Chậm thu gom rác thải gây ô nhiễm: Bài 2 - Cần thiết lập đường dây nóng

Thứ tư, ngày 06/07/2016

(BDO) Trong khi chưa đủ năng lực để cùng một lúc ký hợp đồng với nhiều địa phương, nhưng nhiều chủ cơ sở thu gom rác đã “bao sân” dẫn đến chậm trễ việc lấy rác. Trong khi đó một số chính quyền cơ sở vẫn loay hoay để giải bài toán này!

Chưa đủ lực vẫn “phủ sóng”

Như báo Bình Dương đã phản ánh trong số báo trước, nguyên nhân chính dẫn đến rác ứ đọng tại các thùng chứa rác của hộ dân dẫn đến việc ô nhiễm môi trường sống là do chủ cơ sở tổ chức lấy rác không đúng theo thỏa thuận trước đó. Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, P.V đã làm việc với những chủ cơ sở thu gom rác bị người dân phản ánh. Có một điểm trùng khớp là hầu hết các chủ cơ sở bị người dân phản ánh đều cho rằng nguyên nhân chậm trễ việc lấy rác là do xe vận chuyển bị hỏng, thiếu nhân lực thu gom rác! Một số chủ cơ sở thừa nhận việc quản lý và kiểm soát công nhân chưa thật sự bảo đảm, dẫn đến hệ lụy là rác tồn đọng.

Phần lớn phương tiện dùng để thu gom rác hiện nay đều cũ kỹ nên gây ô nhiễm khi hoạt động. Trong ảnh: Xe thu gom rác thải trên địa bàn phường Thuận Giao, TX.Thuận An

Theo tìm hiểu của P.V, hiện nay phần lớn các chủ cơ sở nhỏ lẻ thường dùng những phương tiện ô tô vận chuyển cũ, máy móc và trang thiết bị thô sơ, chưa bảo đảm cho việc vận chuyển rác đến điểm tập kết được vệ sinh, an toàn. Từ đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả trong việc thu gom rác của người dân.

Làm việc với P.V về những vấn đề liên quan đến việc chủ cơ sở thu gom rác thải trên địa bàn phường Hưng Định, TX.Thuận An chưa đủ năng lực trong việc thu gom rác, ông Nguyễn Trọng Hiếu, cán bộ phụ trách môi trường phường Hưng Định, cho biết: “Phường Hưng Định hiện có 2 cơ sở thu gom rác. Trong đó, chủ cơ sở thu gom rác của ông Lê Quang Điệp thường xuyên bị UBND phường nhắc nhở về việc thu gom rác chậm trễ. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề chậm trễ thu gom rác, ông Điệp lại cho rằng đó là do phương tiện vận chuyển bị hư hỏng. Tới đây, nếu ông này không làm tốt việc thu gom rác thì chúng tôi sẽ tìm người thay thế, sau đó sẽ cắt hợp đồng đối với ông Điệp. Bởi, hiện nay nhiều cơ sở thu gom rác ở nhiều địa phương khác đã đầu tư xe vận chuyển, phương tiện hiện đại phục vụ cho việc thu gom rác, thì không thể viện lý do xe hỏng để rác tồn đọng gây ô nhiễm”.

 “Khi người dân đã đóng tiền hàng tháng để thuê dịch vụ thu gom rác thì chủ cơ sở thu gom phải làm đúng theo nội dung ký hợp đồng trách nhiệm. Chúng tôi đã thỏa thuận, nếu chủ cơ sở không làm hết trách nhiệm thì cứ chiếu theo các điều khoản hợp đồng để xử lý”, ông Lê Minh Đức, Chủ tịch UBND phường An Thạnh, TX.Thuận An tỏ thái độ kiên quyết.

