Chiến thắng Bàu Bàng: “Quả đấm thép” trên chiến trường miền Nam - Bài 2
Bài 2: Xóa tên “Anh cả đỏ”
(BDO) Sau 6 giờ chiến đấu ác liệt, Sư đoàn 9 đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Cả chiến đoàn Mỹ cùng lực lượng xe tăng yểm trợ đã bị Sư đoàn 9 phối hợp với bộ đội địa phương tấn công, tiêu diệt. Bàu Bàng trở thành mảnh đất chôn vùi uy danh Sư đoàn bộ binh 1 “Anh cả đỏ” của quân đội viễn chinh Mỹ, một sư đoàn được Mỹ từng khoe khoang là trong lịch sử không có từ chiến bại!
Sư đoàn 9 làm lễ tuyên thệ diệt Mỹ trong Chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng tháng 11-1965 Ảnh: T.L
50 năm trôi qua, nhưng ký ức về trận đánh Bàu Bàng của những cựu chiến binh từng tham gia trận chiến này vẫn còn như in. Trong căn nhà nhỏ ở đường Phạm Ngũ Lão, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, ông Hà Văn Cheo, nguyên là Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 nhớ lại: Sau khi lực lượng Sư đoàn 9, chủ lực Miền tiêu diệt gọn một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn dù 173 của Mỹ ở trận Đất Cuốc (8- 11-1965), Bộ Chỉ huy Miền đã sử dụng lực lượng cài thế, mở chiến dịch tiến công địch trên chiến trường Bến Cát (gồm cả Bàu Bàng hiện nay) - đường 13 - Dầu Tiếng nhằm tiêu diệt lớn sinh lực địch. Trong khi ta đang chuẩn bị chiến trường, sáng ngày 11-11-1965, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn bộ binh 1 của Mỹ cùng 2 đoàn thiết giáp, được hỏa lực của không quân, pháo binh yểm trợ tổ chức hành quân càn quét lên hướng Chơn Thành. Đến 16 giờ cùng ngày, chúng dừng lại ở khu vực Bàu Bàng và Đồng Sổ. Ở thời điểm này, địch tập trung quân số trên 2.500 tên; có nhiều xe tăng- thiết giáp và hỏa lực mạnh, khả năng chi viện ứng cứu rất lớn. Không có công sự kiên cố nhưng địch lại ỷ lại vào xe tăng - thiết giáp; chủ quan nên canh phòng thiếu cẩn mật, cụm lại ở chỗ trống, xung quanh là rừng cây rậm rạp, nên ta dễ tiếp cận. Ý định của chúng là sẽ hành quân lên Chơn Thành, quặt về phía tây (theo đường liên tỉnh lộ 13), hình thành thế bao vây, kẹp chặt vùng tam giác Bắc Dầu Tiếng, Bàu Bàng, nơi có nhiều cơ quan, kho tàng và “một sư đoàn Việt cộng đang ẩn náu” như Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Sài Gòn từng tuyên bố.
Trước tình hình đó, ngày 11- 11-1965, cấp trên ra mệnh lệnh cho Sư đoàn 9 hiệp đồng chặt chẽ với Tiểu đoàn Phú Lợi và dân quân du kích Lai Uyên nắm chắc địch, tấn công tiêu diệt Sở chỉ huy Lữ đoàn 3 bộ binh, Tiểu đoàn tăng - thiết giáp và Đại đội pháo 105 ly tại khu vực Bàu Bàng trong đêm 11 rạng ngày 12-11-1965; vây ép địch ở Đồng Sổ, sẵn sàng đánh quân địch ứng cứu bằng đường bộ hoặc đổ bộ đường không. Ngày 11-11-1965, trinh sát kỹ thuật và trinh sát mặt đất của ta phát hiện Lữ đoàn 3 bộ binh thuộc Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” của Mỹ, có xe tăng-thiết giáp và pháo binh xuất phát từ căn cứ Lai Khê, theo quốc lộ 13 hành quân về hướng Chơn Thành. Sư đoàn liền ra lệnh cho Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 từ Đất Cuốc (nay thuộc huyện Bắc Tân Uyên) hành quân cấp tốc vượt trên 20 cây số trở về Bàu Bàng để tăng cường cho Trung đoàn 2, chuẩn bị tập kích quân Mỹ trên quốc lộ 13.
Nghe trinh sát báo cáo đến chiều, quân Mỹ cụm lại ở phía bắc ấp chiến lược Bàu Bàng và một cụm khác từ Nam Bàu Bàng đến Bắc Đồng Sổ, đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Sư đoàn 9 triệu tập ngay cán bộ chỉ huy các đơn vị để nghe quán triệt quyết tâm của sư đoàn và triển khai phương án tác chiến. Sư đoàn sử dụng Trung đoàn bộ binh 2 và tăng cường thêm Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 1 cùng toàn bộ pháo binh sư đoàn và pháo cấp trên tăng cường, lấy Tiểu đoàn 1 làm mũi đột phá chủ yếu. Sư đoàn trưởng triển khai hai phương án tác chiến: Phương án 1 là tập kích tiêu diệt cụm quân Mỹ ở Bắc Bàu Bàng ngay trong đêm 11 rạng ngày 12 và phương án 2 là đánh cụm quân Mỹ ở Nam Bàu Bàng - cống Đồng Sổ, chuẩn bị tình huống đánh cả ban ngày. Lúc này, số tay súng của Tiểu đoàn 1 được tăng cường trên dưới 400 quân. Hỏa lực trang bị 8 khẩu súng phun lửa, 2 khẩu DKZ 57 ly, 2 khẩu súng cối 81 ly, 2 khẩu súng cối 60 ly và 2 đại liên.
