9 thói quen khiến bạn có thể gặp rắc rối khi du lịch
(BDO) Nhiều thói quen bình thường ở quốc gia này nhưng tới quốc gia khác lại có thể đem lại rắc rối dở khóc dở cười.
1. Ăn bằng tay ở Chile
Ở Chile, tốt hơn hết là bạn không nên dùng tay chạm vào đồ ăn mà cần sử dụng các dụng cụ trung gian. Người Chile coi việc dùng tay để ăn bất cứ thứ gì, ngay cả đồ ăn nhẹ như khoai tây chiên cũng là điều khó chịu. Đó là lý do tại sao họ luôn chuẩn bị sẵn dao và dĩa cho mỗi bữa ăn.
2. Ăn trước người lớn ở châu Á
Tôn trọng người lớn tuổi là điều rất quan trọng trong văn hóa Á Đông như ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Ở các quốc gia này, người nhỏ tuổi hơn thường phải chờ đợi người lớn tuổi bắt đầu ăn rồi mới được đụng đũa. Họ cũng thường phải đợi người lớn tuổi ăn xong rồi mới được đứng lên, nếu không thì cần xin phép trước khi rời bàn ăn. Ngoài ra, khi bất kỳ ai lớn tuổi mời bạn đồ uống, đồ ăn, bạn cũng đều phải nhận bằng hai tay. Điều này khiến nhiều du khách phương Tây cảm thấy mới mẻ.
3. Lật cá ở Trung Quốc
Ở một số vùng tại Trung Quốc, người ta có truyền thống khi ăn cá sẽ ăn từ mặt trên xuống mặt dưới và tuyệt đối không lật cá. Việc này được cho là điềm không may mắn, bắt nguồn từ phong tục của những người ngư dân để tránh những điều xui rủi như lật thuyền. Phong tục này cũng có ở một số vùng tại Việt Nam, nhất là các địa phương ven biển.
4. Yêu cầu thêm phô mai cho pizza ở Italy
Nhiều người cảm thấy việc xin thêm phô mai, ketchup, tương ớt... là việc hết sức bình thường khi ăn pizza. Nhưng tại chính quê hương của món ăn này, việc yêu cầu thêm bất kỳ nguyên liệu nào đi kèm món ăn cũng có thể bị xem là khiếm nhã, giống như một lời chê rằng đồ ăn chưa đạt yêu cầu.
5. Ăn hết sạch sành sanh ở Trung Quốc
Theo truyền thống Trung Quốc, việc vét sạch đồ ăn trong đĩa từ bị coi là thô lỗ. Đó là dấu hiệu cho thấy chủ nhà không cung cấp đủ thức ăn cho bạn và việc ăn hết đồ ăn cũng là biểu hiện của sự thiếu duyên dáng, tế nhị với các cô gái. Nhưng hiện nay, điều này đã dần dần thay đổi với các phong trào như 'Operation Empty Plate', nhằm mục đích giảm lãng phí thực phẩm.
6. Bỏ thừa đồ ăn ở Ấn Độ
Trái với Trung Quốc, Ấn Độ lại có phong tục đối lập hoàn toàn trong việc bỏ thừa đồ ăn. Với người dân nước này, ăn hết những gì có trong đĩa là điều lịch sự, thể hiện sự tôn trọng với đồ ăn - thứ được coi là thiêng liêng.
7. Đi giày vào nhà ở Nhật
Theo phong tục ở Nhật, bạn nên để giày ở lối vào của một ngôi nhà, trước khi đi vào. Truyền thống này có từ xa xưa và được duy trì đến ngày nay. Vào thời điểm đó, quy định này đi kèm yêu cầu chỉ được phép đi chân trần hoặc đi tất trên sàn trải chiếu rơm đan - nơi người Nhật ngồi, ăn và ngủ.
8. Viết tên bằng mực đỏ ở Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, màu đỏ tượng trưng cho cái chết, vì vậy họ thường sử dụng nó để đánh dấu một người đã qua đời. Nếu bạn viết tên của một người đang sống bằng màu đỏ, nó được cho là sẽ mang lại xui xẻo. Vì vậy, hãy nhớ luôn mang theo bút mực xanh hoặc đen bên mình.
9. Gật đầu ở Bulgaria
Rào cản ngôn ngữ là điều nhiều du khách gặp phải và họ phải sử dụng tới ngôn ngữ cơ thể như gật đầu và lắc đầu để biểu hiện "có" hoặc "không" với dân bản xứ. Tuy nhiên, nếu đến Bulgaria, bạn cần tư duy ngược lại để không gặp tình huống rắc rối. Một số nơi ở quốc gia này, gật đầu nghĩa là "không" còn lắc đầu lại mang ý nghĩa là "có".
Theo NS