Cơm vắt quê nhà lên phố

Chủ nhật, ngày 14/11/2010

Không biết có phải vì xu hướng hội nhập mà giới trẻ ở thành phố bây giờ biết đến cơm nắm Kimbap của Hàn Quốc, cơm nắm Onigiri của Nhật với vị chua của giấm, của mơ muối, vị mặn của cá biển cùng những hình thù, màu sắc đa dạng nhiều hơn là cái món cơm vắt chân quê của người Việt.

Cơm vắt chấm muối mè hay kho quẹt.

Cứ ngỡ cơm vắt bây giờ chỉ còn đâu đó ở những vùng quê nghèo xa lơ xa lắc, không còn chỗ chen chân nơi phố thị. Tuy nhiên, cơm vắt vẫn cứ tồn tại, ở Hà Nội người ta vẫn thấy cơm nắm bán rải rác các góc phố. Và ở Sài Gòn cơm vắt đã có trong thực đơn của nhà hàng, khu du lịch như một đặc sản quê nhà.

Cơm nắm Việt

Cơm nắm không biết có từ bao giờ, có lẽ từ xa xưa, thuở người Việt biết dùng gạo nấu cơm. Cơm nắm đã trở thành bữa ăn lót dạ ngon lành cho người nông dân làm đồng xa, những cô cậu học trò đi học ở làng bên hay người lữ hành trên dặm đường thiên lý.

Mo cơm nắm với muối mè, muối đậu mộc mạc nhưng lại là món ăn giữ lại nhiều hình ảnh khó quên nhất trong đời của nhiều người. Nhớ. Nấu cơm để vắt phải thật khéo, cơm không được nhão quá, cũng không khô quá. Hạt cơm vừa nở đủ độ và còn nóng, đơm cơm vào mo cau nhồi mạnh và nhanh tay nhiều lần như vậy hạt cơm mới dẻo, mềm nhuyễn tạo nên độ kết dính thật mịn, rồi nắm lại thật chặt. Nhờ vậy những miếng cơm nắm khi cắt sẽ không bị gãy, lúc đó cơm mới ngon và để dành được lâu. Nắm cơm trắng tinh, thơm mùi gạo mới, vị ngọt của phù sa như chín mọng trong từng hạt cơm dẻo. Cơm nắm hợp với muối mè, muối đậu một cách lạ kỳ. Vị ngọt của cơm càng thấm đậm bởi chút hơi măn mẳn của muối. Mùi thơm vị béo của mè, của đậu làm cho miếng cơm bùi hơn, dịu ngọt hơn và cũng làm cho nỗi nhớ nhà thêm thoả ước.

Cơm nắm thị thành

Bà Bảo Trân chủ nhà hàng Cơm Nắm Việt cho biết, với cái tên Cơm Nắm đã đầy đủ ý tứ cho xu hướng ẩm thực của nhà hàng. Khách đến nhà hàng ăn cơm nắm như để tìm lại những ký ức, tình thương yêu nơi mái nhà xưa có bà, có mẹ sớm hôm. Nhà hàng đã cố giữ sao cho nét chân quê của cơm nắm không bị phấn son chốn phồn hoa làm thay hương đổi sắc. Cơm nắm được gói bằng lá chuối là hợp nhất, nắm cơm phải được bọc trong lá chuối thật kín kẽ. Cơm nóng hổi được ấp ủ và hoà quyện cùng mùi lá chuối toả hương thanh khiết của đồng nội không gì sánh bằng. Ở thành phố đôi khi vì sự tiện dụng, nhiều người đã nỡ dùng bao nilông để gói cơm nắm. Với một động tác dễ dãi đó thôi đã làm ảnh hưởng biết bao đến mùi vị của vắt cơm nắm, làm vơi đi tính chơn chất của món cơm nắm xưa. Tuy nhiên, đến chốn thị thành cơm nắm bước đầu đã được phát huy trở nên đa dạng hơn. Nhà hàng đã làm thêm món cơm nắm gạo lức, vừa tạo nên một sắc thái mới, đồng thời có thể phục vụ cho những khách có nhu cầu ăn kiêng. Thật thú vị khi nhẩn nha nhai chậm miếng cơm nắm gạo lức muối mè cho đến lúc cơm trở nên thơm ngọt.

Cơm nắm, món ăn nhanh

Cơm nắm là thứ quà quê rẻ tiền nhưng ngon và lành có thể ăn bất cứ thời điểm nào trong ngày. Người ta thích cơm nắm vì nó không mỡ màng, bà Thu Huyền, chủ quán An Khuê cho biết, nhiều khách chỉ thích ăn nhẹ vào buổi trưa hoặc nhấm nháp một tí vào buổi ăn xế, chỉ cần gọi một phần cơm nắm là đủ. Một phần cơm nắm của quán gồm ba vắt cơm ăn với chút muối mè, chén kho quẹt nhỏ xíu và một ít ruốc kho như những thức chấm đổi thay. Chỉ với muối mè, ruốc và kho quẹt, món cơm nắm như đã mang đến cho thực khách đầy đủ hương vị dân dã ba miền.

So với những món cơm nắm ngoại nhập, cơm nắm Việt hồn hậu, chân phương mà đậm đà. Biết đâu qua sự cách điệu trong chế biến của những đầu bếp, vắt cơm nắm đơn sơ đó sẽ trở nên món cơm nắm Việt đa dạng phong phú hơn. Chẳng hạn, nó sẽ được ăn với chả lụa, với gà rôti, bò xé… Hoặc nó sẽ được phối hợp cùng nhiều nguyên liệu độc đáo hơn nữa để mang đến cho thực khách những khẩu vị mới mẻ. Và, cơm nắm sẽ là món ăn nhanh hấp dẫn, ngon, rẻ tiền, tiện dụng mang đậm ẩm thực Việt phù hợp với nhiều người, phục vụ được nhiều tầng lớp trong cuộc sống hiện đại.

Theo SGTT