Bình yên một ngôi chùa cổ

Thứ bảy, ngày 23/05/2020

(BDO) Bình Dương là vùng đất có nhiều chùa chiền. Ngoài là nơi sinh hoạt văn hóa Phật giáo, một số ngôi chùa còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật và lịch sử hết sức ý nghĩa. Một trong những ngôi chùa cổ trên đất Bình Dương đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, đó là chùa Long Hưng (còn gọi là chùa tổ Long Hưng hay chùa Tổ Đỉa)...


Một góc di tích lịch sử chùa Long Hưng hôm nay

Lịch sử hình thành

Từ TP.Thủ Dầu Một, dọc theo đại lộ Bình Dương hướng về TX.Bến Cát đến đoạn khu phố 4, phường Tân Định chúng ta sẽ bắt gặp một cái bảng đề tên “Chùa tổ Long Hưng”. Từ đó, men theo con hẻm nhỏ chạy thêm chừng 500m sẽ đến với chùa tổ Long Hưng. Bỏ qua những ồn ào phố thị bên ngoài, đến với ngôi chùa này, chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình yên, êm ả của cảnh vật nơi chốn quê. Đến đây, có dịp tìm hiểu về lịch sử hình thành, gắn bó với cách mạng của ngôi chùa này sẽ càng thấy thú vị hơn.

Theo Đại đức Thích Thiện Hưng, Trụ trì chùa tổ Long Hưng, chùa do Thiền sư Đạo Trung - Thiện Hiếu (tổ sư) khai sơn vào năm 1768. Lúc đầu, chùa chỉ là một cái am nhỏ. Cùng với thời gian, chùa được sửa chữa, trùng tu nhiều lần mới có cơ ngơi như ngày hôm nay.

Đến với chùa Long Hưng, mọi người sẽ nghe kể về nhiều giai thoại gắn với ngôi chùa này. Trong đó có giai thoại về vị thiền sư đã tự nguyện hiến thân xác của mình cho đỉa hút máu để đổi lấy sự bình yên cho dân làng trong những ngày đầu đến đây khai hoang lập ấp. Tương truyền, khoảng gần 300 năm trước, nơi đây là vùng đất hoang vu với những đầm lầy. Đất đai rộng lớn, màu mỡ nhưng lại bỏ hoang vì dưới đầm có rất nhiều đỉa nên dân chúng không dám lội xuống cải tạo, trồng trọt. Lúc này, Thiền sư Thiện Hiếu trên đường truyền đạo đã dừng chân chốn này và lập am nhỏ để tu hành. Nghe tin thiền sư là người có đạo hạnh, phật pháp uyên thâm nên dân làng tìm đến nhờ ngài tìm cách xua đuổi đỉa, để dân chúng có thể cày cấy làm ruộng bình thường mà không sợ bị đỉa làm hại. Để giúp dân chúng, thiền sư đã tự nguyện hiến thân xác cho bầy đỉa đói hút máu. Trong bầy đỉa đó có một con màu trắng rất to (đỉa chúa) bò lên đầu thầy để hút máu. Thiền sư vẫn ngồi thiền định và tụng niệm. Một lúc sau thì con đỉa đó lăn ra chết, những con đỉa khác cũng chết theo. Từ hôm đó, đỉa ở vùng đất rộng lớn cũng giảm dần. Nhờ đó, người dân mới yên tâm xuống bưng cày cấy làm ruộng, cuộc sống cũng ngày sung túc hơn.

Và để tri ân đối với vị thiền sư ấy, dân làng đã đóng góp lập chùa và đặt tên là Long Hưng tự. Dân làng tôn ngài là Tổ Đỉa vì ngài đã có công đuổi đỉa, giúp dân làng có ruộng để trồng trọt, ổn định cuộc sống. Có lẽ cũng vì thế mà chùa còn có tên gọi là chùa Tổ Đỉa. Năm 1799, Thiền sư Thiện Hiếu viên tịch tại chùa.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Ngoài lưu truyền giai thoại trên, trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, chùa Long Hưng còn được biết đến là một trong những cơ sở nuôi giấu, tiếp tế tích cực cho cách mạng. Theo những ghi chép của Bảo tàng tỉnh về di tích này, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Long Hưng là cơ sở hoạt động cách mạng của chiến sĩ và nhân dân Tân Định; 3 lần góp phần đánh thắng địch tại bót Cầu Định. Đến thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chùa Long Hưng là cơ sở trọng yếu tiếp tế lương thực, thuốc men... cho lực lượng cách mạng địa phương. Những hỗ trợ tích cực đó đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Đến nay, chùa Long Hưng đã trải qua nhiều đời trụ trì. Năm 1966, ngôi chánh điện của chùa bị phá nát hoàn toàn do bom đạn chiến tranh. Do hư hỏng và bị chiến tranh tàn phá, chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Ngôi chùa hiện nay mới được trùng tu, tôn tạo lại sau này nên không còn mang dáng dấp của ngôi chùa cũ. Tuy nhiên, chùa vẫn được người dân nơi đây và khách hành hương nhiều nơi khác tìm về mỗi khi có dịp.

Năm 2005, chùa được xếp hạng công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến nay, chùa đã có hơn 250 năm hình thành và phát triển. Ngoài là nơi sinh hoạt văn hóa Phật giáo, hàng năm chùa còn tổ chức nhiều đợt từ thiện xã hội, như tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tặng quà cho người dân nghèo vào dịp tết, rằm tháng bảy... góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

CẨM LÝ