Cân gian “móc túi” người tiêu dùng-Kỳ 1

Thứ năm, ngày 23/07/2015

Kỳ 1: Đủ trò qua mặt người mua

(BDO)

Trong vai một người tiêu dùng, P.V đã đi đến nhiều chợ, tuyến đường và phía trước các cổng công ty để mua hàng. Sau khi mua, chúng tôi cân lại bằng cân mới đạt chuẩn và phát hiện mỗi ký hàng hóa, người bán ăn gian người mua từ 1 lạng cho đến 3 lạng. Nguyên nhân là do người bán sử dụng cân “độ” để bán hàng. Tình trạng này diễn ra rất phổ biến, khiến không ít người dân bức xúc.

Gian lận giữa ban ngày

Chị Mai Thu Lý, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Yazaki (P.Dĩ An, TX.Dĩ An) bức xúc: “Tan ca, tôi muốn mua một ít trái cây về ăn. Thấy trước cổng công ty có nhiều xe bán trái cây có giá mềm nên tôi mua 1kg nho với giá 15.000 đồng. Cầm bịch nho trong tay, tôi khẳng định với người bán hàng rằng số nho này không đủ 1kg. Sau một hồi “võ mồm”, thấy tôi nói sẽ mượn cân để cân đối chứng thì người này mới hạ giọng: “Chị thông cảm, tụi em treo giá như vậy là để thu hút khách nên phải chỉnh cân để không bị lỗ vốn. Nếu chị mua đủ ký thì em tính 35.000 đồng/kg vậy. Bình thường khách hàng trả giá nào tụi em cũng bán, nhưng phải chỉnh cân để bán mới được!”.

 Người bán cân 2kg bơ cho người mua nhưng khi cân đối chứng lại chỉ còn 1,6kg

Còn dọc các tuyến đường Nguyễn An Ninh, Cô Giang (P.Dĩ An, TX.Dĩ An)… có hàng chục điểm bán hàng tự phát “ăn theo” chợ Dĩ An. Nhiều tiểu thương kinh doanh trong sạp chợ bức xúc, phản ánh rằng chính các điểm bán tự phát dọc tuyến đường này đã chặn mất khách hàng, khiến việc kinh doanh của họ gặp khó khăn hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng, một tiểu thương chuyên kinh doanh rau củ tại chợ Dĩ An, than: “Tuyến đường Cô Giang là một trong những tuyến chính dẫn vào chợ, tuy nhiên tuyến này thường xuyên bị kẹt xe vào giờ cao điểm do những xe đẩy trái cây bán dưới lòng đường. Đã vậy những người này bán hàng chất lượng kém, cân thiếu, làm ảnh hưởng uy tín của tiểu thương trong chợ”.

Anh Trương Quang Linh, bức xúc kể: “Chiều 20-7, tôi mua 2kg táo Mỹ của một người bán dạo bằng xe đẩy trên đường Nguyễn An Ninh, phía trước chợ Dĩ An với giá 100.000 đồng. Táo có dán tem đầy đủ. Không ngờ về cân lại chỉ còn 1,6kg. Nhẩm tính, tôi bị móc túi 20.000 đồng. Trong khi cũng loại táo này, vợ tôi mua tại siêu thị giá chưa tới 60.000 đồng/kg. Lần sau rút kinh nghiệm, tôi sẽ cân nhắc khi mua hàng của người bán hàng rong. Vào siêu thị mua mất một tí mà không tức khi bị “móc túi” trước mặt”.

1kg còn 8 lạng

Từ những thông tin phản ánh trên, P.V tìm mua một chiếc cân mới đạt chuẩn và tiến hành “khảo sát” ở một số địa điểm.

Tại góc ngã ba Cây Lơn, gần chợ Đông Hòa (P.Đông Hòa, TX.Dĩ An) một chị bán bơ để bảng 15.000 đồng/kg. P.V mua 2kg với lời nhắn nhủ “Nhớ cân đủ nha chị” thì nhận được câu trả lời: “Em yên tâm! Chị bao ngọt, bao cân, không mất của em đâu mà lo”.

