Cảnh báo tình trạng ô nhiễm tại các chợ - Bài 1

Thứ sáu, ngày 05/08/2016

(BDO) Bài 1: Chợ ô nhiễm vì… rác!

Trước sự việc nhiều chợ trên địa bàn tỉnh đang bị xuống cấp, ô nhiễm, người dân đã phản ánh đến báo Bình Dương. Theo ghi nhận, những nguyên nhân dẫn đến việc chợ bị ô nhiễm chủ yếu là do hệ thống thoát nước tại các chợ không bảo đảm, rác thải không được thu gom kịp thời…

Một ngôi chợ tự phát mọc giữa đường, gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông tại phường Thuận Giao, TX.Thuận An

Ô nhiễm từ rác thải

Chợ Đông Phú 1, KP.Bình Thuận 2, phường Thuận Giao có 350 kiốt cho thuê, với gần 900 con người đang sinh sống, buôn bán trong chợ. Chủ chợ này đầu tư 10 thùng nhựa chứa rác trước chợ. Vì thùng chứa rác không đủ sức chứa, tiểu thương trong chợ đem rác chất thành đống trên đường. Những ngày trời mưa, những “núi rác” này xuất hiện nhiều dòi tấn công vào nhà dân.

Sau nhiều lần P.V liên hệ với ông Nguyễn Văn Dũng, chủ chợ Đông Phú 1 để đăng ký lịch làm việc về những nội dung liên quan đến công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, cũng như việc quản lý chợ, ông này liên tiếp từ chối làm việc với nhiều lý do khác nhau.

Từ thực tế hiện nay cho thấy, tại nhiều chợ tư nhân, chợ do Nhà nước quản lý cho đến chợ tự phát trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm. Về vấn đề này có liên quan đến vai trò của ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc ký phê duyệt cấp phép cho các chợ hoạt động. Cụ thể như, khi cơ quan chức năng cấp phép cho các chợ hoạt động thì tiêu chí xây dựng hệ thống thoát nước, điểm tập kết rác thải ở chợ phải theo đúng quy định. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, tiêu chí môi trường tại các chợ thật sự chưa đúng theo quy định, nhưng chính quyền ở nhiều địa phương, ngành chức năng vẫn chưa có cách xử lý triệt để nên gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay nhiều chủ chợ không quan tâm đến việc mua sắm thùng chứa rác nên rác được người dân, tiểu thương vứt bừa bãi ra bên ngoài. Rác chất thành đống, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường xung quanh.

Phường Thuận Giao hiện có 5 chợ đã được cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép và đưa vào hoạt động. Theo ghi nhận của P.V, một số chợ ở Thuận Giao đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ông Nguyễn Giao Đoàn (SN 1963), có nhà đối diện cổng chợ Bình Thuận, KP.Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, phản ánh: “Trong nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở xung quanh khu vực chợ Bình Thuận phải sống trong bầu không khí bị ô nhiễm từ rác thải và nước thải của chợ. Bởi điểm tập kết rác chợ nằm ngay trên vệ đường thường xuyên xuất hiện nhiều dòi, nhặng. Nguyên nhân là do 4 thùng chứa rác ở chợ không đủ sức chứa, rác chất thành đống. Mặc khác, chủ thu gom rác không chịu lấy rác đúng theo giờ, khiến rác tồn đọng gần một tuần gây ô nhiễm”.

Theo ông Đoàn, thông qua nhiều buổi họp tại khu phố, họp tiếp xúc cử tri có sự hiện diện của lãnh đạo UBND phường, những hộ dân này đã phản ánh rất quyết liệt về việc môi trường bị xâm hại ngay tại chợ Bình Thuận. Thế nhưng mọi việc đều không được khắc phục. “Chúng tôi thường xuyên chứng kiến cảnh dòi, nhặng, muỗi từ điểm tập kết rác chợ Bình Thuận tấn công vào nhà ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân”, ông Đoàn ngán ngẩm cho biết.

