Chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu Bình Dương: Điểm đến của khách thập phương

Thứ hai, ngày 18/02/2013
Truyền thuyết về chùa Bà Chùa Bà Thiên Hậu là “Thiên Hậu Cung” mà người dân quen gọi là chùa Bà do Bốn bang người Hoa (Quảng Châu, Phúc Kiến, Triều Châu và Hẹ) xây dựng vào năm 1923, tọa lạc tại số 4, đường Nguyễn Du, phường Phú Cường, TP.TDM, Bình Dương. Truyền thuyết được ghi ở bia đá đặt tại đây, Bà Thiên Hậu sinh vào thời Tống Kiến Long nguyên niên (Công nguyên 960), là con thứ sáu của họ Lâm ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Khi mới lọt lòng mẹ Bà đã tỏa ánh hào quang và hương thơm. Lớn lên Bà thường cưỡi thảm đỏ bay lượn trên biển và du ngoạn nhiều nơi. Đến đời Tống Ung Hy tứ niên (Công nguyên 987), năm 27 tuổi Bà từ giã cõi trần và hiển linh. Đời nhà Nguyên, Bà được phong là Thiên Phi, đến đời nhà Thanh vua Khang Hy gia phong làm Thiên Hậu. Và danh hiệu Thiên Hậu tồn tại mãi cho đến ngày nay.     Chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu được xây dựng khang trang Từ truyền thuyết dân gian đã chuyển hóa thành tín ngưỡng và Bà được các thế hệ sau hương khói phụng thờ nhiều nơi. So với những điều ghi trên bia đá có tại chùa nói trên với một số truyền thuyết có ở các chùa khác thì có vài điều chưa trùng khớp, nhưng tựu chung lại họ đều ca ngợi suy tôn Bà là một người phụ nữ đức hạnh có lòng hiếu thảo và xả thân cứu người đời và khi chết trở thành hiển linh. Bà con người Hoa khi sang Việt Nam sinh sống làm ăn, định cư tại Việt Nam luôn muốn cuộc sống yên vui làm ăn phát đạt nên lập chùa để cầu nguyện Bà phù hộ độ trì cho mình. Chùa Bà Thiên Hậu hiện nay là di tích văn hóa tâm linh nổi tiếng của tỉnh Bình Dương. Nghi thức lễ hội chùa Bà Lễ hội chùa Bà hàng năm được tổ chức vào 3 ngày từ 13 đến 15 tháng giêng âm lịch. Đêm 13, đa số người dân TP.TDM bày hoa đăng, trà quả… ra trước cửa nhà mình cúng tế để chuẩn bị cho ngày rước Bà. Khách hành hương các tỉnh lân cận hội tụ về đông nghẹt đường phố. Ban tổ chức lễ hội cùng chính quyền đã huy động các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, dân quân thiết lập các rào chắn không cho xe ô tô lưu thông trên các tuyến đường chính dẫn vào chùa. Sáng ngày 14 lễ rước Bà được tổ chức theo nghi thức cổ truyền. Kiệu Bà được rước đi trên các đường phố cùng với đội múa lân, sư tử, rồng và cờ xí ngợp trời. Ngày 15, dân chúng thập phương lại kéo nhau về chùa Bà để dâng hương lễ vật cúng cầu phúc, cầu lộc, cầu an… cho chính bản thân mình và gia đình. Lễ vật không quy định các vật phẩm cụ thể và số lượng nhiều hay ít. Có người chỉ thắp một nén nhang và một bó hoa huệ, nhưng cũng có người cúng cả con heo quay. Điều đặc biệt ở lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, các vật phẩm cúng Bà không kiêng đồ ăn mặn. Ban tổ chức lễ hội trao lộc chùa cho người dân. Lộc chùa tùy theo nguyện vọng của từng người, có thể hoa, trái cây, nhưng phần lớn mọi người thường thỉnh một bao lì xì trong đó có 500 đồng tiền mới hoặc một miếng vàng mã có in chữ phước cùng một cây nhang lớn. Khách hành hương ở gần, xa đều cầm cả cây nhang đang cháy chạy xe về nhà bởi họ quan niệm rằng đưa lửa về nhà là đưa ánh sáng, là phước, lộc từ Bà Thiên Hậu. …Và chùa Bà Thiên Hậu tại TP.mới Bình Dương Để đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng của nhân dân coi lễ hội chùa Bà là một nét đẹp văn hóa của dân tộc, Tổng Công ty Becamex cùng với Bốn bang người Hoa đã xây dựng thêm công trình chùa Bà Thiên Hậu tại TP mới Bình Dương với quy mô lớn gấp 3 lần trên một diện tích 4.000m2, tại lô K6A, đường Lê Hoàn, phường Hòa Phú (TP.TDM).   Khởi công xây dựng chùa Bà Thiên Hậu tại thành phố mới Bình DươngNgày mùng 9 tết, tức là ngày 11-2-2011, lễ khởi công động thổ đã được tiến hành, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh cùng các sở ngành có liên quan. Bước vào TP mới Bình Dương những ngày đầu xuân để tìm đến ngôi chùa mới uy nghiêm này, từ ngoài nhìn vào cổng chính đã thấy 4 chữ “Phong Điều Vũ Thuận” nghĩa là gió mưa điều hòa, ở giữa là chính điện đề 3 chữ “Thiên Hậu Cung”. Trên hai cánh cửa chính đề 4 chữ “Quốc Thái Dân An”. Hai bên là hai cặp câu đối. Mái trước chính điện lợp ngói âm dương với những đường nét tinh tế trang trí lưỡng long tranh châu. Hai bên đường viền của mái nhà là tượng “Bà Mặt Trăng” và những tượng quan văn, quan võ… biểu trưng triết lý âm dương theo thuyết phong thủy của người Hoa. Tại chánh điện có bàn thờ vị thần Thiên Hậu Thánh Mẫu. Bên trái là khảm thờ Ngũ Hành Nương Nương, bên phải là thờ Bổn, gọi là Bổn đấu công công. Chùa Bà Thiên Hậu tại TP.mới Bình Dương sẽ đi vào hoạt động vào một ngày không xa, là điểm đến thú vị cho khách hành hương gần xa. LÊ TIẾN MỢI