Bệnh sởi - biết đúng để phòng tránh: Chăm sóc và điều trị

Thứ ba, ngày 18/11/2014

(BDO) Kỳ 3: Chăm sóc và điều trị

Cần phát hiện sớm và phân biệt đúng giữa bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác để có hướng điều trị tích cực, không gây biến chứng. Đây là vấn đề quan trọng trong chăm sóc, điều trị bệnh sởi.

Tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng khi trẻ mắc bệnh. Uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng ăn quá mức. Tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh nhiễm trùng cơ hội. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, người dân cần thực hiện các biện pháp như: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Che miệng khi ho, hắt hơi. Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.

Các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ những hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh. Cần phân biệt sởi với các phát ban dạng sởi. Các triệu chứng của bệnh sởi rất dễ nhầm với biểu hiện của bệnh rubella (hay còn gọi là bệnh sởi Đức). Hơn nữa, các phát ban của sởi có thể nhầm với các phát ban dạng dị ứng, do vậy bệnh nhân thường chủ quan.

Để phân biệt bệnh sởi và bệnh rubella cần lưu ý:

Giai đoạn ủ bệnh: Ở bệnh rubella từ 1 - 2 ngày, sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp nhẹ, dấu hiệu nhiễm độc không rõ. Ở bệnh sởi từ 2 - 4 ngày, sốt và triệu chứng hô hấp trung bình đến nặng.

Thời gian ban tồn tại: Ở bệnh rubella khoảng 1 - 2 ngày, ban màu đỏ tươi; còn ở bệnh sởi khoảng 3 - 5 ngày, ban màu đỏ sẫm hoặc nâu trước khi mờ dần. Ban trong bệnh rubella dát sẩn dạng sởi nhưng thường nhỏ hơn, mọc thưa hơn và mọc sớm ngay từ ngày thứ 1 - 2, mọc cùng lúc, khi bay để lại vết thâm.

So sánh nốt ban sởi và nốt ban do dị ứng: Nốt ban do dị ứng mọc toàn thân không theo thứ tự (ban ở bệnh sởi thường mọc từ mặt, đầu rồi lan xuống tay, toàn thân và chân), thường rất ngứa, việc nổi ban do dị ứng có nguyên nhân cụ thể do yếu tố thời tiết, dị ứng thức ăn, dùng thuốc… (Còn tiếp)

Kỳ cuối: Đối tượng dễ mắc và ảnh hưởng đối với phụ nữ mang thai

HƯƠNG CẦN