93 mùa xuân và khát vọng hùng cường- Bài 3
(BDO) Đến với Khu di tích Đề-pô Xe lửa Dĩ An (phường Dĩ An, TP.Dĩ An), đặc biệt là thế hệ trẻ càng hiểu thêm về truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng của cha ông. Nơi đây ghi dấu sự hình thành rất sớm của giai cấp công nhân Việt Nam, đặc biệt là sự ra đời của một trong những chi bộ đầu tiên của Xứ ủy Nam kỳ và là nơi diễn ra phong trào đấu tranh mạnh mẽ của giai cấp công nhân chống thực dân, đế quốc.
Trang sử vẻ vang
Đề-pô Xe lửa Dĩ An là một trong những nơi đánh dấu sự ra đời sớm nhất của giai cấp công nhân Việt Nam. Những người thợ Đề-pô Xe lửa Dĩ An luôn đi tiên phong trong các phong trào đấu tranh cách mạng. Tháng 1-1930, Chi bộ Đề-pô Xe lửa Dĩ An được thành lập, là một trong những chi bộ đầu tiên của Xứ ủy Nam kỳ, đã lãnh đạo công nhân thực hiện nhiều cuộc đấu tranh cách mạng vẻ vang.
Từ năm 1928, với chủ trương “vô sản hóa” tại các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền, tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” đã đưa hội viên đến hoạt động, cùng ăn ở, lao động với công nhân. Họ đưa những tờ báo có nội dung yêu nước và “Bản án chế độ thực dân Pháp” đến để công nhân chuyền tay nhau đọc. Từ đó, ý thức giác ngộ giai cấp của công nhân nhà máy được nâng cao rõ rệt. Sau quá trình chuẩn bị, tháng 1-1930, Chi bộ Đề pô Xe lửa Dĩ An ra đời. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được chỉ định làm bí thư. Ngay sau khi thành lập, chi bộ bắt tay vào việc tổ chức thành lập và lãnh đạo Công hội đỏ vận động công nhân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Đặc biệt, nhân Ngày Quốc tế lao động 1-5-1930, tổ chức đấu tranh đưa yêu sách đòi tăng lương, thực hiện chế độ làm việc 8 giờ/ngày, bỏ chế độ làm khoán, không được đánh đập công nhân... buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ.
Thành đoàn Dĩ An tổ chức lễ kết nạp đoàn viên, hội viên, đội viên mới, tuyên dương các gương điển hình tiêu biểu tại Di tích Đề-pô Xe lửa Dĩ An
Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, công nhân Đề-pô Xe lửa Dĩ An đã đồng loạt nổi dậy làm chủ nhà máy; thành lập ban tự quản để quản lý máy móc tài sản và tình hình an ninh trật tự, tham gia sản xuất phục vụ ngành đường sắt; tháo gỡ, vận chuyển máy móc đi nơi khác cất giấu để lập xưởng quân giới; tổ chức hậu cần, vận động quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men, tiền bạc để tiếp tế cho mặt trận, cùng với nhân dân địa phương tham gia củng cố và bảo vệ chính quyền vừa mới giành được.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào đấu tranh của công nhân Đề-pô Xe lửa Dĩ An liên tục nổ ra với hình thức ngày càng đa dạng, tạo được tiếng vang lớn trong ngành, được hàng ngàn công nhân các nơi hưởng ứng. Từ giữa tháng 4-1975, các cơ sở trong Đề-pô Xe lửa Dĩ An đã chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, biểu ngữ và vũ khí chuẩn bị phối hợp với nhân dân địa phương nổi dậy giành chính quyền. Ngày 29-4-1975, các cơ sở đã tổ chức lực lượng canh giữ kho, máy móc không cho địch phá hoại, bảo đảm nguyên vẹn cơ sở vật chất để bàn giao cho cách mạng; đồng thời tích cực phối hợp với bộ đội, du kích địa phương truy lùng tàn quân của địch, thu hàng tấn vũ khí và đạn dược. Ngày 30-4-1975, hòa cùng niềm vui chung của cả nước, công nhân Đề-pô Xe lửa Dĩ An tổ chức buổi mít tinh mừng ngày thống nhất đất nước.
Tiếp nối truyền thống
Chị Hồ Thị Vân Khánh, giáo viên, Bí thư Chi đoàn trường Tiểu học Dĩ An, chia sẻ: “Là đoàn viên, đảng viên trẻ, được sinh ra và lớn lên trên quê hương Dĩ An giàu truyền thống cách mạng, tôi càng thêm tự hào và yêu mến quê hương, đất nước hơn. Trong công tác, tôi luôn phấn đấu, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn, giáo dục học sinh lòng yêu nước, chăm ngoan, học giỏi, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ để mai sau góp phần dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp hơn…”.
Trong những năm qua, di tích Đề-pô Xe lửa Dĩ An là một điểm đến quen thuộc của bao thế hệ nhân dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thành đoàn Dĩ An, Hội đồng Đội TP.Dĩ An đã chọn nơi đây để tổ chức các hành trình về “địa chỉ đỏ” dành cho đoàn viên thanh niên, đội viên; tổ chức tuyên dương các gương điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực Đoàn - Hội - Đội; tổ chức kết nạp đoàn viên, hội viên, đội viên mới…
Khu di tích Đề-pô Xe lửa Dĩ An là địa chỉ sinh hoạt chủ điểm, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ
Chị Lâm Hoàng Thùy Trang, Bí thư Thành đoàn Dĩ An, cho biết các hoạt động được tổ chức tại khu di tích nhằm tăng cường trải nghiệm, học các bài học lịch sử qua di tích lịch sử để thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng truyền thống đấu tranh oai hùng của cha ông. Gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích cách mạng trong cuộc sống chính là góp phần bồi đắp tình yêu nước, để hình thành, nuôi dưỡng khát vọng và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự hùng cường của dân tộc.
“Từ khát vọng đó, đoàn viên, thanh niên chọn cho mình tâm thế để cùng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão với “tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn”; chủ động, dấn thân, mưu cầu làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, đóng góp cho xã hội, lập nghiệp vững chắc, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chủ động tiếp cận kiến thức mới, làm chủ khoa học công nghệ, trang bị kỹ năng và tâm thế hội nhập cùng thế giới. Qua đó, xây dựng bản lĩnh người thanh niên thế hệ hôm nay luôn giàu lòng yêu nước, tự tin, năng động, sáng tạo không ngừng, góp phần xứng đáng trong hành trình xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định”, chị Lâm Hoàng Thùy Trang chia sẻ.
(còn tiếp)
ĐỖ TRỌNG