KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG PHƯỚC LONG (6.1.1975 - 6.1.2015)
Đòn “nắn gân” Mỹ
(BDO) Chiến thắng Phước Long đã làm nức lòng nhân dân cả nước, đồng thời là một trận đánh mang tính “trinh sát chiến lược” thăm dò phản ứng của Mỹ. Sau trận thắng này, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận xét: “Chiến thắng này đã mở ra tiền đề cho cách mạng miền Nam, thần tốc tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam”.
Chiến thắng Phước Long là một sự kiện đánh dấu một bước trưởng thành về trình độ tác chiến của ta, khẳng định sự suy sụp của quân ngụy và khả năng phản ứng đã rất hạn chế của đế quốc Mỹ. Từ quyết định đánh và đánh thắng Phước Long đã cho thấy tài thao lược vô cùng sáng suốt của Đảng và quân đội ta. Ở thời điểm năm 1974, khi quân Mỹ đã rút, lực lượng ngụy quân bắt đầu suy yếu. Trước sức tấn công như vũ bão của quân giải phóng, sự sụp đổ của ngụy quyền là tất yếu. Tuy vậy, Bộ Chính trị vẫn luôn quan tâm một vấn đề, đó là khi ta đánh lớn quân Mỹ có quay lại giúp Thiệu không? Và chiến dịch giải phóng Phước Long đã trả lời câu hỏi mang tầm chiến lược đó. Mỹ không trở lại.
Xe tăng trong đội hình Đại đội Tăng 10 do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thành chỉ huy cùng bộ binh tấn công vào Dinh tỉnh trưởng Phước Long sáng ngày 6-1-1975 (ảnh do Bảo tàng Quân đoàn 4 cung cấp)
Sau trận đánh, người phát ngôn của Nhà Trắng tuyên bố: “Tổng thống Pho không có ý vi phạm những điều cấm chỉ của Quốc hội về việc sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam”. Trong cuộc họp báo ngày 14-1-1975 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Sơletxinhgiơ nói: “Bây giờ tình hình ở miền Nam cho thấy Bắc Việt Nam không muốn tung ra một đòn tấn công rộng khắp, quy mô. Cái mà họ đang chú ý là làm suy yếu sự kiểm soát của chế độ Nam Việt Nam trên khắp nước, đặc biệt là làm đảo lộn chính sách bình định đang thành công. Do đó, điều mà chúng ta tiên đoán trong vài tháng tới chỉ là một số trận đánh lớn. Lúc này tôi không tin hiện sẽ có cuộc tiến công quy mô lớn như hồi năm 1972”. Ngày 22-1-1975 Tổng thống Pho tiếp tục dội một gáo nước lạnh vào chế độ Thiệu: “Không có hành động nào khác ngoài việc bổ sung viện trợ cho Sài Gòn. Sẽ không can thiệp vào miền Nam Việt Nam nếu xét ra không phù hợp với Hiến pháp và pháp luật”.
Phản ứng của Mỹ sau chiến thắng Phước Long đã góp phần giúp Bộ Chính trị hoạch định những sách lược, đề ra quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Và thời cơ cách mạng cuối cùng đã đến, sau Phước Long quân ta tiếp tục chiến thắng vang dội ở các chiến trường Buôn Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng và thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn.
Đại tá Nguyễn Văn Ngoan, nguyên Huyện Đội phó Huyện đội Bù Đốp: Ký ức về trận đánh không thế nào quên…
Về Phước Long hỏi thăm cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Ngoan, rất nhiều người quen biết và bày tỏ lòng kính trọng đối với ông. Là người con của quê hương Hải Dương nhưng gần như cả cuộc đời ông gắn bó với mảnh đất Phước Long hào hùng và ác liệt. Hết đánh Mỹ rồi đến chiến tranh biên giới Tây Nam, tham gia tình nguyện tại chiến trường Campuchia… nơi nào cũng có bước chân của ông. Hết chiến tranh, ông mang trong mình 7 vết thương, về sinh sống tại mảnh đất Phước Long. Cứ mỗi lúc trái gió trở trời là thân thể ông lại đau buốt.
