Chân dung Tổng Bí thư qua các thời kỳ - Bài 5

Thứ ba, ngày 12/01/2016

(BDO) Bài 5: Trường Chinh - tấm gương tự hào của những người cộng sản

 Chân dung đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh

Đồng chí Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, vai trò của đồng chí xuất hiện trong mỗi bước ngoặt của lịch sử nước ta trong thế kỷ XX, góp phần thúc đẩy cách mạng tiến lên những chặng đường phát triển mới phù hợp với sự tiến hóa của nhân loại và của thời đại mới. Với những cống hiến xuất sắc cho cách mạng, Đảng và dân tộc ta đã tôn vinh đồng chí Trường Chinh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.

Năm 1925, đồng chí tham gia cuộc vận động đòi đế quốc Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và năm 1926, đồng chí tham gia lãnh đạo cuộc bãi khóa để truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh ở Nam Định. Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, đồng chí tham gia cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc kỳ.

Năm 1930, đồng chí được chỉ định vào Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó, đồng chí bị đế quốc bắt và kết án 12 năm tù cấm cố, đày đi Sơn La. Cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp và do phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đòi quyền tự do dân chủ và thả chính trị phạm, đồng chí được trả lại tự do. Từ cuối năm 1936 đến năm 1939, đồng chí là ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ và đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Ủy ban Mặt trận dân chủ Bắc kỳ. Năm 1940, đồng chí là chủ bút báo Giải phóng, cơ quan của Xứ ủy Bắc kỳ.

Tại Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng năm 1940, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cũng trong năm này, trước sự khủng bố ác liệt, hầu hết Ban Chấp hành Trung ương của Đảng ta bị thực dân Pháp bắt và sát hại, đồng chí đã vượt qua sự truy lùng của kẻ thù, góp phần tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương, kiện toàn bộ máy của Đảng và đón đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Cuộc gặp gỡ lịch sử và sự thống nhất toàn diện giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh ở Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương, tháng 5-1941, đã dẫn tới những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, để Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc.

Tổng Bí thư Trường Chinh thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2 Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị này, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, kiêm Trưởng ban Tuyên huấn kiêm chủ bút báo Cờ giải phóng và Tạp chí Cộng sản, cơ quan Trung ương của Đảng, Trưởng ban Công vận Trung ương. Tháng 8-1945, đồng chí được Hội nghị toàn quốc của Đảng cử phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Trong những năm 1945-1946, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí cùng Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh hiểm nghèo; tiến hành cuộc tranh đấu chống thù trong, giặc ngoài, giữ vững thành quả cách mạng; chuẩn bị toàn diện các điều kiện chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao cho việc phát động cuộc chiến tranh ái quốc và đã đưa cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã nhanh chóng vạch ra chiến lược chiến tranh ái quốc với tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” (năm 1947) và chỉ ra con đường phát triển của cách mạng Việt Nam qua Báo cáo “Luận cương cách mạng Việt Nam” (1951), góp phần đưa tới thắng lợi của cuộc kháng chiến ái quốc vĩ đại của dân tộc. Đồng chí có nhiều đóng góp lớn lao vào việc xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững chắc, cùng Bộ Chính trị chuẩn bị và đưa ra các quyết sách chiến lược lớn, dẫn tới thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1951, tại Đại hội II của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, là Tổng Bí thư của Đảng đến tháng 10-1956. Năm 1958, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Năm 1960, tại Đại hội III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác tư tưởng của Đảng.

Năm 1976, tại Đại hội IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, là Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương và Trưởng ban Lý luận của Trung ương... Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII. Từ khóa II đến khóa VI, đồng chí là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh trực tiếp lãnh đạo tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, góp phần thực hiện thành công sách lược “hòa để tiến”, vượt qua cam go của tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng thành công nhà nước dân chủ mới, tạo cơ sở pháp lý để động viên, tổ chức toàn dân chuẩn bị và bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ.

Năm 1981, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 3-1982, tại Đại hội V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và là Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 7-1986, tại Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Ở cương vị là Tổng Bí thư (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1941), Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (1951) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), đồng chí Trường Chinh không chỉ là một nhà chiến lược đã hoạch định đúng đắn và chính xác đường lối, chính sách của Đảng, mà còn là nhà tổ chức tài năng đã góp phần lãnh đạo, tổ chức toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện thắng lợi đường lối giải phóng dân tộc và phát triển đất nước trong thế kỷ XX.

Tháng 12-1986, tại Đại hội VI của Đảng, đồng chí được cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế, kiêm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh của Đảng. Sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, trước thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đồng chí có nhiều đóng góp rất quan trọng với Đảng trong khẳng định chủ trương đổi mới. Vang mãi trong lòng đồng bào ta lời phát biểu của đồng chí trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI: “Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại”. “Đổi mới là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với đất nước và dân tộc ta”. Tinh thần đó đã, đang và tiếp tục thúc đẩy những người cộng sản và nhân dân ta tiến lên.

Vừa là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà báo, nhà thơ... đồng chí là sự thể hiện cực kỳ sinh động lương tâm, trí tuệ, tình cảm cách mạng cao đẹp và văn hóa của người chiến sĩ cách mạng, một nhà lãnh đạo cộng sản suốt đời phấn đấu theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng chí Trường Chinh là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, khiêm tốn, mẫu mực, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trên cương vị đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở những thời điểm bước ngoặt của cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí luôn xuất hiện trong mỗi bước ngoặt của lịch sử nước ta trong thế kỷ XX, góp phần thúc đẩy cách mạng nước ta tiến lên những chặng đường phát triển mới phù hợp với sự tiến hóa của nhân loại và của thời đại mới, với những cống hiến xuất sắc cho cách mạng, Đảng và dân tộc ta đã tôn vinh đồng chí Trường Chinh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.

P.V (tổng hợp)