KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG PHƯỚC LONG (6.1.1975 - 6.1.2015)

Bản hùng ca Phước Long

Thứ ba, ngày 06/01/2015

(BDO) Trong cuộc trường chinh hơn 20 năm đánh Mỹ của cách mạng Việt Nam, có những địa danh đã mãi mãi đi vào ký ức của bao thế hệ, gắn liền với những chiến công hiển hách của cha ông mà Phước Long là một cái tên không thể nào quên.

Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, mảnh đất Phước Long một thời hoang tàn vì bom đạn nay đang hồi sinh, nhưng trở lại nơi đây chúng tôi vẫn cảm nhận được khí thế đầy tự hào về một thời đánh giặc giữ nước. Các cựu chiến binh từ khắp mọi miền Tổ quốc đang về đây, có những người ở miền Bắc cũng kịp bắt xe vào Phước Long để dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng. Tất cả họ nay mái đầu đã bạc và trên ngực ai cũng lấp lánh huy chương…

Phóng viên Báo Bình Dương trò chuyện với cựu chiến binh bên tượng đài chiến thắng Phước Long. Ảnh: CAO SƠN

Chúng tôi đến Phước Long vào những ngày nhân dân cả nước đang đón chào năm mới. Sắc xuân đang về trên vùng đất biên giới trong tiết trời se lạnh. Những hàng cây cao su đang mùa thay lá, phủ một màu xanh tươi bạt ngàn. Thị xã Phước Long đang trên đà phát triển mạnh mẽ, những ngôi nhà khang trang nằm đan xen lẫn nhau trên một địa hình nhấp nhô, nhìn từ xa rất đẹp, chẳng khác gì Đà Lạt. Diện mạo của Phước Long hôm nay đã làm ngỡ ngàng đối với nhiều cựu chiến binh. Có lẽ không có một thị xã nào như Phước Long - một thị xã được xây mới hoàn toàn, không hề vương vấn nếp cũ. Đây quả là điều đặc biệt mà nguyên nhân cũng bởi tại chiến tranh.

Ngày 6-1-1975, sau khi quân ta làm chủ Phước Long, Mỹ ngụy vô cùng cay cú, chúng hô hào phải tái chiếm Phước Long bằng mọi giá, chúng tổ chức tập trận rình rang. Trước mưu đồ của địch, cách mạng ta chủ trương dùng mìn phá hủy những trận địa, những công trình, trụ sở của địch hòng dập tắt tham vọng tái chiếm của chúng. Bởi thế, sau giải phóng Phước Long đã trở thành vùng trắng. 40 năm sau ngày giải phóng, sự phát triển đi lên của Phước Long như hôm nay quả là một kỳ tích đáng ghi nhận.

Trong thế đất quân sự, nhìn từ trên cao Phước Long trông như hình chữ C, được bao bọc xung quanh bằng những con sông lớn. Năm 1965, khi quân ta mở chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài, nhạc sĩ Thuận Yến đã sáng tác bài “Mỗi bước ta đi” - lời ca rất hào hùng, trong đó có câu hát về địa lý Phước Long: “…Vượt qua sông Bé oai hùng, về Phước Long xây chiến thắng”. Trong thời kỳ chiến tranh, vị trí của Phước Long có tầm ảnh hưởng đến cả cục diện khu vực, là chiếc cầu nối giữa Nam Tây nguyên - Đông Nam Campuchia - Đông Nam bộ. Bắt đầu từ trung tuần tháng 12-1974, sau khi ta tiến công tiêu diệt địch và giải phóng Bù Đăng, Bù Na, Bù Đốp, chiếm giữ đường 14 và chiếm giữ chi khu quân sự Đồng Xoài thì lực lượng quân địch trên địa bàn tỉnh Phước Long bị thu hẹp trong một khu vực tam giác là: thị xã Phước Long - chi khu Phước Bình, điểm cao Bà Rá mà quân địch gọi là thế phòng thủ chân vạc.

Một góc thị xã Phước Long hôm nay. Ảnh: CAO SƠN

Được Bộ Tư lệnh miền chấp thuận, rạng sáng ngày 31-12-1974, quân ta đã tổ chức đánh vào thị xã Phước Long, trước hết là những mục tiêu vòng ngoài như chi khu Phước Bình, cầu Suối Dung, điểm cao Bà Rá… và tổ chức bao vây thị xã. Đến 15 giờ 30 phút dưới sự chi viện chính xác của pháo binh và hỏa lực xe tăng, chi khu Phước Bình - một trong ba chân vạc phòng thủ của địch đã bị các lực lượng của ta chặt đứt. Đêm ngày 31-12-1974, rạng sáng ngày 1-1-1975 pháo 130mm và pháo cao xạ 37 của ta bắn trực tiếp chi viện cho Tiểu đoàn Đặc công 79 đánh chiếm điểm cao Bà Rá, con mắt thần và cũng là chân vạc thứ hai của khu phòng thủ Phước Long bị xóa sổ. Phước Long lâm vào thế chỉ tồn tại trong một sớm một chiều.

Sau khi ta đập tan chiến sự vòng ngoài, quân địch còn lại đã bị dồn đến chân tường, chúng dựa vào công sự, vật cản, hỏa lực chống trả rất quyết liệt. Không để cho địch có thời gian củng cố lực lượng, được sự nhất trí của Bộ Chính trị, trận đánh vào thị xã Phước Long bắt đầu từ 17 giờ 30 phút ngày 31-12-1974 đến 17 giờ ngày 6-1-1975, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” được chiến sĩ Trần Văn Mới thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cắm trên tòa thị chính Phước Long. Chiến dịch đường 14 - Phước Long kết thúc toàn thắng. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta đã giải phóng một tỉnh chỉ cách Sài Gòn - “thủ đô” của ngụy quyền khoảng hơn 100km, một địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng Phước Long năm nay được tổ chức rất long trọng. Những con đường nhựa nối dài rợp bóng cờ hoa và nhiều lễ hội được tổ chức, nhân dân vui mừng trong niềm tự hào chung của dân tộc. 40 năm, thời gian có thể làm con người quên đi nhiều thứ nhưng đối với các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Phước Long là những năm tháng không thể phai mờ.

Hôm nay những kỷ niệm về một thời hoa lửa hào hùng, một thời sát cánh cùng đồng đội đánh giặc đang sống dậy trong ký ức của từng cựu binh. Chiến tranh đã gây biết bao đau thương mất mát cho dân tộc và chiến tranh cũng đã trui rèn những thế hệ rất vinh quang và mãi mãi là niềm tự hào, sự ngưỡng mộ đối với tuổi trẻ hôm nay.

KIẾN GIANG – CAO SƠN