93 mùa xuân và khát vọng hùng cường- Bài 2

Thứ ba, ngày 31/01/2023

(BDO) Xã Bình Nhâm, huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một xưa, nay là phường Bình Nhâm, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một để lãnh đạo phong trào cách mạng, phong trào yêu nước của nhân dân tại địa phương. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Bình Nhâm ngày càng phát triển mạnh, lan tỏa ra cả vùng Lái Thiêu và tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ, góp phần cùng nhân dân cả nước tạo nên thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại...

Phát huy sức mạnh của nhân dân

Theo chân cán bộ phường Bình Nhâm, chúng tôi đến với đền Bình Nhâm, nơi ghi lại dấu ấn của sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một. Đền được xây dựng năm 2003, cạnh trụ sở HĐND, UBND phường Bình Nhâm, là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ. Mỗi khi đến với đền Bình Nhâm, ai cũng có một cảm giác rất đặc biệt về ý chí quật cường của người dân vùng đất này.

Nối tiếp truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Bình Nhâm đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn

Bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, chia sẻ đền Bình Nhâm có ý nghĩa hết sức đặc biệt, là niềm tự hào chung cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng đất Bình Nhâm nói riêng, Bình Dương nói chung. Ngôi đền là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, niềm tin và ý thức trách nhiệm của những người trẻ đối với những đóng góp, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước…

Theo dòng lịch sử, Bình Nhâm là nơi xuất hiện các phong trào yêu nước, phong trào cách mạng từ rất sớm. Năm 1928, Hội kín yêu nước ở Bình Nhâm ra đời với khoảng 10 người, trong đó có những người sau này là linh hồn của các phong trào cách mạng như Nguyễn Văn Tiết, Hồ Văn Cống, Đinh Văn Sáng, Nguyễn Văn Lộng… Sau khi thay đổi chủ trương hoạt động, thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, Hội kín Bình Nhâm đã đi sâu vào quần chúng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin bắt đầu bám rễ vào một bộ phận nhân dân Bình Nhâm, phát triển lực lượng về mọi mặt.

Bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết vinh dự là nơi ra đời tổ chức cộng sản đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một, cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Bình Nhâm luôn tự hào, phát huy truyền thống cách mạng và đồng tâm xây dựng Bình Nhâm ngày càng phát triển…

Từ tháng 3-1930, người dân Bình Nhâm đã hưởng ứng tích cực các cuộc đấu tranh của công nhân Đồn điền Cao su Phú Riềng và công nhân Đề-pô Xe lửa Dĩ An. Tiếp theo là những cuộc đấu tranh của nông dân, thợ thủ công lò chén, lò đường bùng nổ, lan rộng. Những phong trào cách mạng ở địa phương lúc bấy giờ đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng để trực tiếp lãnh đạo quần chúng tiến lên những bước cao hơn. Đó là thời điểm chín muồi, tháng 8-1930, chi bộ Đảng tại Bình Nhâm được thành lập. Đây là 1 trong 3 nơi thành lập chi bộ đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một xưa để lãnh đạo phong trào cách mạng, phong trào yêu nước của nhân dân tại địa phương.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng tại Bình Nhâm, trong những tháng cuối năm 1930, 4 lần nhân dân nơi đây tổ chức mít-tinh, biểu tình, đưa đơn kiến nghị lên hội tề xã... Nổi bật nhất là cuộc mít-tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga và ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra vào tháng 11-1930, chi bộ Đảng xã Bình Nhâm đã vận động được khoảng 200 người đến dự tại miếu Cây Đào, xã Thuận Giao, quận Lái Thiêu. Tại cuộc mít-tinh, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã thay mặt chi bộ nêu mục đích, ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917; đồng thời tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Trong dịp kỷ niệm này, một số nơi lân cận tiến hành rải truyền đơn “ủng hộ chính quyền liên bang Xô Viết”...

Cũng kể từ khi đó, Bình Nhâm là một trong những điểm nóng giữa ta và địch trên địa bàn huyện trong suốt từ những năm 1930 đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30- 4-1975. Đã có hàng loạt người dân yêu nước bị thực dân, đế quốc bắt bớ giam cầm, tra tấn dã man và giết hại. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bình Nhâm đã không nề gian khổ, không ngại hy sinh, sẵn sàng với khí thế của “nghĩa sĩ Cần Giuộc”, chiến công nối tiếp chiến công góp phần cùng toàn dân cả tỉnh, cả nước đưa cuộc kháng chiến vệ quốc đến thắng lợi hoàn toàn.

Xây dựng quê hương

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang hào hùng năm xưa, từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, bước vào thời kỳ xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ Bình Nhâm tiếp tục lãnh đạo nhân dân thu được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, từng bước đưa địa phương không ngừng phát triển. Ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Bình Nhâm đang tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết vinh dự là nơi ra đời tổ chức cộng sản đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một, cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Bình Nhâm luôn tự hào, phát huy truyền thống cách mạng và đồng tâm xây dựng Bình Nhâm ngày càng phát triển. Bình Nhâm giờ đây đã đổi thay nhiều. Bộ mặt địa phương ngày càng khang trang, khởi sắc và phát triển vượt bậc. Kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Quốc phòng-an ninh tiếp tục được tăng cường và giữ vững. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ngày càng vững mạnh, hàng năm đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu theo nghị quyết đề ra. Hiện nay, toàn Đảng bộ phường có 10 chi bộ trực thuộc với 308 đảng viên. Chất lượng sinh hoạt chi bộ không ngừng được nâng cao, phát huy công tác tự phê bình và phê bình. Đảng ủy phường chỉ đạo các chi ủy chi bộ trong sinh hoạt chi bộ lồng ghép các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trao đổi, thảo luận về chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và vai trò trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên...

“Tiếp nối giá trị lịch sử cách mạng vẻ vang, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh giữa ý Đảng lòng dân, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên vùng đất Bình Nhâm chung tay góp sức viết tiếp những trang sử mới trong quá trình phát triển và hội nhập, góp phần xây dựng TP.Thuận An nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung trở thành nơi đáng sống, văn minh, hiện đại và nghĩa tình”, bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy cho hay.

Theo dòng lịch sử, Bình Nhâm là nơi xuất hiện các phong trào yêu nước, phong trào cách mạng từ rất sớm. Năm 1928, Hội kín yêu nước ở Bình Nhâm ra đời với khoảng 10 người, trong đó có những người sau này là linh hồn của các phong trào cách mạng như Nguyễn Văn Tiết, Hồ Văn Cống, Đinh Văn Sáng, Nguyễn Văn Lộng… Sau khi thay đổi chủ trương hoạt động, thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, Hội kín Bình Nhâm đã đi sâu vào quần chúng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin bắt đầu bám rễ vào một bộ phận nhân dân Bình Nhâm, phát triển lực lượng về mọi mặt…

ĐỖ TRỌNG