Chiến thắng Bàu Bàng: “Quả đấm thép” trên chiến trường miền Nam- Kỳ 1
Cách đây 50 năm, ngày 12-11-1965, trận đánh Bàu Bàng của Sư đoàn 9 giành thắng lợi oanh liệt khi đối đầu với Sư đoàn bộ binh 1, vốn được mệnh danh “Anh cả đỏ” của quân đội Mỹ, một sư đoàn trong lịch sử trước đó không có từ chiến bại. Chiến thắng này của quân đội ta được ví như là “quả đấm thép” trên chiến trường miền Nam lúc bấy giờ, không chỉ làm thay đổi cục diện chiến trường mà còn hình thành một phương án tác chiến mới đối với quân đội Mỹ đó là “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”; tạo được phong trào thi đua giết giặc lập công, tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt.
(BDO) Sau khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sụp đổ, Mỹ vội vàng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” với mục tiêu “Tìm diệt - Đánh gãy xương sống Việt Cộng”. Quân viễn chinh Mỹ ngạo mạn đảm nhận vai trò trực tiếp chiến đấu ở phía trước; đẩy quân ngụy Sài Gòn về phía sau để “giữ nhà”, làm nhiệm vụ bình định. Theo đó, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam Việt Nam nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường, tiến tới “đánh bại cộng sản” ở miền Nam Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Hà (bên phải), Phó ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 2 - Đoàn Đồng Xoài, Sư đoàn 9 cùng các thành viên trong Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 đang ôn lại truyền thống của sư đoàn.
Ảnh: T.THẢO
Những cuộc hành quân ồ ạt
Những thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam từ năm 1961-1965, mà đỉnh cao là thắng lợi của hai chiến dịch Bình Giã và Đồng Xoài đã làm cho “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị giáng đòn chí mạng và đang đứng trước nguy cơ hoàn toàn bị phá sản. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ nhận thấy, nếu không nhanh chóng thay đổi chiến lược chiến tranh có thể bị quân và dân miền Nam đánh bại hoàn toàn. Với bản chất ngoan cố và hung hăng, đế quốc Mỹ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên một nấc thang mới bằng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đưa quân đội viễn chinh và chư hầu vào miền Nam tham chiến, hòng cứu nguy cho bọn tay sai ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn và dập tắt phong trào cách mạng Việt Nam. Mục tiêu cơ bản, quan trọng nhất của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam là “Tìm diệt” bộ đội chủ lực ta, tiến hành gom dân, lập ấp chiến lược trở lại, thực hiện “bình định nông thôn”, giành lại thế chủ động trên chiến trường, tiến tới “đánh bại cộng sản” ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy, Mỹ vội vàng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” với sức mạnh hủy diệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược của một đế quốc hiếu chiến bên kia tây bán cầu.
Đầu tháng 3-1965, Tổng thống Mỹ Johnson quyết định đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam; dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Ngay sau đó quyết định của Tổng thống được Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ cụ thể hóa thành kế hoạch. Ngày 6-4-1965, Nhà Trắng công bố Bị vong lục số 328-SAM, thông báo quyết định của Tổng thống và Hội đồng An ninh quốc gia. Thượng tuần tháng 7-1965, dưới sức ép các nghị sĩ phái diều hâu, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã biểu quyết thông qua kế hoạch chiến tranh này. Vốn mang bản chất hiếu chiến, luôn ỷ lại vào sức mạnh quân sự của mình; quân viễn chinh Mỹ ngạo mạn đảm nhận vai trò trực tiếp chiến đấu ở phía trước; đẩy quân ngụy Sài Gòn về phía sau để “giữ nhà”, làm nhiệm vụ bình định; đồng thời mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất vào mùa khô năm 1965-1966 với mục tiêu “Tìm diệt - Đánh gãy xương sống Việt Cộng”.
Ngày 8-5-1965, Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng. Tiếp theo sau là những lữ đoàn, sư đoàn thuộc loại tinh nhuệ, thiện chiến nhất của quân lực Hoa Kỳ; được trang bị vũ khí hiện đại nhất thế giới với hàng ngàn máy bay, tàu chiến, xe tăng, pháo hạng nặng. Tại chiến trường miền Đông Nam bộ, Mỹ đưa Lữ đoàn dù 173 đổ bộ lên Vũng Tàu, mở đầu cho việc ồ ạt đưa quân đội viễn chinh Mỹ và chư hầu vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Cùng với việc đưa quân đội viễn chinh và chư hầu, Mỹ sử dụng tất cả các phương tiện chiến tranh, các binh chủng xe tăng, pháo binh, không quân, kể cả máy bay ném bom chiến lược B52, yểm trợ cho việc triển khai thực hiện hai gọng kìm “Tìm diệt” và “Bình định” của Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam bộ cũng như toàn miền Nam.