Đại tá Nguyễn Văn Ngoan đang vẽ lại bản đồ trận đánh. Ảnh: CAO SƠN
Trong những ngày đầu năm mới, CCB Nguyễn Văn Ngoan luôn bận rộn đón các đồng đội từ miền Bắc vào dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng. Bận nhiều việc nhưng ông rất vui khi trò chuyện với chúng tôi. Ông kể: “Trong chiến dịch Phước Long, tôi là Đại đội trưởng đơn vị bộ đội địa phương cùng tham gia với bộ đội chủ lực. Theo hiệp đồng, ngày 12-12-1974, đơn vị tôi nổ súng tấn công vào chi khu “Bù Đốp lưu vong” vị trí vòng ngoài của chiến dịch. Chỉ trong vòng hai giờ chiến đấu, đơn vị tôi và đồng đội đã làm chủ trận địa. Tuy nhiên, quân địch đã phát hiện và chi viện lực lượng. Trận đánh địch chi viện đã diễn ra 3 ngày 3 đêm vô cùng ác liệt. Quân ta chiến đấu rất dũng cảm, xông lên đánh giáp lá cà với địch, cướp súng địch đánh địch. Trước tinh thần xả thân đánh giặc của bộ đội, nhằm động viên kịp thời chiến sĩ, tôi đã đứng ra tổ chức làm lễ kết nạp Đoàn cho một số chiến sĩ ngay tại trận địa. Trước sự thiêng liêng của lễ kết nạp, nhiều chiến sĩ rất cảm động và càng quyết tâm bật ra khỏi chiến hào xông lên chiến đấu với quân thù. Chúng tôi đã chiếm được trận địa và vài ngày sau đã liên lạc được với bộ đội chủ lực, sau đó bàn giao lại rồi tiếp tục dẫn đường đưa bộ đội tiến vào giải phóng Phước Long.
Giờ đây, 40 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức tôi vẫn không thể nào quên về trận đánh ác liệt năm đó, ác liệt nhưng rất ý nghĩa thiêng liêng…”.
Ông Nguyễn Minh Phụng, nguyên Cán bộ Binh vận trong chiến dịch Phước Long: Tri ân đồng bào nhiều lắm…
Ông Phụng là người con của vùng đất thép Củ Chi nhưng cũng giống như ông Ngoan, đều gắn bó với mảnh đất Phước Long anh hùng. Khi tôi hỏi ông về sự đóng góp của đồng bào dân tộc đối với cách mạng trong chiến dịch Phước Long, thay vì trả lời trực tiếp, ông Phụng dẫn chúng tôi đi xem các bức phù điêu chạm khắc quanh tượng đài chiến thắng Phước Long và giải thích: “Bức phù điêu thứ nhất chạm khắc hình ảnh chuẩn bị đánh, thể hiện bộ đội đang nghiên cứu sa bàn, bản đồ… Bức phù điêu thứ hai chạm khắc hình ảnh chuẩn bị chiến dịch. Các hình ảnh thể hiện đồng bào dân tộc đang gùi gạo, thực phẩm đến phục vụ bộ đội… Bức thứ ba là hình ảnh tiến công của quân ta vào sào huyệt địch. Và bức phù điêu cuối cùng gồm những hình ảnh bộ đội và đồng bào cùng nắm tay nhau trong điệu nhạc mừng chiến thắng…”.
CCB Nguyễn Minh Phụng (bên phải) giới thiệu các bức phù điêu bên tượng đài chiến thắng Phước Long. Ảnh: CAO SƠN
Chỉ cho chúng tôi xem xong, ông Phụng kết luận: “Các hình ảnh đã nói lên mối gắn bó rất thắm thiết của bà con dân tộc đối với cách mạng.”. Ông nói thêm: “Trong những năm đánh Mỹ, nếu không có sự giúp đỡ về lương thực của đồng bào thì bộ đội rất khó khăn. Thế hệ người lính chúng tôi tri ân đồng bào nhiều lắm…”.
Ông Phụng tham gia chiến dịch Phước Long từ ngày 4-1-1975. Nhiệm vụ của ông là dẫn đường cho bộ đội đánh địch và làm công tác địch vận, kêu gọi địch hạ vũ khí đầu hàng. Ông là một trong những người được chứng kiến giây phút quân ta làm chủ Phước Long trong niềm vui khôn tả. Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục ở lại công tác trên mảnh đất này và trở thành nhân chứng lịch sử, được thế hệ trẻ nơi đây rất kính trọng.
NHÓM P.V