Báo Australia gọi bò cuốn lá lốt là một món ăn "ngon nhất hành tinh"

Thứ bảy, ngày 04/11/2023

(BDO)

Lá lốt rất phổ biến trong ẩm thực Việt Nam.

Mới đây, tờ The Sydney Morning Herald, một tờ báo hàng đầu của Australia đã có bài viết đánh giá về món bò nướng lá lốt của Việt Nam, gọi đó là “một trong những món ăn ngon nhất hành tinh.”

Bài viết của tác giả Ben Groundwater, một nhà văn, nhà báo và là cây bút viết về du lịch của tờ tạp chí có trụ sở tại Sydney này. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm viết về ẩm thực và rượu.

Theo Ben Groundwater, cách mô tả đơn giản và dễ nhớ nhất của món ăn này là “beef in a leaf” (thịt bò gói trong lá). Ông cũng đồng thời cung cấp cách gọi chính xác của món ăn này bằng tiếng Việt là “thịt bò nướng lá lốt,” còn đối với những người nói tiếng Anh, họ thường gọi tắt nó là “bo la lot.”

Ông cũng mô tả cách thực hiện món ăn này. Đó là thịt bò đươc băm nhỏ trộn lẫn với các loại gia vị gồm hẹ, tỏi, tiêu đen, đường, nước mắm, dầu hào, mỳ chính, sau đó được cuốn lại cùng lá lốt và nướng. Món ăn này có độ ngon lý tưởng nhất khi đươc nướng trên than củi.

Sau đó, những cuốn thịt nhỏ thơm ngon này được rắc thêm lạc rang giã nhỏ và các loại rau thơm, rồi chấm với một loại nước sốt cá cơm lên men có vị cay và nồng, được gọi là mắm nêm.

Ông đánh giá sự hòa quyện giữa vị ngọt, mặn, chua, giòn và hơi ám khói đã khiến món ăn trở thành một trong những món "ngon nhất hành tinh."

Bò cuốn lá lốt có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, Ben Groundwater viết. Ông cũng cho rằng món ăn này thực chất có nguồn gốc từ Trung Đông, sau đó du nhập sang Ấn Độ rồi mới đến Việt Nam.

Từ xa xưa, các đầu bếp Trung Đông đã có phong tục cuộn thịt, cơm và các loại lá đã được tẩm gia vị khác trong lá nho để làm ra món ăn nhẹ được gọi là dolma.

Khi các thương nhân Trung Quốc đặt chân đến vùng Bengal của Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 9, món ăn này đã được truyền bá lại cho các đầu bếp Trung Quốc.

Những người này sau đó sang Đông Nam Á để giao thương, buôn bán, và họ lại một lần nữa mang món ăn này đến khu vực này.

Tuy nhiên, do cây nho không phải là giống cây bản địa phát triển tốt tại Việt Nam, nên người dân Việt Nam đã thay nho bằng lá lốt.

Để thưởng thức món ăn này tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ben Groundwater khuyên mọi người hãy tới quán Bò lá lốt Phương Cô Giang, một quán ăn khá lâu đời tại Quận 4.

Còn tại Australia, người dân Sydney có thể thưởng thức món bò cuốn lá lốt rất ngon tại quán Gia Định ở Marrickville. Tại Melbourne, hãy thử món này tại Việt Kitchen ở Footscray. Còn nếu sống ở Brisbane, bạn có thể thử món bò lá lốt tại Mister Bui Banh Mi.

Ben Groundwater cũng lưu ý những thực khách người Australia rằng trong thực đơn của người Australia, món bò lá lốt được dịch là “bò bọc lá trầu.” Nhưng trên thực tế, đây không phải là lá trầu.

Lá trầu có tên khoa học là “piper betle,” nghĩa là cỏ trầu. Trong khi đó, loại lá được dùng để làm món ăn này có hương vị tinh tế hơn nhiều, được gọi là “piper sarmentosum” - đôi khi được gọi là lá trầu hoang.

Tại Việt Nam, lá lốt là loại cây rất phổ biến, thường mọc tại những khu vực ít nắng và nhiều hơi ẩm. Lá lốt được sử dụng nhiều trong ẩm thực của người Việt Nam, có vị thơm nồng dịu nhẹ, được dùng để tăng hương vị cho món ăn.

Trong đó, chả lá lốt là món ăn phổ biến trong bữa ăn gia đình của người Việt, với cách làm tương tự bò cuốn lá lốt, nhưng sử dụng thịt lợn thay cho thịt bò.

Những món ăn dạng cuốn của Việt Nam rất được thực khách nước ngoài ưa chuộng, như gỏi cuốn, nem rán, phở cuốn, bởi sự tổng hòa của các loại nguyên liệu, gia vị kết hợp hài hòa với phần vỏ bọc bên ngoài, cũng như kích thước nhỏ gọn, dễ cầm, dễ ăn.

TastingTable, một website chuyên về ẩm thực, từng có bài viết nói về món nem rán (chả giò) của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vì sao món ăn này lại ngon và khó làm đến thế trong mắt người nước ngoài, đặc biệt ở công đoạn gói và rán nem.

Tuy nhiên, với bò cuốn lá lốt, các thực khách nước ngoài, và cả những người Việt Nam chưa từng thử qua món ăn này, đều có thể dễ dàng tự làm tại nhà với những nguyên liệu dễ tìm, cách thức chế biến đơn giản, nhưng hương vị lại thơm ngon vào bậc “nhất hành tinh” như đánh giá của cây bút Ben Groundwater./.

Theo TTXVN