Sư đoàn hạ quyết tâm nổ súng vào giờ “G” đúng 24 giờ, Trung đoàn 2 tăng cường Tiểu đoàn 1 nhanh chóng tiêu diệt cụm quân Mỹ ở sân bóng, phía bắc ấp chiến lược Bàu Bàng trước khi trời sáng. Vừa nhận nhiệm vụ xong, thời gian còn lại quá ít, phải hành quân bôn tập, lợi dụng ánh trăng dùng que vẽ trên mặt đường để giao nhiệm vụ và hạ quyết tâm chiến đấu cho các đơn vị, nhưng khi đơn vị tiếp cận vào mục tiêu thì không có địch (sau mới biết trước đó địch đã di chuyển xuống Nam Bàu Bàng). Ban chỉ huy Tiểu đoàn 1 trao đổi quyết tâm quay đội hình chuyển về hướng nam tìm địch để đánh theo phương án hai. Lúc này, các đơn vị của Trung đoàn 2, vì không tìm thấy địch, nên đã lui về vị trí tập kết. Tiểu đoàn 1 cũng không liên lạc được Ban chỉ huy Trung đoàn 2 để xin ý kiến vì các đồng chí thông tin rải dây không theo kịp tiểu đoàn. Khi Tiểu đoàn 1 đến khu vực Nam Bàu Bàng, Bắc Đồng Sổ phát hiện ra địch thì cũng đã hơn 4 giờ sáng ngày 12- 11-1965. Đơn vị nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu thành 2 mũi chuẩn bị đột phá, để 1 đại đội làm đội dự bị. Các mũi điều toàn bộ súng phun lửa và DKZ 57 ly tiếp cận sát đội hình địch, động viên tinh thần các tổ đánh bộc phá, cho cột lựu đạn thành từng chùm để sẵn sàng đánh xe tăng (vì trong thời điểm này đơn vị chưa được trang bị súng chống tăng B40 và B41). Cùng lúc đó, thông tin cũng rải dây kịp đến, Tiểu đoàn 1 báo cáo ngay về Ban chỉ huy Trung đoàn 2 xin cho Tiểu đoàn 1 nổ súng trước 5 giờ sáng. Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Chính ủy Trung đoàn thông báo các tiểu đoàn của Trung đoàn 2 đã lui về vị trí tập kết, hiện giờ trung đoàn chưa liên lạc được với đơn vị nào. Tiểu đoàn 1 báo cáo trời sắp sáng, Tiểu đoàn 1 không nổ súng thì đơn vị sẽ rơi vào tình huống rất khó khăn. Sau khi hội ý chớp nhoáng, Ban chỉ huy Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 1 nổ súng tấn công địch và khẳng định là các đơn vị của Trung đoàn 2 có truyền thống hiệp đồng theo tiếng súng nên động viên hãy yên tâm, các đơn vị sẽ đến ngay sau khi Tiểu đoàn 1 nổ súng.
Ông Huỳnh Văn Na, nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 kể lại: “Đúng 5 giờ ngày 12-11, trung đoàn ra lệnh cho Tiểu đoàn 1 nổ súng, pháo của ta bắn chính xác trận địa địch. Ngay loạt đạn đầu đã bắn cháy một số xe tăng địch ở tiền duyên, chớp thời cơ các mũi đột phá của ta đánh chiếm tuyến ngoài. Quân Mỹ phản kích rất quyết liệt, có trường hợp chúng dùng xe tăng chạy đâm thẳng vào đội hình ta. Anh em mình chiến đấu rất dũng cảm, áp thật sát địch dùng cả bộc phá, lựu đạn diệt từng chiếc xe tăng Mỹ…”. Nhưng hỏa lực của quân Mỹ quá mạnh và phản kích điên cuồng, cả hai mũi đột phá của ta đều chịu nhiều thương vong. Đội dự bị được tung vào chiến đấu nhưng hỏa lực của Mỹ ngăn chặn quyết liệt, chiến trận càng giằng co vô cùng ác liệt. Giữa lúc ấy thì Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 của Trung đoàn 2 đã vận động kịp thời đến trận địa từ hai hướng nổ súng tấn công mãnh liệt vào đội hình quân Mỹ tạo thành thế bao vây chia cắt địch.
Chớp thời cơ đó, lúc 8 giờ Tiểu đoàn trưởng Trần Nam Hùng lệnh cho Trung đội bộ binh của Tiểu đoàn 1 do đồng chí Lê Thêm chỉ huy nhanh chóng thọc sâu thẳng vào chỉ huy sở lữ đoàn và trận địa pháo của Mỹ. Bị đánh trúng Sở chỉ huy, thông tin mất liên lạc nên quân Mỹ hoang mang bỏ chạy tán loạn. Tiểu đoàn 1 nhanh chóng đánh chiếm Sở chỉ huy và trận địa pháo của địch. Quân ta thừa thắng xông lên tiêu diệt từ bộ phận này đến bộ phận khác, đến 11 giờ trưa, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa.
Lực lượng của Sư đoàn 9 được sử dụng trong trận đánh Bàu Bàng có Trung đoàn 2, tăng cường thêm Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 1 và 2 đại đội của Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn 3. Phần lớn các đơn vị hỏa lực của Sư đoàn đều tập trung cho trận đánh. Trung đoàn 3 sử dụng Tiểu đoàn 9 chặn địch từ Đồng Sổ lên và Tiểu đoàn 7 dự bị.
Bài 3: Chiến thuật “Nắm thắt lưng địch mà đánh” ra đời
THU THẢO