Con đường của thanh niên…

Thứ năm, ngày 17/03/2016

LTS: Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2016), Báo Bình Dương khởi đăng loạt bài hồ sơ tư liệu về các Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé - Bình Dương qua các thời kỳ nhằm khẳng định rõ thêm chân lý: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không có con đường nào khác”. Loạt bài gồm 9 kỳ sẽ tái hiện lại khí thế sục sôi của tuổi trẻ tỉnh Sông Bé - Bình Dương từ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc đến nay. Loạt bài cũng nhằm thể hiện về truyền thống xung kích cách mạng, tinh thần xung phong tình nguyện, sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao của thế hệ cán bộ Đoàn trong tỉnh qua các thời kỳ. Nối tiếp truyền thống, tuổi trẻ Bình Dương hôm nay cũng đang vững bước dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, với hoài bão lý tưởng cách mạng, ra sức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bài 1: Đốt lửa cho đồi hoang thắm mãi…

 Sau giải phóng năm 1975, cả nước bước vào thời kỳ ổn định tình hình, hàn gắn vết thương chiến tranh. Có thể nói, sau hơn 100 năm, lần đầu tiên trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta không còn bóng một tên xâm lược, dân tộc ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Nhân dân phấn khởi với đời sống độc lập, tự do và hạnh phúc. Thời kỳ này, ông Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1942) tại xã An Điền, huyện Bến Cát cũ (nay là TX.Bến Cát) vinh dự là người được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh đoàn đầu tiên sau khi tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước được sáp nhập thành tỉnh Sông Bé vào năm 1976.

(BDO)   Ông Nguyễn Văn Bình (trái), nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé nhiệm kỳ I trò chuyện cùng thế hệ trẻ Bình Dương Ảnh: T.LÊ

Sức trẻ khai hoang phục hóa

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Bình, chúng tôi được lần ngược về quá khứ sôi sục của tuổi trẻ sau những năm đầu giải phóng. Sau năm 1975, tỉnh Thủ Dầu Một tiếp quản hầu như nguyên vẹn thị xã, thị trấn nhưng cơ sở vật chất do địch để lại đáp ứng nhu cầu rất nhỏ so với nhu cầu đời sống nhân dân. Vùng giải phóng cũ, ruộng đất hoang hóa nhiều, dân cư thưa thớt, thiếu lao động và công cụ, vật tư sản xuất. Nhân dân vùng căn cứ, vùng giải phóng cũ trở về xóm cũ để sản xuất với hai bàn tay trắng, không có trâu bò, không nhà cửa, những công cụ lao động thô sơ như con dao, cái cuốc cũng chưa có để dùng. Ngược lại, vùng mới được giải phóng, do hậu quả của thủ đoạn gom dân bắt đi lính của địch, trong thị xã, các thị trấn, thị tứ, hàng vạn người thất nghiệp, không việc làm, đời sống đói khổ. Yêu cầu cấp bách sau giải phóng là bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng chính quyền, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa, xã hội của nhân dân. Quần chúng phấn khởi đón mừng quê hương giải phóng. Những người phiêu tán được sự giúp đỡ của bộ đội, chính quyền cách mạng đã nhanh chóng trở về quê hương xây dựng cuộc sống… Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, với khát vọng đổi đời, khát vọng vượt qua đói nghèo, tuổi trẻ tỉnh Sông Bé - Bình Dương khi ấy quyết tâm vượt qua khó khăn, khai hoang phục hóa, đẩy mạnh sản xuất, phục hồi kinh tế mà trước hết là sản xuất nông nghiệp, cây lương thực và rau màu ngắn ngày.

Ở nhiệm kỳ 1976-1977, ông Bình cho biết, công tác Đoàn thời điểm đó là tập trung tổ chức Đoàn ở nông thôn nhằm khai hoang phục hóa, giúp đồng bào tập trung sản xuất. Có thể nói, công tác làm kênh thủy lợi tại 3 xã Tây Nam, Phú An, An Tây (huyện Bến Cát) là hoạt động mạnh nhất lúc bấy giờ. Còn các huyện khác tiếp tục tập trung làm nông nghiệp. Phong trào học sinh tập trung vào các trường học; lực lượng thanh niên công nhân không có nhiều, chỉ có công nhân cao su Dầu Tiếng, công nhân xe lửa Dĩ An. Do đó, việc cần làm lúc này vẫn là giải quyết khó khăn về đời sống vật chất, việc làm cho thanh niên.