Từ thông tin người dân cung cấp về việc chợ Bình Thuận 2 bị ô nhiễm, P.V đã đến chợ này để tìm hiểu nguyên nhân. Qua tìm hiểu, nguyên nhân khiến chợ này bị ô nhiễm là do chủ chợ không hề

Rác chất thành đống trước chợ Bình Thuận 2

 trang bị thùng chứa rác nên tiểu thương trong chợ đem rác ra vệ đường chất thành đống to. Mặt khác, hệ thống thoát nước ở chợ này không được bảo đảm khiến nước rửa cá, thịt của tiểu thương trong chợ chảy ra ngoài bốc mùi tanh hôi gây ô nhiễm. Một chủ tiệm sửa xe máy trước cổng chợ này đặt câu hỏi: “Điều khiến chúng tôi thấy khó hiểu là khi cấp phép cho chợ Bình Thuận 2 đi vào hoạt động, ngành chức năng, chính quyền địa phương có bắt buộc chủ chợ phải tự đầu tư thùng chứa rác đúng theo quy định hay không? Chứ thực tế là chợ không có thùng chứa rác, rác được tiểu thương trong chợ chất thành đống ngoài trời, cộng với việc thu gom rác thải còn nhiều bất cập nên “núi rác” này sinh ra dòi. Dòi bò đi khắp nơi. Nghĩa là môi trường tại đây đã bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Người dân chúng tôi mong muốn lãnh đạo, chính quyền địa phương phường Thuận Giao quan tâm đến tình trạng này”.

Họp chợ trên đường gây ô nhiễm

Ngoài những ngôi chợ chính thức, các ngôi chợ tự phát cũng “góp tay” khiến cho môi trường bị ô nhiễm. Việc tụ tập buôn bán dưới lòng đường gây ra nhiều bất cập như: Mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Về thực trạng họp chợ ngay dưới lòng đường thì hiện nay phường Thuận Giao đang là “điểm nóng” của TX.Thuận An.

Cụ thể như, trong nhiều năm nay, đường Thuận Giao 22, thuộc KP.Hòa Lân 2; đường D10, dài chừng 200m, nằm trên địa bàn KP.Bình Thuận 2, phường Thuận Giao có rất nhiều người tổ chức bày bán ngay dưới lòng đường. Theo ghi nhận của P.V, trong giờ cao điểm, ngay tại đoạn đường này thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông, nhiều tiểu thương đã vứt rác bừa bãi, đổ nước rửa cá, rửa thịt chảy thành dòng ngoài đường, bốc mùi tanh nồng.

Làm việc với P.V về những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường cũng như việc triển khai công tác lập lại trật tự văn minh đô thị tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, cho rằng: “Để đô thị của phường đi vào nề nếp, thời gian qua lực lượng Công an phường thường xuyên tổ chức tuần tra, đẩy đuổi đối với những người buôn bán trên đường D10 và nhiều nơi khác trên địa bàn phường để lập lại trật tự đô thị. Nhờ đó tình hình tại địa phương đã ổn định hơn nhiều so với trước”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy phường Thuận Giao vẫn còn là “điểm nóng” về việc người dân tụ tập họp chợ trên đường, gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường.

 Để rác tồn đọng gây ô nhiễm, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo địa phương

Liên quan đến công tác giữ gìn vệ sinh môi trường tại các chợ trên địa bàn TX.Thuận An nói chung, phường Thuận Giao nói riêng, ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, cho biết: “Từ thực tế hiện nay cho thấy, môi trường ở một số chợ trên địa bàn TX.Thuận An có dấu hiệu bị ô nhiễm từ nước và rác thải chợ. Riêng đối với phường Thuận Giao, không riêng gì chợ đã bị ô nhiễm như P.V đã phản ánh, mà hiện nay trên nhiều tuyến đường, nhiều khu phố đang xuất hiện nhiều đống rác thải sinh hoạt là điều có thật. Việc để rác tồn đọng gây ô nhiễm môi trường tại phường Thuận Giao, trách nhiệm thuộc về cán bộ phụ trách môi trường, lãnh đạo chính quyền địa phương”.

 

Bài 2: Hệ thống thoát nước xuống cấp…

 

 THỦY TRINH - THANH QUANG