Tại Bàu Bàng, ngày 17-6- 1965, Mỹ đưa Lữ đoàn 3, Sư đoàn Bộ binh 1 lên đóng ở Lai Khê. Lúc bấy giờ, Sư đoàn 1 bộ binh được mệnh danh là “Anh cả đỏ”. Mỹ khoe khoang là trong lịch sử của sư đoàn không có từ chiến bại; chiến tích lừng lẫy là tham gia 2 cuộc chiến tranh thế giới. Một ngày sau khi lên đóng ở Lai Khê, ngày hôm sau (18-6-1965), chúng sử dụng 27 lượt máy bay ném bom chiến lược B52, ném bom rải thảm xuống ấp Trảng Lớn, Bờ Cảng, xã Long Nguyên (nay là ấp Hóc Măng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng). Đây là lần đầu tiên trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ dùng máy bay ném bom chiến lược B52 để đánh phá căn cứ ta, mở đầu cho việc sử dụng rộng rãi loại máy bay ném bom hiện đại nhất của Mỹ, tiến hành ném bom rải thảm, hủy diệt môi trường sống trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tiếp đó ngày 21-7-1965, Mỹ lại cho hơn 30 lượt máy bay B52 ném bom rải thảm xuống địa bàn Bàu Bàng (kéo dài từ ấp Hóc Măng đến ấp Bờ Cảng và từ ấp Hóc Măng, xã Long Nguyên tới ấp Phú Bình, xã Kiến An).
Quyết tâm của ta
Ông Huỳnh Văn Na, nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 - Bình Giã, Sư đoàn 9, cho biết: “Trước cuộc hành quân ồ ạt của Mỹ, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập 2 sư đoàn chủ lực đầu tiên ở miền Nam, đó là Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9. Như vậy, trên chiến trường Bình Dương những năm 1965 đến 1966, ngoài Tiểu đoàn Phú Lợi, các đại đội huyện, các trung đội, tiểu đội du kích tập trung của xã, còn có lực lượng chủ lực miền gồm Trung đoàn Đồng Nai, Trung đoàn 5, Sư đoàn 9, Sư đoàn 5 và Đoàn 69 pháo binh”.
Và cuộc phản công lần thứ nhất (mùa khô 1965-1966) của địch với lực lượng hùng hậu được tiến hành khi trên chiến lường lực lượng ta đã chuẩn bị, bố trí rộng khắp, tạo thành thế uy hiếp chúng trên nhiều hướng, nhất là khu 5 và miền Đông Nam bộ. Trên chiến trường hai tỉnh Thủ Dầu Một và Phước Thành, sau thất bại trong những cuộc hành quân càn quét đánh phá căn cứ của ta ở Bến Cát- Bàu Bàng, Thuận An Hòa, đầu tháng 11-1965, địch đã đổ 4.500 quân, mở cuộc hành quân quy mô lớn vào Chiến khu Đ, thực hiện đánh phá căn cứ và “tìm diệt” chủ lực ta. Ngày 6-11-1965, quân Mỹ đổ một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn không vận 173 xuống Hiếu Liêm, càn quét khu vực Sình, Bà Đã, Dáng Dương, núi Giồng Xoài. Trong khi bộ đội chủ lực ta cài thế nhử cho địch sa vào thế trận chuẩn bị trước thì quân Mỹ đã bị tổn thất vì hầm chông, hố đinh, mìn trái của du kích, bộ đội địa phương cài đặt, chặn đánh. Trong ngày đầu càn quét, địch đã bị lực lượng Trường đặc công của Quân khu cùng Đại đội 2 tỉnh Phước Thành, do đồng chí Huỳnh Văn Hiệp, Đại đội trưởng chỉ huy, phục kích, chặn đánh một tiểu đoàn Mỹ tại khu vực núi Giồng Xoài, xã Mỹ Lộc loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên, thu một súng AR15.
Tiếp đó, ngày 8-11-1965, tiểu đoàn này rút ra đóng dã ngoại tại xóm Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên hiện nay). Không bỏ lỡ thời cơ diệt địch, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 chủ lực miền tập kích, loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên, bắn rơi 4 máy bay. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam bộ, lực lượng vũ trang ta diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ. Sau chiến thắng Đất Cuốc, Bộ chỉ huy Miền quyết định sử dụng lực lượng cài thế mở chiến dịch tiến công lớn tiêu diệt quân địch trên Chiến trường Bến Cát (gồm Bàu Bàng hiện nay), đường 13 - Dầu Tiếng.
“Trước trận đánh Bàu Bàng hơn 2 tháng, ngày 2-9-1965, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập hai Sư đoàn chủ lực đầu tiên ở miền Nam. Đó là Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9. Tiền thân Sư đoàn 9 có hai trung đoàn bộ binh, hoạt động tác chiến tại chiến trường miền Đông Nam bộ, trực thuộc Bộ chỉ huy Miền. Đó là Trung đoàn 1 (Q761) thành lập năm 1962 tại Tây Ninh và Trung đoàn 2 (Q762) thành lập cuối năm 1961 tại Xuân Mai (Hà Đông) ở ngoài miền Bắc, gồm cán bộ chiến sĩ bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, trở về miền Nam chiến đấu. Cuối năm 1964, Trung đoàn 3 từ đồng bằng châu thổ sông Cửu Long được Bộ chỉ huy Miền điều lên miền Đông Nam bộ để thành lập Sư đoàn 9”.
(Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 2 - Đoàn Đồng Xoài, Sư đoàn 9)
Bài 2: Xóa tên “Anh cả đỏ”
THU THẢO