Bánh bèo bì Bình Dương: Đặc sản nổi tiếng Việt Nam
Nguồn gốc bánh bèo bì Bình Dương
Được sự hướng dẫn của Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao TX.Thuận An Nguyễn Tấn Dũng, chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Ba (SN 1935, chủ quán bánh bèo bì Mỹ Liên, 189 đường ĐT745, khu phố Thạnh Hòa A, phường An Thạnh, TX.Thuận An) - nơi được xem là “cái nôi” của bánh bèo bì Bình Dương. Bà Ba, bộc bạch: Theo lời kể của mẹ bà (bà Nguyễn Thị Sáu), bánh bèo bì được bà ngoại (cách gọi của bà Ba) làm ra và lưu giữ đến thời mẹ bà, bà, các con bà. Như vậy gia đình bà 4 đời “sống chung” với nghề này. Mọi người trong gia đình bà không ai biết chính xác năm bà ngoại làm và bán bánh. Tất cả chỉ biết được rằng, thời bà ngoại bánh bèo được đổ trong chén nhỏ và buôn gánh bán bưng. Thời mẹ bà, bánh bắt đầu được đổ vào khuôn nhỏ.
“Theo lời kể của mẹ tôi, bà ngoại tôi mưu sinh nuôi gia đình bằng nghề đổ bánh bèo, trước lúc mẹ tôi được sinh ra. Sau đó, tiếng lành đồn xa, gánh hàng rong của ngoại được mọi người biết đến. Đến thời mẹ bà, gánh hàng rong đã được thay bằng quán bánh nhỏ tại chợ Búng”, bà Ba kể.
Theo tìm hiểu, trước đây, tiệm bánh bèo của gia đình bà không có tên. Sau đó, chồng bà Ba đã lấy hai cái tên đẹp nhất trong gia đình đặt cho quán. Đó là tên em gái bà Nguyễn Thị Liên, tên con Nguyễn Thị Mỹ, ghép hai tên thành quán Mỹ Liên. Anh Nguyễn Thành Danh (SN 1972, con trai bà Ba), nói: “Thời mẹ anh, quán bánh bèo của gia đình bắt đầu có tiếng trong vùng, để khách phương xa dễ dàng tìm đến, gia đình anh đã đặt tên quán. Ngoài ra, gia đình cũng muốn tạo thương hiệu riêng”.
Được biết, quán bánh bèo bì Mỹ Liên trước đây nằm trong chợ Búng và hợp tác với Nhà nước để làm ăn. Năm 1991, gia đình đã tự chủ nguồn vốn và về mở quán trên đường ĐT745 hiện nay.
“Tiến trình” làm bánh
Để có được đĩa bánh bèo bì ngon, phải trải qua các “tiến trình” công phu. Bởi, muốn làm được cái bánh trắng, dẻo cần phải biết chọn gạo phù hợp. Vo gạo thật kỹ, ngâm khoảng 4 giờ bắt đầu xay, trong lúc xay cần cho thêm tí muối. Xay xong, để một đêm cho bột lắng xuống, đổ lớp nước bên trên. Khi đem bột ra đổ bánh cần pha thêm nước thật sôi vào cho bột loãng. Công đoạn tiếp theo là đãi đỗ xanh ninh làm nhân phết trên mặt bánh. “Trong công đoạn làm bột, bột càng được ngâm nhiều, bánh càng dẻo, trắng. Ngoài ra khi đổ bánh phải đổ liên tục, đều tay, canh thời gian bánh chín để chiếc bánh không quá chín”, bà Ba nói.
Bánh bèo ngon còn phụ thuộc vào bì và nước chấm. Bì là hỗn hợp thịt heo xắt mỏng, thêm gia vị, thính vào. Làm bì phải chọn thịt nạc lưng, luộc chín, ram vàng với nước dừa. Kế tiếp là nước mắm, gia vị tưới lên bánh bèo phải có vị ngọt nhẹ. Khi ăn, sắp bánh bèo bì vào đĩa, kèm thêm rau thơm, giá rồi chan nước mắm vào.
Hương vị khó quên!
Hiện nay, Bình Dương có 3 quán bánh bèo bì nổi tiếng, tất cả đều là chi nhánh của quán bánh bèo bì Mỹ Liên tại chợ Búng. Mặc dù trải qua bao thăng trầm nhưng tiếng tăm của nó không phai nhạt mà càng ngày càng “bay xa”. Và từ tâm huyết với nghề, gia đình bà Ba đã “phát kiến” thêm hai món mới từ bì, góp phần làm cho “bữa tiệc” bánh bèo thêm phong phú: bì cuốn và bún bì. Anh Nguyễn Thành Danh, nói: Lượng khách đến với quán bánh bèo bì của gia đình luôn ổn định. Trước đây, quán chủ yếu là những người quen biết ăn xong giới thiệu bạn bè đến. Nay, bánh bèo bì được công nhận là đặc sản Bình Dương, trong top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam, nên càng ngày càng có nhiều thực khách các tỉnh đến thưởng thức. Đặc biệt là khách nước ngoài ghé thăm Bình Dương đều tìm đến ủng hộ quán.
Được biết, sau khi bánh bèo bì được công nhận trong top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh sẽ có nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá đặc sản này đến các thị trường mới; đồng thời có trách nhiệm với thương hiệu để quan tâm, giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm.
T.LÝ