Ai sẽ trả lại danh dự cho Vietfoods?

Thứ tư, ngày 25/05/2016

(BDO) Ngày 23-5, sau khi Hội đồng chuyên môn Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định sản phẩm xúc xích Vietfoods của cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods-xã An Tây, TX.Bến Cát, Bình Dương) an toàn, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã nhanh chóng giải tỏa 2,2 tấn xúc xích tạm giữ gây tranh cãi từ tháng 4 đến nay cho doanh nghiệp. Để đi đến kết quả này, không chỉ Vietfoods mà cả các cơ quan quản lý nhà nước tại Bình Dương và truyền thông đã phải trải qua một cuộc đấu tranh rất gian truân nhưng không kém phần quyết liệt để tìm ra sự thật cuối cùng.


Xác định vụ việc liên quan đến Vietfoods khá nghiêm trọng, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã sớm vào cuộc xác minh sự thật. Trong ảnh: Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Bình Dương kiểm tra Vietfoods vào ngày 25-4. Ảnh: MINH DUY

Từ cú điện thoại kêu cứu

Đầu giờ sáng ngày 21-4, số điện thoại đường dây nóng Báo Bình Dương nhận cú điện thoại kêu cứu của anh Lưu Minh Sang, chủ Vietfoods. Qua điện thoại từ Hà Nội, anh Sang cho biết đang rất hoang mang trước quyết định phong tỏa lô hàng 2,2 tấn xúc xích do cơ sở sản xuất của Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT thành phố Hà Nội.

Thông tin trước đó cho thấy, ngày 20-4, Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT Hà Nội đã có đợt thanh kiểm tra tại Công ty TNHH Thương mại Hùng Anh (140c, ngõ 351, Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, đội này đã tạm giữ 2,2 tấn xúc xích Vietfoods do nghi ngờ có chứa chất cấm là sodium nitrate (E251). Điều đáng nói là dù chỉ mới ra quyết định xử phạt hành chính nhằm phong tỏa hàng hóa để gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhưng gần như ngay lập tức đại diện của Đội QLTT số 14 đã công bố đồng loạt trên các phương tiện truyền thông lớn rằng xúc xích Vietfoods chứa “chất cấm gây ung thư”.

Thậm chí, ngay trong chiều ngày 20-4, một số công ty đối thủ nhanh chóng mang clip, các bài báo về vụ việc trên đến tận các đại lý, điểm bán hàng của Vietfoods để chuyển thông tin trực tiếp đến khách hàng. Đến ngày 22-4, sau khi có kết quả xét nghiệm dư lượng E251 trong xúc xích Vietfoods là 89mg/kg, dù Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia khẳng định xúc xích Vietfoods an toàn cho người sử dụng và E251 không phải là chất cấm, nhưng không hiểu lý do gì mà Đội QLTT số 14 vẫn công bố sản phẩm của cơ sở có chứa “chất cấm gây ung thư” trên một số phương tiện truyền thông gây hoang mang dư luận, rối loạn thị trường xúc xích trong nước.

Dễ hiểu, gần như ngay lập tức, Vietfoods bị thiệt hại nặng nề do thông tin thất thiệt kể trên. Khách hàng tẩy chay sản phẩm và cơ sở buộc phải ngừng sản xuất, thu hồi hàng chục tấn hàng hóa đã phân phối trên thị trường để khắc phục. Anh Sang cho biết: “Ngay sau khi thông tin thất thiệt xảy ra, vợ chồng tôi bị hàng xóm dị nghị rất khổ sở. Thiệt hại cho cơ sở là rất lớn vì sản phẩm bị người tiêu dùng quay lưng, hàng trăm công nhân phải ngưng làm việc để chờ quyết định cuối cùng. Trong khi đó, do đầu tư vào máy móc, dây chuyền sản xuất rất lớn nên lãi vay ngân hàng, tiền nguyên liệu đầu vào cứ dồn dập đến khiến nguy cơ phá sản của cơ sở chúng tôi là rất lớn”.

