Cân gian “móc túi” người tiêu dùng – Kỳ 2
Kỳ 2: Thâm nhập lò “độ” cân
Chỉ cần 20.000 đồng, các tiểu thương buôn bán nhỏ có thể thuê “độ” một cái cân ăn gian vài lạng. Còn nếu bỏ ra một số tiền từ vài trăm ngàn trở lên mua một cân điện tử loại lớn và được “phù phép”, các chủ vựa trái cây, sắt thép, phế liệu… có thể ăn gian từ vài kg cho đến hàng chục kg mà người khác không hề hay biết. P.V đã thâm nhập một lò “độ” cân để vạch trần thủ thuật này.
Th. đang “độ” lại cân theo yêu cầu của khách. Ảnh: N.HẬU
Nhiều mánh khóe
Khi biết chúng tôi muốn mua một cân “độ”, một số tiểu thương bán trái cây dạo gần khu vực vòng xoay An Phú (phường An Phú, TX.Thuận An) giới thiệu đến cửa hàng Tr.E. (tại KP3, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) để mua. Đây là một tiệm chuyên buôn bán, sửa chữa cân theo yêu cầu.
Chúng tôi vừa vào tiệm liền được một người phụ nữ trẻ đon đả: “Em muốn mua cân loại nào? Ở đây tùy theo trọng lượng cân mà quy ra tiền. Loại 5kg thì 150.000 đồng, loại 15kg thì gần 350.000 đồng”. Chúng tôi nói muốn mua cân 5kg về bán trái cây dạo và muốn ký thêm “ngon” một tí để có lời. Hiểu ý, người phụ nữ này nhanh nhảu đáp: “Chị hiểu rồi, em tìm đúng chỗ rồi đó. Theo chị, em đừng mua loại cân này, không “ngon” cho lắm mà cũng dễ bị phát hiện nữa. Nhiều khi, người mua với số lượng lớn thì cũng không tiện lắm. Em nên mua loại 15kg, chị thấy mọi người hay chọn loại này. Thêm có 200.000 đồng à!”. Chúng tôi đồng ý mua loại cân này và yêu cầu chỉnh 2 lạng. Người phụ nữ lấy ra một chiếc cân 15kg khui thùng rồi mở vít, cắt niêm chì và lôi từ trong cân ra một lò xo và thay vào một lò xo khác đã được chuẩn bị sẵn. Chúng tôi thắc mắc, chị cười bảo: “Muốn cân “già”, mình phải cắt lò xo ngắn lại, tùy theo khối lượng ăn gian. Như vậy người mua sẽ ăn gian người bán được 2 lạng/kg. Ngược lại, lò xo bị kéo dãn và mài mỏng đi, người bán sẽ ăn gian người mua 2 lạng/kg. Muốn “ăn” nhiều hơn nữa thì phải mài lo xo nhiều. Nhưng vừa phải thôi, mài mỏng quá cân mau hư”.
Mất 15 phút để chỉnh và lắp lại cân, để chứng minh cân đã “ngon”, chị này lấy một cân đạt chuẩn ra rồi dùng một bình ắc
quy để cân. Kim của cân chỉ gần 6kg. Khi dùng cân đã được chỉnh để cân lại, kim đồ hồ nhảy đến 7,2kg. Sau đó chị này hàn niêm chì lại. Nếu nhìn sơ qua, thì khó có thể biết cân đã bị “phù phép”. “Vậy là “ngon” rồi đó em! Cộng cả tiền cân và tiền chỉnh hết 370.000 đồng. Cân có trục trặc gì, em cứ mang đến chị sửa cho!”, chủ cửa hàng nhắn nhủ.
Sau khi đưa tiền cho người bán, chúng tôi lấy cớ có một người bạn đang chuẩn bị mở vựa gạo và muốn tìm cân bàn “ngon”, nhờ chị ta tư vấn. Không bỏ lỡ cơ hội, chị này hào hứng tư vấn: “Cân loại này em phải đặt hàng trước với giá khoảng 3 triệu đồng trở lên tùy khối lượng. Chị không làm cân này nhưng chồng chị làm. Anh ấy chỉnh lại lò xo và một số chi tiết khác là cân “ngon” khỏi chê. Cân sau khi đã “độ”, nếu đặt hàng chính giữa bàn cân thì số cân vẫn đủ, chính xác, nếu kéo hàng về phía bên phải hay trái thì sẽ “ăn” một lạng hoặc hơn. Cân này thường được các vựa kinh doanh lớn yêu cầu làm để tránh kiểm tra đột xuất của công an kinh tế hay quản lý thị trường. Khách hàng nào trả đúng giá thì cân đủ, trả thấp thì kéo qua một bên để cân thiếu. Còn đối với cân điện tử, cũng có “bài độ” riêng, đây là bí quyết của chồng chị. Chị cũng không rành lắm”.
