Chân dung Tổng Bí thư qua các thời kỳ - Bài 7
(BDO) Bài 7: Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo tận trung với nước, tận hiếu với dân
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với những chặng đường cam go, gian khổ, hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Dù ở trong hoàn cảnh nào, với nhiệm vụ gì, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác…
Chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh |
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1-7-1915 trong một gia đình công chức tại Hà Nội, quê ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Hưng Yên với Phố Hiến xưa được coi là tiểu Tràng An nổi danh, là thương cảng một thời hưng thịnh trên bến dưới thuyền “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Vùng đất Khoái Châu ven sông Hồng là nơi diễn ra truyền thuyết tình yêu Tiên Dung - Chữ Đồng Tử, một trong “Tứ bất tử” của nước Việt. Hưng Yên cũng là vùng “địa linh” đã sinh ra biết bao “nhân kiệt”, là vùng đất hiếu học với 228 tiến sĩ được lưu danh tại Văn miếu Quốc Tử giám, hàng trăm danh nhân văn hóa và chiến sĩ cách mạng yêu nước thời nào cũng có như Đỗ Thế Diên, Phạm Ngũ Lão, Phạm Công Trứ, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Thiện Thuật, Tô Hiệu…
Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, ngay từ lúc còn trẻ tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham gia các hoạt động yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng. Từ năm l929, đồng chí đã tham gia phong trào học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương) lãnh đạo. Ngày 1-5-1930, đồng chí tham gia rải truyền đơn chống thực dân Pháp, bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, chính quyền thực dân Pháp phải trả tự do cho đồng chí. Năm đó, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công đi vận động công nhân lao động ở Hà Nội, rồi về Hải Phòng hoạt động. Tại đây, đồng chí đã xây dựng cơ sở cách mạng trong công nhân và nhiều tầng lớp nhân dân khác; gây dựng cơ sở Đảng và thành lập Ban Chấp hành lâm thời Thành ủy Hải Phòng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người khởi xướng công cuộc đổi mới tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986
Năm 1939, đồng chí được Đảng điều động vào công tác ở Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Cuối năm 1939, đồng chí được Trung ương cử ra miền Trung công tác nhằm lập lại Xứ ủy Trung kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh, chúng đưa về Sài Gòn xử án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được đón về Nam bộ hoạt động ở miền Tây, sau đó lên Sài Gòn - Chợ Lớn trực tiếp lãnh đạo kháng chiến với các chức vụ Bí thư Thành ủy, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Năm 1947, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Xứ ủy Nam bộ. Năm l949, đồng chí tham gia Thường vụ Xứ ủy Nam bộ. Từ năm 1957 đến năm l960, đồng chí là quyền Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí được Đảng và Nhà nước tiếp tục giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Năm 1976, đồng chí được cử làm Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ tháng 4-1977, đồng chí thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh để giữ các chức vụ Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến năm 1980. Từ cuối năm 1980 đến cuối năm 1981, đồng chí được phân công theo dõi thực hiện nghị quyết của Đảng và Chính phủ ở các tỉnh miền Nam. Tháng 12-1981, đồng chí được phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cho đến tháng 6-1986.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6-1985, tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6-1986, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6-1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991) và lần thứ VIII (6-1996) của Đảng, đồng chí được cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí từ trần ngày 27-4-1998 tại TP.Hồ Chí Minh.
Với tinh thần kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vững vàng, chủ động, sáng tạo lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, vượt qua thử thách, kiên trì đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với những bước đi và cách làm phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam: Tập trung đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; coi trọng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, công cuộc đổi mới của đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nước thiếu lương thực triền miên, chúng ta đã bảo đảm an ninh về lương thực và có lượng gạo xuất khẩu lớn; từ một nước làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất khẩu ít hơn nhập khẩu, chúng ta đã phấn đấu ra khỏi nhóm nước chậm phát triển và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống của nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh không có dịp thường xuyên làm việc bên cạnh Bác Hồ, nhưng đồng chí luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở địa phương và Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân. Hơn 10 năm bị địch giam cầm, tra tấn trong ngục tù Côn Đảo, 30 năm gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đến khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cách mạng: Liêm khiết, khiêm tốn, giản dị, mẫu mực. Đồng chí là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân” theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, ghét thói phô trương, hình thức. Đồng chí nhận thấy bệnh tham nhũng lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa. Những bài báo “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân, ký tên N.V.L vào năm đầu thời kỳ đổi mới đã tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội, đã thể hiện sự trăn trở và tinh thần quyết tâm của người đứng đầu Đảng ta trong việc chống tham nhũng, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Ngày nay, những bài báo của đồng chí vẫn còn nguyên giá trị.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam. Là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều đóng góp quan trọng, cùng Trung ương Đảng triển khai và đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, làm xoay chuyển tình thế, đưa đất nước tiếp tục tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.
P.V (tổng hợp)