Chất lượng dịch vụ, sản phẩm là yếu tố quan trọng hút khách quốc tế
(BDO)
Du khách bắt đầu chương trình tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)
Ngày 21/2, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin về công tác chuẩn bị mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2022, cố gắng phấn đấu phục vụ 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu khoảng 440.000 tỷ đồng.
Đây là con số rất tham vọng nhưng toàn ngành mong muốn đạt được để lấy lại đà phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch COVID-19, nhất là khi du lịch đang nỗ lực thực hiện thí điểm giai đoạn 2 đón khách quốc tế; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định để mở cửa hoạt động du lịch khoa học, an toàn, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành cần thực hiện rộng rãi các chương trình quảng bá, xúc tiến để du khách quốc tế biết đến chính sách mở cửa trở lại của du lịch Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam cần có cả chương trình giảm giá để thu hút du khách, nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng sản phẩm và những tiện ích mà khách quốc tế được hưởng khi đi du lịch Việt Nam.
Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến không phải ở giá cả mà là chất lượng dịch vụ và sản phẩm, đó là yếu tố quyết định trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, ngành du lịch nước ta cũng cần đổi mới phương thức truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch thông qua nền tảng số, E-marketing, chuyển đổi số; đảm bảo an ninh an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh là những nội dung quan trọng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành để nhanh chóng có được hướng dẫn cụ thể trước ngày 15/3/2022 cho các địa phương, doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối lại thị trường và khai thác được các nguồn khách quay trở lại Việt Nam sớm nhất.
Về thị trường, trước mắt, theo ông Nguyễn Trùng Khánh là cần hướng vào những thị trường khách quốc tế ở những nước không quy định quá chặt chẽ vấn đề cách ly sau khi đi du lịch nước ngoài trở về; các thị trường đã có động thái mở cửa, thu hút khách quốc tế đến, đồng thời tạo điều kiện cho người dân đi du lịch nước ngoài. Từ đó, ngành du lịch sẽ có những nghiên cứu, cập nhật cụ thể để có chính sách, chiến lược thu hút khách từ những thị trường này.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng chia sẻ nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở vật chất, củng cố nhân lực du lịch là những vấn đề cốt lõi để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Bởi sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhân sự rời bỏ thị trường du lịch.
Do vậy, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022.
Tổng cục Du lịch cũng sẽ tiếp tục có những đề xuất kéo dài chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính, tín dụng… cho doanh nghiệp, người lao động trong ngành.
Trước khi có dịch COVID-10, một trong những động lực chính để du lịch Việt Nam thu hút được 18 triệu khách quốc tế đến là nỗ lực quảng bá, xúc tiến và cơ chế chính sách thuận lợi, đặc biệt là chính sách thị thực (visa).
Do đó, trong giai đoạn chính thức mở cửa trở lại rất cần thiết phải khôi phục lại chính sách visa như trước thời điểm xảy ra dịch COVID019. Đó là điều kiện rất quan trọng để chúng ta có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến, thu hút khách trở lại Việt Nam, nhất là khi một số nước trong khu vực đã có một số chính sách cởi mở để thu hút khách quốc tế.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương chia sẻ dự kiến phương án mở cửa trở lại từ ngày 15/3/2022 là ngành du lịch sẽ đón khách ở các cửa khẩu cả hàng không, đường bộ và đường biển.
Tất cả các địa phương trên cả nước cũng sẽ được mở cửa đón khách. Điều kiện đón khách du lịch sẽ bám sát vào tiêu chuẩn về phòng chống dịch của Bộ Y tế.
Về vấn đề thị thực, Bộ Văn hóa, Thể thao và du Du lịch cùng các Bộ, ngành liên quan đang đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chính sách cho khách du lịch như thời điểm trước dịch COVID-19, bao gồm cấp thị thực điện tử, miễn thị thực đơn phương và miễn thị thực song phương./.
Theo TTXVN