“Bấm nút” lấy tiền
Chúng tôi tiếp tục tìm đến một cơ sở chuyên bán cân điện tử và các thiết bị đo lường tên T.H.P. trên đường ĐT743A, đoạn qua KP Bình Đức, phường Bình Hòa, TX.Thuận An. Tại đây chuyên bán nhiều loại cân cũ và luôn có một nhóm thợ túc trực, sẵn sàng “độ” cân tăng giảm theo yêu cầu của khách.
Chúng tôi mang cân đã “độ” trước đó yêu cầu chỉnh “non” thêm một lạng. Được khách yêu cầu, ông chủ tiệm cân gọi điện cho một thanh niên tên Th. đến để chỉnh cân cho chúng tôi. Khoảng 3 phút sau, thanh niên này đến và mang cân của chúng tôi đến một dãy phòng trọ gần đó. Tại đây, có một phòng trọ được dùng làm kho chứa hàng trăm cân lò xo lớn nhỏ. Trong đó, có nhiều cái đang được Th. tân trang lại. Th. lấy kìm cắt niêm chì và tháo ốc vít của cân ra, rồi lấy lò xo mài mỏng với thao tác khá thuần thục. Thấy chúng tôi tỏ ra quan tâm, Th. xua tay kêu ra ngoài để anh ta yên tâm “tác nghiệp”!
Lúc này, tại tiệm ông H. đang cặm cụi “sửa” lại một bàn cân điện tử. Chúng tôi hỏi loại cân này có thể “độ” được không, ông H. phì cười: “Cân nào mà chẳng làm được. Loại này thì khó hơn. Dùng máy móc chứ không phải thủ công. Bàn cân điện tử này giá từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Nếu chỉnh thì chỉ được một mức để “ăn” thôi, nhưng khó bị phát hiện. Giá độ sẽ cao đấy! Chiêu thức vặn, kéo, mài làm giãn lò xo đàn hồi của cân sẽ tăng thêm số kg nhưng không đáng kể và đã lỗi thời. Cân “độ” bây giờ được điều khiển từ xa bằng remote. Chủ muốn “ăn” (số kg) bao nhiêu thì chỉ cần bấm nút, không muốn “ăn” thì thôi”.
Ông H. giải thích thêm: “Nếu độ cho cân loại này, giá độ điện tử và cả cân là 4,5 triệu đồng. Loại cân lò xo, chúng tôi sẽ lắp ráp một bo mạch điện tử do thợ của tiệm tự chế tạo và một bộ bơm thủy lực kéo đẩy cân để bo mạch điều khiển… và nhiều món lắm, kể ra không hết đâu. Tất cả được ráp trong lòng cân lò xo, sau đó chúng tôi có chì niêm phong giống 100% của chính hãng cân để bấm lại cho khách hàng. Tiệm sẽ trang bị cho chủ cân một cái điều khiển bí mật nhỏ bằng thẻ xe. Khi cần, chủ có thể đứng cách xa 5m vẫn có thể điều khiển được cân”. Theo ông H., “độ” cân bằng điện tử và điều khiển từ xa rất được chuộng, tuy giá cao nhưng với nhiều cơ sở mua vải kg, đại lý mua bán sắt thép, phế liệu... số tiền đầu tư ban đầu chẳng là bao so với số tiền cân sẽ “nuốt” lại cho chủ. Loại cân lò xo có bo mạch điện tử có lợi thế là chủ có thể điều khiển được hai mức độ “ăn” hoặc hụt cân. Cụ thể, nếu cân loại bao vải 50kg bán cho khách, ở mức độ tăng đầu tiên cân sẽ nhảy 52kg, mức thứ hai cân có thể nhảy 55kg. Ngược lại, nếu là đại lý thu hàng vào, tiệm sẽ chỉnh hụt cân tương tự. Nếu bị kiểm tra hoặc đặt cân thử vẫn không thể phát hiện đối với loại cân “độ” bằng bo mạch điện tử này.
(BDO) NGUYỄN HẬU
Kỳ 3: Cơ quan chức năng nói gì?