Nhanh chóng vào cuộc

Sau khi từ Hà Nội trở về, anh Sang gõ cửa từng cơ quan, ban ngành liên quan tại Bình Dương kêu cứu khẩn thiết. Mong muốn lớn nhất của anh Sang là sớm minh bạch thông tin để cơ sở biết mình đúng, sai chỗ nào trong việc sử dụng chất phụ gia E251 để ổn định màu cho xúc xích. May mắn cho Vietfoods là đã nhận được phản ứng rất nhanh và quyết liệt từ các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương.

Xác định đây là vụ việc khá nghiêm trọng, cần sớm đưa ra kết luận tránh gây hoang mang dư luận, ổn định thị trường, tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng thành lập đoàn thanh tra liên ngành bao gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục QLTT, Chi cục ATVSTP tỉnh... nhằm kiểm tra toàn diện các quy trình sản xuất, việc sử dụng chất phụ gia của Vietfoods trong ngày 25-4. Qua kiểm tra, đoàn thanh tra kết luận Vietfoods không có vi phạm nào. Cơ sở có đầy đủ hồ sơ pháp lý và hồ sơ đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chế biến thực phẩm theo đúng quy định hiện hành.

Cũng ngay trong ngày 25-4, ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh đã gửi Công văn số 272/ATTP-ĐK phúc đáp về việc Vietfoods sử dụng phụ gia E251 cho xúc xích là hoàn toàn đúng và chất này nằm trong danh mục cho phép. Ngoài ra, ông Đạt cũng cung cấp thêm các tài liệu mà Vietfoods có thể tham chiếu, lấy làm cơ sở để đấu tranh khẳng định sự thật. Theo ông Đạt, Vietfoods cần tham chiếu Văn bản hợp nhất hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm số 02/VBHN-BYT ngày 15-6-2015 của Bộ Y tế, Quy chuẩn Việt Nam QCVN 4-5-2010 của Bộ Y tế cũng như trong danh mục Codex của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế và Chỉ thị số 95/2/ EC ngày 10-2-1995 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về phụ gia thực phẩm không phải là chất tạo màu và làm ngọt.

Nhờ vào những bước phản ứng nhanh của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, mà trực tiếp là Chi cục ATVSTP tỉnh và Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh, Vietfoods càng có thêm niềm tin để tiếp tục đấu tranh yêu cầu minh bạch thông tin sản phẩm xúc xích của cơ sở sử dụng chất E251 là không sai. Cần nói thêm rằng, ngoài lời khẳng định của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, chính sự lên tiếng kịp thời, chính xác của ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cũng là chiếc “chìa khóa” quan trọng trong hành trình tìm lời khẳng định sự thật xung quanh vụ việc Đội QLTT số 14 Chi cục QLLT Hà Nội tạm giữ 2,2 tấn xúc xích Vietfoods và công bố thông tin thất thiệt khiến cơ sở lao đao, có nguy cơ phá sản.

 Sự hỗ trợ đắc lực từ truyền thông

Ngày 24-5, tiếp xúc với chúng tôi, anh Lưu Minh Sang cho biết, ngay khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn Cục An toàn thực phẩm, trong chiều 23-5, Chi cục QLTT Hà Nội đã nhanh chóng giải tỏa hàng hóa cho cơ sở và thừa nhận đã sai phạm trong việc vội vã kết luận Vietfoods sử dụng “chất cấm gây ung thư” trong xúc xích. Trong vụ việc này, nếu không có sự vào cuộc tìm hiểu tích cực của các cơ quan truyền thông, Vietfoods có nguy cơ phá sản vì thông tin thất thiệt.

Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Báo Bình Dương đã đăng tải nhiều thông tin liên quan nhằm bước đầu đưa đến những thông tin chính xác nhất đến người tiêu dùng. Ngày 10-5, Báo Bình Dương đã đăng bài viết: “Xung quanh việc QLTT TP.Hà Nội lập biên bản tạm giữ xúc xích Vietfoods: Cần sớm minh bạch thông tin” gây sự chú ý lớn của độc giả và các cơ quan chức năng Trung ương lẫn địa phương. Ngoài ra, một số cơ quan truyền thông chính thống khác cũng đã quyết liệt bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ sự thật xung quanh vụ Vietfoods bị Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT Hà Nội tạm giữ 2,2 tấn xúc xích và tung tin thất thiệt.

Kỳ 2: Bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp

 KHÁNH VINH - HỒ VĂN