin để ra sức thi đua, phát huy tinh thần xung kích, tiên phong thì sẽ vượt qua mọi khó khăn....”, ông Hồ Minh Phương nhắn gửi. (Còn tiếp)

 “Đất nước vừa giải phóng, thuận lợi là khí thế cách mạng đang bùng lên. Tuy nhiên, khó khăn chính là hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề, sản xuất kém phát triển cùng chính sách bao cấp cũ nên lúa gạo sản xuất lương thực cho nhân dân không đủ. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, 80% nhân dân sản xuất nông nghiệp nhưng do chính sách khôi phục kinh tế còn hạn chế nên tình trạng thiếu đói diễn ra triền miên. Nhân dân phải đem gốm sứ, gỗ về miền Tây đổi lấy lương thực. Khi ấy, phong trào thanh niên làm cánh đồng mẫu, thửa ruộng thanh niên… để phát triển khôi phục sản xuất nông nghiệp là một trong những phong trào ghi dấu ấn mạnh nhất…”.

(Ông Hồ Minh Phương, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé
giai đoạn 1979-1983)

 

THANH LÊ