Chậm thu gom rác thải gây ô nhiễm: Bài cuối - Đi tìm hướng ra

Thứ năm, ngày 07/07/2016

(BDO) Từ thực tế các cơ sở thu gom rác không làm hết trách nhiệm khiến rác tồn đọng, môi trường bị ô nhiễm, người dân cũng như một số lãnh đạo chính quyền cơ sở mong muốn chuyển đổi mô hình thu gom rác, cần có một đơn vị đủ năng lực đảm nhiệm việc thu gom rác, tránh tình trạng “xô bồ” như hiện nay.

 Báo Bình Dương số ra ngày 31-5 có phản ánh cơ sở thu gom rác của ông Nguyễn Văn Dụ chậm trễ trong việc lấy rác tại tổ 21A, KP.Bình Đường 1, phường An Bình, TX.Dĩ An khiến rác tồn đọng, người dân địa phương đã đem rác vứt bừa bãi ra môi trường, gây ô nhiễm. Sau ngày bị báo chí phản ánh sự việc trên, theo người dân, tình trạng thu gom rác được cải thiện 2 tuần, sau đó lại tái diễn như cũ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Vinh, cán bộ phụ trách môi trường phường An Bình, cho rằng: “Trong một tháng qua chúng tôi tuyển chọn cơ sở có đủ năng lực để thay thế cơ sở của ông Dụ. Tuy nhiên, để tìm được đơn vị có đủ năng lực, cơ sở tiếp quản mà không bị trùng tuyến thu gom rác và tránh xảy ra việc tranh chấp giữa các chủ cơ sở thu gom là khó nên tạm thời để ông này thu gom trong thời gian ngắn. Trong tuần này chúng tôi sẽ cắt hợp đồng với ông Dụ và nhờ một chủ cơ sở khác đảm nhiệm việc thu gam rác tại tổ 21A, KP Bình Đường 1”.

Cần chuyển đổi mô hình

Theo phản ánh, nhiều chủ thu gom rác chỉ hợp đồng miệng với hộ dân, vì thế sự ràng buộc giữa các bên liên quan chưa đủ mạnh. Nhiều chủ thu gom rác không làm hết trách nhiệm khiến rác tồn đọng, môi trường bị ô nhiễm gây bức xúc trong nhân dân.

Làm việc với P.V về những vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi mô hình thu gom rác, nhiều lãnh đạo chính quyền cơ sở và cán bộ phụ trách môi trường cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh đang mong muốn cần có một đơn vị đủ năng lực đảm nhiệm công tác này. Theo tìm hiểu của P.V, thực tế hiện nay các cơ sở thu gom rác không trang bị đầy đủ về phương tiện và nhân lực, mặc khác một số cơ sở thu gom “bỏ lẩy” việc thu gom rác tại tuyến đường nếu bị người dân phản ánh về việc thiếu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Thanh Hội, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, TX.Thuận An, cho biết: “Nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu dân cư, trong nhiều năm qua, địa phương đã tích cực vận động người dân thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Sau nhiều năm tổ chức vận động, hiện nay phường Thuận Giao có 100% hộ dân ký hợp đồng với chủ cơ sở thu gom rác trên địa bàn phường. Tuy nhiên, qua nhiều buổi tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh về việc cơ sở thu gom rác không làm hết trách nhiệm, để rác tồn đọng, môi trường bị xâm hại. Điều mà người dân và chính quyền địa phương mong muốn là cần có một đơn vị kinh tế chịu trách nhiệm điều phối, quản lý cơ sở thu gom rác trên địa bàn, dần dần thay thế cho mô hình cơ sở thu gom rác như hiện nay”.

Trong khi đó, ông Tô Đình Phương, cán bộ phụ trách môi trường phường Dĩ An, TX.Dĩ An thì cho rằng: “Sau thời gian địa phương ký hợp đồng trách nhiệm với nhiều cơ sở thu gom rác và các cơ sở này không làm hết trách nhiệm, để rác tồn đọng, môi trường bị ô nhiễm khiến người dân bức xúc, phường đã thành lập 9 tổ vệ sinh dân lập thay thế. Từ đó việc tổ chức thu gom rác thải trên địa bàn phường có một sự chuyển biến mới về hình thức cũng như bảo đảm về vệ sinh môi trường”.

