Ai sẽ trả lại danh dự cho Vietfoods? - Kỳ 2
(BDO) Kỳ 2: Bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp
Sau khi nhận thấy những dấu hiệu không minh bạch trong vụ việc Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 Chi cục QLTT TP.Hà Nội phong tỏa 2,2 tấn xúc xích Vietfoods, nhóm phóng viên Báo Bình Dương đã đến các cơ quan chức năng tại Hà Nội để có những thông tin chính xác về vụ việc.
Các cơ quan chức năng phải sớm đưa ra quyết định cuối cùng về vụ việc của Vietfoods để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và thị trường. Trong ảnh: Phóng viên Báo Bình Dương (bên trái) trao đổi với ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế Ảnh: SÔNG TRÀ
Thông tin sai, gây hại lớn
Ngay sau khi Báo Bình Dương và một số cơ quan truyền thông đăng tải thông tin vụ việc, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với đường dây nóng của báo để bày tỏ bức xúc. Theo một chuyên gia trong ngành chế biến thực phẩm, việc Đội QLTT số 14 của Hà Nội, một đơn vị không có chuyên môn và chức năng kiểm tra, xử phạt các sản phẩm thịt nguội, thức ăn nhanh mà cụ thể là xúc xích Vietfoods, lại tạm giữ hàng hóa, công bố thông tin thất thiệt là cố tình làm sai quy định. “Phần việc đó là của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản. Ngoài ra, việc công bố hàm lượng và chất E251 có nguy hại sức khỏe con người hay không là chức năng của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, chứ không phải là QLTT. Thế nhưng, việc các cá nhân của Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT Hà Nội công bố thông tin thất thiệt như vậy rất nguy hiểm đối với thị trường”, chuyên gia này cho biết.
Trong quá trình đi tìm sự thật xung quanh vụ việc, phóng viên Báo Bình Dương đã dạo quanh các siêu thị, chợ, cửa hàng đang bày bán sản phẩm xúc xích, thịt nguội. Điều đáng nói là gần như tất cả sản phẩm xúc xích nhập khẩu lẫn trong nước đều có sử dụng chất E251 để ổn định màu và đều ghi công khai trên bao bì. Ngoài ra, nhiều bạn đọc còn cung cấp đến Báo Bình Dương một số giấy công bố phù hợp vệ sinh an toàn thực phẩm do Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm các tỉnh lẫn Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế cấp phép đều ghi rõ cho phép sử dụng chất bảo quản: sodium nitrate-251.
Thực tế, thông tin xúc xích Vietfoods có chứa “chất cấm gây ung thư” không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở mà còn làm lũng đoạn thị trường xúc xích tại Việt Nam. Sau khi vụ việc xảy ra, dạo quanh các siêu thị và cửa hàng, nhiều người dễ nhận ra thái độ thờ ơ, tẩy chay sản phẩm xúc xích của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Thảo (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) cho biết: “Trước đây, các con tôi rất thích ăn xúc xích nướng nên gần như ngày nào đi học về các cháu cũng đòi ăn. Vậy mà sau khi có thông tin xúc xích có chất gây ung thư, chính các cháu nhắc nhở mẹ đừng mua xúc xích cho con ăn nữa”.
Như vậy, có thể thấy, từ một thông tin gây thất thiệt, thị trường xúc xích tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng xấu. Người tiêu dùng tẩy chay không chỉ các sản phẩm xúc xích mà còn là hàng ngàn sản phẩm từ thịt nhập khẩu lẫn sản xuất trong nước có sử dụng chất E251. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: “Quan điểm của chúng tôi là kịch liệt phản đối những thông tin thất thiệt gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nguy hại cho thị trường. Chúng ta cần quyết liệt bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Bình Dương về việc Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT Hà Nội khi vừa kiểm tra, tạm giữ lô hàng đã công bố cho các cơ quan thông tin đại chúng là sản phẩm có chứa “chất cấm gây ung thư” là đúng hay sai, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết việc xử lý các vi phạm phải căn cứ vào các hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt. Việc kiểm tra thu giữ hay niêm phong là việc làm thường xuyên của các cơ quan QLTT. Tuy nhiên, chưa xác định được vi phạm, chất này có phải là chất gây ung thư hay không, sản phẩm có an toàn hay không mà đã công bố xúc xích có chứa chất gây ung thư là không phù hợp với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nếu không xác định được lỗi và không có quyết định xử phạt hành chính mà công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng là sai quy định, gây ảnh hưởng đến uy tín của mặt hàng và doanh nghiệp”. |
Cơ quan chức năng nói gì?
Nhận thấy vụ việc tạm giữ 2,2 tấn xúc xích và công bố thông tin thất thiệt của Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT TP.Hà Nội là rất nghiêm trọng, có dấu hiệu không minh bạch và gây lũng đoạn thị trường xúc xích Việt Nam, phóng viên Báo Bình Dương đã tìm đến các cơ quan chức năng Hà Nội để sớm làm rõ sự thật.
Sáng 13-5, chúng tôi đến Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Đây là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc công bố thông tin Vietfoods có sử dụng chất E251 sai quy định và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Kể từ khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng E251 là chất bảo quản được phép sử dụng trong xúc xích. Các nước ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều cho phép sử dụng với ngưỡng tối đa là 500mg/ kg, trong khi tất cả mẫu kiểm nghiệm xúc xích Vietfoods cho kết quả từ 50 - 100mg/kg. Như vậy, có thể khẳng định Vietfoods không sai. Trong khi đó, các loại xúc xích trên thị trường đều có chất E251. Việc công bố không đúng sự thật thì chỉ khổ doanh nghiệp nội địa”.
Cũng theo ông Giang, quan điểm của Cục An toàn thực phẩm là Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT Hà Nội phải sớm giải tỏa hàng hóa cho doanh nghiệp. Ai phát ngôn sai về chất E251 trong xúc xích Vietfoods gây lũng đoạn thị trường sẽ phải công khai xin lỗi và đính chính thông tin để doanh nghiệp yên ổn làm ăn, người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm. “Hiện nay, chúng ta đang kêu gọi triệt tiêu thực phẩm bẩn để bảo vệ người tiêu dùng nhưng lại quên rằng cũng phải bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính như Vietfoods. Những hành động như vừa qua của Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT Hà Nội là hết sức nguy hiểm, làm cho doanh nghiệp điêu đứng, có nguy cơ phá sản”, ông Giang cho biết thêm.
Để làm rõ hơn về động cơ, mục đích của các cá nhân, đơn vị sai phạm trong vụ việc này, chúng tôi đã chủ động liên hệ với những người có trách nhiệm, cụ thể là các ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT Hà Nội và ông Trịnh Quang Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội nhưng đều bị từ chối cung cấp thông tin.
Thêm một điều khó hiểu nữa là mãi cho đến hết ngày 25-5, cơ quan QLTT vẫn chỉ giải tỏa hàng hóa cho doanh nghiệp chứ chưa hề ra một văn bản xử lý vụ việc nào đối với Vietfoods, cũng không khẳng định Vietfoods đúng, sai chỗ nào để có hướng giải quyết tiếp theo. Trong khi đó, hàng trăm công nhân của Vietfoods (xã An Tây, TX.Bến Cát) vẫn ngày đêm đứng ngồi không yên vì đến nay chủ cơ sở vẫn ngưng sản xuất, chờ quyết định cuối cùng của các cấp có thẩm quyền.
Kỳ cuối: Thiệt hại, ai chịu?
KHÁNH VINH - HỒ VĂN