Trong khi đó, ông Lê Minh Đức, Chủ tịch UBND phường An Thạnh, TX.Thuận An, cũng tỏ thái độ kiên quyết đối với ông Lê Nhựt Minh Tuấn, một chủ cơ sở đang ký hợp đồng thu gom rác với hơn 4.000 hộ dân trên địa bàn. Ông Lê Minh Đức nhấn mạnh: “Hiện nay chúng tôi đang tìm cơ sở có đủ năng lực để chia đôi địa bàn mà ông Tuấn đang thu gom rác thải. Bởi chủ cơ sở này không đủ khả năng đảm nhiệm việc thu gom dẫn đến rác tồn đọng tại các thùng chứa rác trong khu dân cư. Khi người dân đã đóng tiền hàng tháng để thuê dịch vụ thu gom rác thì chủ cơ sở thu gom phải làm đúng theo nội dung ký hợp đồng trách nhiệm. Trước đây chúng tôi đã thỏa thuận, nếu chủ cơ sở không làm hết trách nhiệm thì cứ chiếu theo các điều khoản hợp đồng để xử lý”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Nhật Minh Tuấn, chủ cơ sở thu gom rác cho biết, cơ sở của ông được cấp giấy phép kinh doanh vào năm 2007. Hiện nay ông Tuấn đang ký hợp đồng thu gom rác với 900 hộ dân ở phường Thuận Giao, 100 hộ dân ở phường Bình Chuẩn và trên 4.000 hộ ở phường An Thạnh (TX.Thuận An). Làm việc với P.V, ông Tuấn thừa nhận chậm trễ lấy rác là do “chưa đủ năng lực”. Để bảo đảm công việc, tới đây ông sẽ nâng số lượng xe từ 4 chiếc vận chuyển rác lên 6 chiếc, từ 13 công nhân lên 17 công nhân.

Việc chậm trễ lấy rác của ông Lê Nhựt Minh Tuấn, một chủ cơ sở thu gom rác trên địa bàn phường An Thạnh khiến người dân địa phương bức xúc, chính quyền tỏ thái độ kiên quyết xử lý chỉ là một trường hợp điển hình đã và đang tồn tại hiện nay.

Cần thiết lập đường dây nóng

Theo phản ánh của người dân, trước sự việc chậm trễ thu gom rác của chủ cơ sở khiến rác bị tồn đọng, bốc mùi hôi thối tại các thùng chứa rác, người dân muốn điện thoại trực tiếp đến người có trách nhiệm nhưng lại không biết số điện thoại để liên lạc. Vì thế, để thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, chính quyền địa phương, chủ cơ sở thu gom rác trên địa bàn tỉnh cần thiết lập đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh sự việc. Đó là mong muốn của nhiều hộ dân khi tiếp chuyện với P.V Báo Bình Dương.

Ông Hà Huy Công, một cư dân ngụ KP.Bình Đường 1, phường An Bình, TX.Dĩ An, cho biết: “Trước sự việc ông Nguyễn Văn Dụ, chủ cơ sở thu gom rác thải ở tổ 21A, KP.Bình Đường 1, phường An Bình không làm hết trách nhiệm, để rác tồn đọng, nhiều lần chúng tôi muốn phản ánh với người có trách nhiệm nhưng lại không có số điện thoại để liên lạc. Khi tôi xin số của ông Dụ thì bị công nhân lấy rác từ chối. Tôi nghĩ rằng địa phương cần thành lập đường dây nóng để nhận được những thông tin phản ánh về việc thu gom rác gây ô nhiễm trên địa bàn”.

Tương tự, bà Lê Thị Hà, ngụ phường Bình Hòa, TX.Thuận An cũng bày tỏ quan điểm về những vấn đề liên quan đến việc chính quyền cơ sở cần quan tâm hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường bằng việc tiếp nhận thông tin, nhanh chóng xử lý thông tin người dân phản ánh về việc chậm trễ thu gom rác thải. Bà Hà cho rằng: “Ngoài việc công bố số điện thoại của lãnh đạo địa phương, công an phường, cảnh sát khu vực, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố tại văn phòng khu phố thì nên dán số điện thoại của cán bộ phụ trách môi trường và chủ cơ sở thu gom rác để người dân kịp thời phản ánh sự việc rác tồn đọng. Nếu việc này được thực hiện tốt thì việc thu gom rác thải sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với hiện nay”.

Ông Quản Văn Bình, Chủ tịch UBND phường An Phú, TX.Thuận An cho biết, phường An Phú hiện có 1.476 cơ sở trọ. Để bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như việc tiếp nhận thông tin của nhân dân phản ánh về việc để rác tồn đọng, thời gian qua địa phương đã dán số điện thoại của lãnh đạo phường và cán bộ phụ trách môi trường tại những nơi công cộng để người dân kịp thời phản ánh. Thông qua đường dây nóng, trong 6 tháng đầu năm 2016, phường An Phú đã xử lý nhiều trường hợp vứt rác bừa bãi cũng như kịp thời nhắc nhở các cơ sở thu gom rác. “Để công tác này phát huy hiệu quả, tới đây chúng tôi sẽ xử lý kiên quyết đối với những người buôn bán tự phát, vứt rác bừa bãi trên nhiều trục đường”, ông Bình cho hay.

 

Bài cuối: Đi tìm hướng ra

THANH QUANG