Theo ông Tô Đình Phương, song song với việc thay đổi chủ cơ sở thu gom rác, phường Dĩ An đã thành lập 14 Tổ tự quản bảo vệ môi trường với 650 thành viên tham gia vào việc tuyên truyền, vận động người dân giữ vệ sinh môi trường; bỏ rác đúng theo quy định và vận động hộ dân hưởng ứng việc ký hợp đồng với chủ cơ sở thu gom rác. “Qua nhiều buổi họp dân, nhiều hộ dân đang mong muốn được ký hợp đồng với một đơn vị đủ năng lực để đảm nhiệm công tác thu gom rác thải trên địa bàn. Bởi nếu một đơn vị kinh tế có đủ năng lực thì công tác thu gom rác thải tại địa phương sẽ tốt hơn”.


Theo hợp đồng “miệng” giữa ông Nguyễn Văn Dụ với hàng chục hộ dân tại tổ 21A, khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, TX.Dĩ An là cứ 48 giờ, ông này phải cho người đến lấy rác một lần. Tuy nhiên hợp đồng trên không được thực hiện nghiêm túc khiến rác bị tồn đọng 

Xây dựng hành lang pháp lý

Trao đổi với P.V về những vấn đề liên quan đến công tác quản lý thu gom rác thải trên địa bàn phường, ông Lê Minh Đức, Chủ tịch UBND phường An Thạnh, TX.Thuận An, nói: “Khi chủ cơ sở thu gom rác trên địa bàn phường hiện nay không đủ năng lực đảm nhiệm thu gom rác, để rác ứ đọng, lâu nay chúng tôi mời chủ cơ sở về phường nhắc nhở. Sau 3 lần làm việc như thế sẽ cắt hợp đồng chứ không có biện pháp chế tài nào về việc bồi thường cho người dân. Bởi biện pháp chế tài trong hợp đồng trách nhiệm hiện nay ở mức cao nhất là chấm dứt hợp đồng. Tôi cho rằng không riêng gì phường An Thạnh mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng cần có những quy định mới về việc ký kết với cơ sở thu gom rác tư nhân. Như thế chính quyền cơ sở sẽ có đủ điều kiện pháp lý trong công tác quản lý, để cơ sở thu gom rác được ký kế tiếp sẽ làm tốt hơn”.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, cho biết Thuận An đang khẩn trương xây dựng kế hoạch trong việc siết chặt quản lý đối với những cơ sở thu gom rác tư nhân đang ký hợp đồng trách nhiệm với xã, phường trên địa bàn thị xã hiện nay. “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tập trung những cơ sở thu gom rác thải tư nhân đang ký hợp đồng với người dân và chính quyền cơ sở trên địa bàn TX.Thuận An để Công ty cấp thoát nước Bình Dương quản lý. Nghĩa là chủ cơ sở thu gom rác thải tư nhân chịu sự quản lý của Công ty cấp thoát nước Bình Dương. Xác định việc thực hiện kế hoạch trong giai đoạn đầu sẽ gặp nhiều khó khăn nên TX.Thuận An đang huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác vận động, củng cố, kiện toàn quy chế hoạt động trong thời gian tới. Tin rằng, sau ngày kế hoạch được triển khai thì công tác giữ vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã sẽ tốt hơn hiện nay”, ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết.

Liên quan đến việc siết chặt hành lang pháp lý đối với chủ cơ sở thu gom rác thải hiện nay, bà Nguyễn Thị Minh Nhựt, cán bộ Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh cho rằng đơn vị đang củng cố lại hồ sơ kế hoạch phân loại chất thải rắn và Quy định quản lý chất thải rắn để trình lãnh đạo tỉnh phê duyệt. Trong hai văn bản này nhấn mạnh vào những vấn đề thể hiện sự ràng buộc về mặt pháp lý cũng như quy trình ký kết hợp đồng giữa các bên liên quan đối với chủ cơ sở thu gom rác. “Quan điểm của chúng tôi là nếu cơ sở thu gom rác tư nhân không đủ năng lực đảm nhiệm trong việc thu gom rác thì chính quyền cơ sở sẽ không ký kết hợp đồng trách nhiệm đối với những cơ sở này”.

 “Quan điểm của chúng tôi là nếu cơ sở thu gom rác tư nhân không đủ năng lực đảm nhiệm trong việc thu gom rác thì chính quyền cơ sở sẽ không ký kết hợp đồng trách nhiệm đối với những cơ sở này”, bà Nguyễn Thị Minh Nhựt, cán bộ Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh chia sẻ.

 

 THANH QUANG