Cảnh báo tình trạng ô nhiễm tại các chợ - Bài 2: Hệ thống thoát nước xuống cấp…

Thứ bảy, ngày 06/08/2016

(BDO) Thực tế hiện nay là cơ sở hạ tầng của một số chợ trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp, dẫn đến hệ thống thoát nước thải của chợ không được bảo đảm, khiến môi trường ở chợ bị ô nhiễm.

Nước thải chợ gây ô nhiễm

Chợ Lái Thiêu (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) nằm ngay trung tâm TX.Thuận An. Hiện nay, chợ Lái Thiêu có trên 700 tiểu thương buôn bán. Theo phản ánh của nhiều tiểu thương, đường Nguyễn Huệ nằm giữa chợ Lái Thiêu thường xuyên bị ô nhiễm. Theo tìm hiểu của P.V, ngay tại đường Nguyễn Huệ hiện nay không có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt từ chợ. Vì thế, nước rửa thịt, rửa cá ở chợ chảy lênh láng trên đường, bốc mùi tanh hôi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc buôn bán của nhiều người.


Nhiều tiểu thương trên tuyến đường Nguyễn Huệ, chợ Lái Thiêu mong mỏi ngành chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng xây dựng hệ thống thoát nước để môi trường không bị ô nhiễm như hiện nay

Tiếp xúc với P.V, nhiều tiểu thương trong chợ bày tỏ thái độ bức xúc về việc địa phương chưa làm hết trách nhiệm đối với việc môi trường ở chợ này đã bị ô nhiễm. Nhiều tiểu thương ở chợ Lái Thiêu cho biết phải đóng 300.000 đồng/ m2/năm/. Số tiền này được UBND phường Lái Thiêu thu và đưa vào ngân sách của địa phương. Ngoài ra, mỗi ngày tiểu thương phải đóng 2.000 đồng/m2 cho đơn vị thầu chợ. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều tiểu thương, nhiều năm nay, chính quyền địa phương ít quan tâm đến việc nâng cấp, lắp đặt hệ thống thoát nước thải khiến chợ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc buôn bán Bà N., người bán hàng quần áo trên đường Nguyễn Huệ tỏ thái độ bức xúc: “Trong nhiều năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, nước thải chợ bốc mùi tanh hôi chảy lênh láng trên đường Nguyễn Huệ. Từ đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc mua bán của người dân trên tuyến đường này. Trước tình trạng chợ bị ô nhiễm, nhiều năm nay, chúng tôi liên tiếp phản ánh sự việc lên Ban Quản lý chợ và lãnh đạo địa phương và chúng tôi đều nhận được câu hứa hẹn là sẽ nâng cấp đường chợ, xây dựng hệ thống thoát nước thải trong thời gian tới. Nhưng rồi tất cả chỉ là hứa, chợ vẫn bị ô nhiễm!”.

Nói về thực trạng chợ tư nhân, chợ do nhà nước quản lý trên địa bàn TX.Thuận An đang bị ô nhiễm, ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, khẳng định: “Nguyên nhân dẫn đến nhiều chợ trên địa bàn TX.Thuận An bị ô nhiễm, theo tôi điểm tập kết rác thải chợ, hệ thống nước thải chợ chưa thật sự đạt chuẩn. Về vấn đề này, tới đây chúng tôi sẽ rà soát lại các chợ trên địa bàn, sau đó chỉ đạo cho những đơn vị liên quan xử lý dứt điểm”.

Phường An Bình, TX.Dĩ An là địa phương có đông dân số. Để đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ cho nhân dân, hiện trên địa bàn phường An Bình đã xuất hiện nhiều chợ. Riêng chợ An Bình tọa lạc cạnh khu chung cư An Bình, thuộc KP.Bình Đường 2 đang trong tình trạng bị ô nhiễm từ nước thải chợ. Chính vì chợ bị ô nhiễm khiến nhiều tiểu thương bức xúc. Để tìm hiểu nguyên nhân, P.V đã mục sở thị quanh chợ An Bình. Từ thực tế cho thấy chợ An Bình có diện tích khá khiêm tốn. Do chợ được xây dựng từ lâu nên nhiều hạng mục trong chợ đã bị xuống cấp. Đặc biệt hệ thống thoát nước của chợ đã bị hư hỏng nên thường xuyên bốc mùi hôi thối. Theo ghi nhận của P.V, ngoài việc nước thải trong chợ vòm An Bình chảy lênh láng, hiện nay nhiều tiểu thương buôn bán hàng cá xung quanh khu chung cư An Bình thải nước ra đường gây bốc mùi tanh hôi.

Địa phương nói gì?

Trao đổi với P.V về những vấn đề liên quan đến việc chợ bị ô nhiễm từ rác và nước thải trong chợ khiến tiểu thương bức xúc, nhiều lãnh đạo địa phương đã thừa nhận việc chợ bị ô nhiễm khiến nhân dân phản ánh là có thật. Trả lời vấn đề này, ông Phạm Phú Nam, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, cho rằng “Qua nhiều buổi tiếp xúc cử tri, người dân có phản ánh về việc môi trường ở chợ Lái Thiêu bị ô nhiễm. Ngay sau đó địa phương đã thuê đơn vị liên quan nạo vét hệ thống thoát nước ở chợ để tránh tình trạng bị ô nhiễm. Riêng đường Nguyễn Huệ hiện nay chưa có hệ thống thoát nước thải chợ thì chúng tôi sẽ có kế hoạch sửa chữa”.

Trong khi đó ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND phường An Bình, giải bày: “Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đối với nhân dân địa phương nói chung và tiểu thương ở chợ An Bình nói riêng. Thế nhưng để có kinh phí nâng cấp, tu sửa lại chợ An Bình vẫn còn là điều khó khăn của địa phương. Để khắc phục sự khó khăn này, chúng tôi đã rót kinh phí cho lực lượng tu sửa chợ vào ban đêm để chợ không bị ô nhiễm”. Trả lời câu hỏi của P.V về việc nước thải của chợ bốc mùi tanh hôi xung quanh khu chung cư An Bình, ông Nguyễn Ngọc Ẩn chia sẻ: “Để hạn chế việc môi trường bị ô nhiễm, trong nhiều năm nay, địa phương cũng thường xuyên nhắc nhở những người buôn bán cá thịt, buôn bán rau tươi dưới hiên khu chung cư An Bình phải giữ vệ sinh môi trường. Thế nhưng những người này vẫn còn thiếu ý thức chấp hành. Tới đây, chúng tôi sẽ siết chặt hơn nữa việc tiểu thương đổ nước thải ra đường gây ô nhiễm”.

Liên quan đến việc nhiều chợ trên địa bàn phường Dĩ An, TX.Dĩ An bị ô nhiễm từ hệ thống nước thải chợ, bà Đặng Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Dĩ An, nói: “Địa phương hiện có 4 chợ, trong đó có 2 chợ tự phát và 1 chợ do phường quản lý. Theo báo cáo của cán bộ phụ trách môi trường phường thì vào mùa mưa, chợ tự phát bà Sâm (thuộc KP.Thống Nhất 2) và chợ bà Điệp (thuộc KP.Thắng Lợi 2) bị ô nhiễm từ nước thải chợ. 2 chợ này vào mùa mưa thường xuyên bị ngập úng gây ô nhiễm. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này thì rất khó cho địa phương”.

 

THỦY TRINH - THANH QUANG