Bắc Kạn khởi động Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”
(BDO) Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 15-Bắc Kạn năm 2024 gắn với các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc trong lễ khai mạc.
Kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9, tối 25/8, tại Nhà Văn hóa tỉnh Bắc Kạn (thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) đã diễn ra lễ khai mạc Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc”.
Đây là sự kiện chính trong chuỗi các sự kiện của Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 15-Bắc Kạn năm 2024 gắn với các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949-24/8/2024).
Việt Bắc là địa danh lịch sử cách mạng có vị trí đặc biệt quan trọng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Bắc là bức tường thành chống quân xâm lược, là an toàn khu bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác Hồ với "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù."
Mỗi địa danh lịch sử thuộc Chiến khu Việt Bắc đều gắn liền với những chiến công, sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Với tổng diện tích tự nhiên toàn vùng trên 37km2, dân số trên 4,5 triệu người, các tỉnh Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc.
Các tỉnh Việt bắc có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông, hồ, thác nước, hang động hùng vĩ, những địa danh nổi tiếng đang là điểm đến thú vị, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự phát triển của xã hội, đồng bào các dân tộc sáu tỉnh Việt Bắc còn lưu giữ nhiều giá trị bản sắc văn hóa, từ hệ thống các lễ hội, nghi lễ truyền thống đến trang phục và các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc là những sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ giao lưu, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa bản địa.
Việt Bắc còn được biết đến với nhiều sản vật có giá trị cùng với hương vị ẩm thực đặc sắc và độc đáo mang đậm nét của người vùng cao.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” cho biết,nhằm phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về du lịch, UBND các tỉnh Việt Bắc đã thống nhất tổ chức luân phiên Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc.”
Chương trình đã bước sang năm thứ 15 tạo nên thương hiệu du lịch riêng có, đặc trưng của sáu tỉnh Việt Bắc với thông điệp một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch các tỉnh miền Bắc.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, những ngày này của 75 năm về trước, với sự chiến đấu kiên cường của nhân dân các dân tộc tỉnh, thực dân Pháp đã phải rút quân khỏi thị xã Bắc Kạn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị nên tổ chức míttinh tại thị xã Bắc Kạn ngày 24/8/1949 để tuyên truyền chiến thắng, động viên tinh thần kháng chiến của quân và dân cả nước. Từ đó đến nay, ngày 24/8/1949 trở thành ngày kỷ niệm giải phóng tỉnh Bắc Kạn.
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, giá trị lịch sử của sự kiện giải phóng tỉnh Bắc Kạn còn trường tồn mãi với thời gian, các di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược đã được công nhận và xếp hạng như: Khu ATK Chợ Đồn, đồn Phủ Thông, địa điểm chiến thắng Đèo Giàng, Khu di tích lịch sử Nà Tu.
Đây là những địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ biết trân trọng, tự hào, tiếp nối truyền thống trên quê hương cách mạng.
Các đại biểu, các tầng lớp nhân dân tỉnh Bắc Kạn và du khách thập phương cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với ba chương: Một vòng Việt Bắc; Núi rừng vào hội; Bắc Kạn-Việt Bắc trong dòng chảy non sông.
Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XVI năm 2025 sẽ do tỉnh Cao Bằng đăng cai tổ chức./.
Theo TTXVN