Bức tranh đa sắc của du lịch Việt Nam năm 2024 - nhìn từ những con số

Thứ năm, ngày 26/12/2024

(BDO) Năm 2024 chưa khép lại nhưng những con số thống kê ấn tượng cho thấy đây là năm khởi sắc của ngành du lịch, khẳng định sự phục hồi và bứt phá mạnh, hứa hẹn ngành công nghiệp không khói này năm sau.

Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội.

Năm 2024, ngành Du lịch được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhiều hoạt động du lịch lớn đã được tổ chức ở trong nước và quốc tế.

Kết quả, ngành Du lịch đã đạt được nhiều chỉ tiêu ấn tượng về lượt khách và doanh thu, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và tăng trưởng của Việt Nam.

Hoàn thành các chỉ tiêu

Năm 2024, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chủ động đồng hành với các địa phương tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, tập trung phát triển du lịch hướng tới sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn. Nhờ đó, Việt Nam đã tiếp tục khẳng định uy tín về điểm đến an toàn, thân thiện trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Tổng kết về những điểm sáng của du lịch Việt Nam năm qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên Bộ tổ chức thành công Chương trình xúc tiến du lịch-điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề "Việt Nam-Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới."

Sự kiện nhận được đánh giá cao từ phía Hoa Kỳ và các nhà làm phim tinh hoa của thế giới. Sau hội nghị, nhiều biên bản hợp tác đã được ký kết và có ít nhất 5 đoàn làm phim quốc tế sẽ đến Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện lớn được tổ chức thành công đã để lại tiếng vang lớn trong giới doanh nghiệp và bạn bè du khách quốc tế về tiềm năng du lịch của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch nông thôn, du lịch điện ảnh, du lịch khám phá. Năm 2024, Bộ đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến du lịch tại Trung Quốc, các nước châu Âu, Liên bang Nga với cách triển khai sáng tạo, để lại dấu ấn tốt đẹp và mang lại hiệu quả rõ nét trong thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt Nam.

Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ I tại Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, Năm Du lịch quốc gia 2024 được tổ chức tại tỉnh Điện Biên, cùng với đó là chuỗi các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các địa bàn trọng điểm đã thúc đẩy tăng trưởng du lịch ở hầu hết các chỉ số: số lượng khách, doanh thu, lưu trú, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng…

Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt-Việt Nam tôi yêu” được nhiều địa phương triển khai, tổ chức nhằm thu hút du khách, giới thiệu các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của du khác. Chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường sạch sẽ, văn minh cho hoạt động du lịch… được ngành Du lịch chú trọng nâng cao.

Từ triển khai hoạt động thực tế, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch tiêu biểu, thông minh, sáng tạo theo hướng xanh và bền vững. Đây là những gam mầu nổi bật tươi sáng trong bức tranh du lịch tổng thể của Việt Nam như Hà Nội-Đến để yêu, Đà Nẵng-Khơi nguồn hạnh phúc, Quảng Ninh-Nụ cười Hạ Long, Thành phố Hồ Chí Minh-Xanh trên mỗi hành trình…

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ việc làm mới sản phẩm du lịch dựa trên những thế mạnh của thành phố là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Việc xây dựng những tuyến tour, những sản phẩm du lịch có chất lượng và có nhiều giá trị trải nghiệm, tăng độ hài lòng cho khách, đó chính là các yếu tố quyết định tăng độ hài lòng của khách, thu hút, níu chân du khách đến với các điểm du lịch.

Để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung triển khai ứng dụng công nghệ số phát triển nền tảng số, các ứng dụng như phát triển, nâng cấp ứng dụng du lịch quốc gia Du lịch Việt Nam-Vietnam Travel, nền tảng số quốc gia quản trị và kinh doanh du lịch; triển khai hệ thống vé điện tử “Trực tuyến-liên thông - đa phương thức,” hệ thống thuyết minh đa phương tiện. Đồng thời, tài liệu thông tin du lịch hằng tháng được xây dựng nhằm giới thiệu các nội dung chính về kết quả hoạt động đón khách du lịch kèm phân tích chuyên sâu về thị trường, xu hướng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam trên mạng Internet.

Đặc biệt, Việt Nam triển khai chính sách cấp thị thực điện tử áp dụng cho công dân tất cả các nước với thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày, cùng với việc mở rộng miễn thị thực đơn phương và nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày, đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ lữ hành Saigontourist, chia sẻ năm 2024, chính sách mới, thông thoáng hơn về visa với du khách quốc tế đã mang đến bước nhảy vọt về lượng khách và doanh thu từ nguồn khách quốc tế. Những quốc gia đã được mở cửa 45 ngày visa ghi nhận tăng trưởng lượt khách lên đến 20% với doanh nghiệp.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo, ngành Du lịch Việt Nam năm 2024 đã đạt được nhiều con số ấn tượng, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,5 triệu lượt (tăng 38,9%); khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt (tăng 1,6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng (tăng 23,8%).

Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards-WTA) tiếp tục tôn vinh Việt Nam ở 3 hạng mục: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu châu Á và Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á.

Trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 2024 khép lại với nhiều niềm vui, tự hào và phấn khởi của người làm du lịch trong nước. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở, làm thế nào để biến những tiềm năng du lịch Việt thành sản phẩm thực tế và hút khách, làm thế nào để du lịch Việt cất cánh trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2025, ngành Du lịch đặt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước dịch COVID-19; phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa và duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9% mỗi năm.

Ngành cũng đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP với 980-1.050 tỷ đồng doanh thu, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp. Đến năm 2030, du lịch đặt mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nêu rõ để đạt được mục tiêu về tăng trưởng thị trường quốc tế, ngành Du lịch Việt Nam sẽ lựa chọn thị trường theo các tiêu chí: thị trường được miễn thị thực nhập cảnh; có kết nối đường bay thuận lợi; có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, có chất lượng. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Việt Nam cần phối hợp với các bên liên quan để tháo gỡ những nút thắt về thể chế phát triển, những điểm nghẽn về kìm hãm đầu tư phát triển du lịch.

Trước thềm năm mới 2025, ngành Du lịch Việt Nam kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để khai thác tối đa các cơ hội và tiềm năng, qua đó góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế trong thời gian tới; tăng cường kết nối, phối hợp tổ chức các sự kiện “Ngày/Tuần Văn hóa Việt Nam” tại nước ngoài để vừa quảng bá văn hóa, vừa xúc tiến du lịch và thúc đẩy hợp tác thể thao. Đồng thời tích cực khai thác truyền thông số trong việc quảng bá văn hóa Việt, đề xuất hợp tác với các nền tảng truyền thông lớn quốc tế để xây dựng hình ảnh Việt Nam thịnh vượng, giàu bản sắc.

Ngành Du lịch cũng sẽ tập trung khai thác, mở rộng nhiều thị trường trọng điểm và tiềm năng; xây dựng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao như du lịch hội nghị (MICE), du lịch golf…; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam./.

Theo TTXVN