Vừa nói, người bán vừa lấy bơ bỏ vào rổ đem cân. Kim của chiếc cân đồng hồ dừng lại ở 2kg. Chúng tôi yêu cầu cân lại lần nữa, chị này tỏ vẻ khó chịu nhưng vẫn khẳng định: “Nếu cân lại lần nữa mà dư là chị lấy lại đó nghen”. Kết quả, vẫn là 2kg, nhưng khi chúng tôi dùng chiếc cân của mình cân lại thì chỉ còn 1,6kg. Thấy chúng tôi phản ứng, người bán lúng túng rồi nhẹ giọng: “Em thông cảm! Chị bán không lời là bao vì trái cây bán nhiều ngày không hết thường bị hao hụt. Chứ chị bán rẻ nhiều so với giá ở ngoài. Thú thật, cân của chị đúng là 1kg thành 1,2kg. Bán với giá rẻ như vậy mà không dùng cân này thì sao mà có lời được”(?!).

Tại một xe bán trái cây trên đường Nguyễn An Ninh, gần chợ Dĩ An, chúng tôi hỏi mua 1kg chôm chôm của một người phụ nữ đứng tuổi và yêu cầu cân đúng. Thấy chúng tôi lấy cân đối chứng ra để cân lại thì người bán nói nhỏ: “Thôi chết, em đừng làm vậy chị mang tiếng. Mong em bỏ qua để chị còn có miếng cơm. Thật ra, 1kg chôm chôm này chỉ còn 8 lạng thôi. Để chị cân lại cho em”, người bán hàng thú thật.

Tại TX.Thuận An, P.V tìm đến một xe trái cây trên đường ĐT743, gần chợ An Phú (P.An Phú) hỏi mua 1kg nhãn. Sau một hồi kỳ kèo ngã giá và yêu cầu cân phải chính xác, chị bán hàng nói chắc nịch: “Em yên tâm! Chị buôn bán đàng hoàng”. Thế nhưng, khi nhận 1kg nhãn của người này, chúng tôi bỏ lên chiếc cân mang theo thì chỉ có 8 lạng. Thấy vậy, chị này nhẹ nhàng: “Xin lỗi hai em, để chị cân lại!”.

Tại đường D1, KCN Đông An (P.Bình Hòa) vào chiều tối cũng có nhiều xe bán trái cây tụ về “xả hàng” cho công nhân tan ca trước các cổng công ty. Chị Phụng (quê Ninh Thuận), người có nhiều năm trong nghề bán trái cây dạo, chia sẻ: “Mua của những người bán dạo em trả giá nào họ cũng bán. Bán giá thấp thì họ cân thiếu để bù lại thôi”.

Trên đường 22-12 (đoạn qua P.Thuận Giao), cũng có hàng chục người bán hàng rong từ nhiều nơi hối hả tập trung về buôn bán vào giờ tan tầm của công nhân. Chúng tôi mua 3kg thanh long, nhưng khi cân lại thì chỉ còn 2,4kg. Bị phản ứng, người bán hàng không chịu xin lỗi mà còn lên tiếng hăm dọa. 

Cân đối chứng cất… trong kho

Theo Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 15-12-2011, Ban quản lý các chợ, thương nhân kinh doanh trong chợ và các trung tâm thương mại có trách nhiệm đặt và duy trì hoạt động của cân đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, trung tâm thương mại, để người tiêu dùng có thể tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa. Thế nhưng qua ghi nhận thực tế, không ít chợ truyền thống bày cân đối chứng chỉ để làm cảnh; thậm chí, có chợ đã thu hồi cân về bỏ vào trong kho với lý do khách hàng ít dùng nên cất cho khỏi vướng.

Khi P.V đến chợ Lái Thiêu (P.Lái Thiêu, TX.Thuận An) hỏi về nơi đặt cân đối chứng, hầu như ai cũng lắc đầu không biết. Thậm chí có người còn ngạc nhiên hỏi lại “Cân đối chứng là sao?”. Trao đổi với P.V, ông Trần Kim Sơn, Phó ban Quản lý chợ Lái Thiêu, cho rằng: “Lúc trước, chúng tôi có đặt cân đối chứng tại trung tâm chợ nhưng rất ít người dân sử dụng. Do lâu không sử dụng, giờ cân cũng đã bị hư hỏng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiến nghị lên UBND phường để thay thế cân mới”.

Ở chợ An Phú (P.An Phú, TX.Thuận An), chợ Dĩ An (P.Dĩ An, TX.Dĩ An) và chợ Đông Hòa (P.Đông Hòa, TX.Dĩ An)… cân đối chứng thì bị hư hỏng hoặc được Ban quản lý chợ cất… trong kho.


Kỳ 2: Thâm nhập lò “độ” cân

NGUYỄN HẬU