Dù khó khăn trong đời sống hàng ngày vẫn thường trực nhưng để đoàn kết tập hợp thanh niên trong phong trào chung, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn nhiệm kỳ 1 chia sẻ: “Thời điểm đó, lương thực là cả vấn đề khó khăn, để làm tốt công tác khai hoang, phục hóa, chúng tôi phải động viên tinh thần thanh niên dù ăn khoai, ăn củ mì cũng ra sức tập trung lực lượng khôi phục sản xuất nông nghiệp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”. Tuy nhiên, để công tác Đoàn hoạt động thực sự hiệu quả, là cánh tay đắc lực của Đảng, ông Bình cho biết: “Công tác Đoàn phải thực sự sát với dân từ tuyến ấp tới tuyến xã. Đó là khoảng thời gian mà cán bộ được tăng cường để sâu sát với cơ sở cùng ăn, cùng ở, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng thanh niên. Bên cạnh đó, chúng tôi còn xuống các huyện, thị tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ các lực lượng cách mạng. Quần chúng ở các địa bàn có nhiều phức tạp như Dĩ An, Lái Thiêu, Châu Thành… còn viết thư tố cáo, cung cấp tin tức cho ta thanh lọc, thải loại những phần tử xấu, không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy, góp phần làm cho chính quyền ấp, xã, từng bước trong sạch…”.

Thanh niên cần nhìn rộng ra thế giới

Ông Nguyễn Văn Bình bây giờ đã lên chức ông và ngày ngày vui thú bên vườn cây cảnh và người vợ hiền. Hàng ngày, ông chăm sóc vườn cây cảnh và theo dõi tình hình quốc tế, trong nước và trong tỉnh thông qua báo chí. Khi gặp chúng tôi, ông cho biết mình vẫn theo dõi các hoạt động của công tác Đoàn rất thường xuyên. “Tổ chức Đoàn đã thành hình 85 năm qua, ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời kỳ cụ thể, người lãnh đạo cần đưa ra những phương pháp phù hợp. Ở thời điểm này, không thể vận động thanh niên ăn củ mì, củ sắn để chung tay cùng hoạt động Đoàn nữa. Mà điều quan trọng nhất là phải chăm lo quyền lợi chính đáng cho thanh niên, học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân… Thời điểm là thanh niên xung phong, chúng tôi học cách nghe từng làn tên, mũi đạn, tập luyện nghe tiếng súng đạn để bảo vệ mình và chống trả kẻ thù. Ở thời điểm này, thanh niên lại cần nhìn rộng ra thế giới, biết trau dồi tri thức để vững lập trường trước âm mưu diễn biến hòa bình của thế lực thù địch. Tuy nhiên, ở thời điểm nào thì việc sâu sát với cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của thanh niên cũng là yếu tố đầu tiên quyết định thắng lợi của công tác Đoàn”, ông Bình tâm sự.

85 năm qua, tổ chức Đoàn được xây dựng và trưởng thành, đưa phong trào Đoàn lớn mạnh theo từng năm tháng, từ phong trào thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đến phong trào bắt tay khắc phục, đổi mới đất nước sau chiến tranh và như hiện nay, trong mọi phong trào lớn nhỏ, thanh niên luôn giữ vai trò quan trọng, quyết định ít nhiều đến sự thành công của phong trào đó. Với ông Nguyễn Văn Bình, nay dù tuổi đã cao, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được những đau đáu trong lòng của ông. Đó là những mong muốn được tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ, bằng kinh nghiệm, bằng vốn sống mà ông cùng thế hệ đi trước đã từng trải qua; đó là cần phải sâu sát cơ sở hơn nữa; là cần tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân ngoài doanh nghiệp vào tổ chức Đoàn…

Ông Bình nói, ông tin rằng, với sức trẻ cùng lòng nhiệt huyết, thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên Bình Dương nói riêng đã và đang dần thể hiện được năng lực và ý chí của bản thân. Nhiều tấm gương điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào doanh nhân tri thức trẻ, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi… và với các du học sinh cũng vậy, họ luôn khiến bạn bè năm châu tôn trọng, quý mến bởi sự thông minh, cần cù, chịu khó và ý chí vươn lên…(Còn tiếp)

Ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé nhiệm kỳ I sinh năm 1942 tại ấp Kiến Điền, xã An Điền, huyện Bến Cát cũ. Ông Bình được kết nạp Đảng ngày 27- 5-1963; giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé từ năm 1976 đến năm 1977.

THANH LÊ