“Trảm”cao su, khai thác đất – Kỳ 2

Thứ sáu, ngày 04/12/2015

(BDO) Kỳ 2: “Hủy hoại”… tài nguyên đất

Pháp luật đã có những quy định rất chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng đất đai; song nhiều nơi vẫn còn không ít hộ gia đình, cá nhân chỉ vì lợi ích trước mắt mà bất chấp pháp luật trong việc tổ chức khai thác đất mặt gây “hủy hoại” nguồn tài nguyên đất. Sau khai thác, nhiều khu đất giờ đây đã trở nên hoang hóa, trở thành hầm hố sâu thẳm, thậm chí có nơi còn là tâm điểm chứa rác thải công nghiệp…


Sau khi khai thác đất mặt, những hố sâu như thế này xuất hiện ngày càng nhiều và để lại những hậu quả khó lường. Ảnh chụp tại KP.Phú Nghị, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát

Những vùng “đất chết”…

Trong mấy ngày qua, chúng tôi đã trở lại “điểm nóng” vốn dĩ là nơi từng có nhiều hộ gia đình cắt cao su khai thác đất mặt ở địa bàn KP.Phú Nghị, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát để ghi nhận những đổi thay nơi đây. Khi gặp P.V, một số người dân sống ven tuyến đường đất dẫn vào khu vực khai thác đất trước đây tỏ ra vui mừng là vì nơi đây suốt hơn 8 tháng qua đã không còn trường hợp bà con nông dân cắt cao su để khai thác đất mặt. Việc người dân vui mừng cũng là điều dễ hiểu, bởi một khi hầm đất ngưng khai thác thì cũng là lúc bà con hết hứng chịu cảnh “mưa sình, nắng bụi” tra trấn trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, một số người dân khác thì lại tỏ vẻ lo ngại rồi đây tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ xảy ra, bởi có không ít hầm đất sau khai thác giờ đây đã trở thành điểm đổ rác thải công nghiệp.

“Bà con rất bức xúc vì thỉnh thoảng có một số đối tượng dùng ô tô tải lén chở nhiều loại rác thải đến đổ xuống các hầm đất hoang hóa ở khu vực này. Đây là vùng đất thấp và nằm tiếp giáp với cánh đồng của bà con và những con suối quanh khu vực nên ít nhiều mỗi khi trời mưa lớn thì nước sẽ cuốn theo những chất độc hại, mầm bệnh… ra môi trường sống”, anh N.T.T., một người dân ở KP.Phú Nghị bày tỏ mối lo.

Từ bận tâm, lo lắng của bà con về những “cảnh báo” ô nhiễm môi trường tại các hầm khai thác đất thuộc KP.Phú Nghị, phường Hòa Lợi, chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhanh tại khu vực trên thì nhận định sự lo lắng của bà con là hoàn toàn có cơ sở. Theo đó, đơn cử như tại khu vực hầm đất của ông C.G. với diện tích cả chục ngàn mét vuông trước đây là khu vườn cao su xanh tốt nhưng qua khai thác đất thì giờ đây đã trở thành vùng “đất chết”, hoang hóa; thậm chí có chỗ nằm tiếp giáp với đường đi là những vực thẳm sâu hơn 6m. Nơi đây hiện tại có vô số các loại rác thải đổ xuống. “Có lúc bà con trong vùng còn phát hiện nhiều bao rác thải lạ, trong đó đáng sợ nhất là đống rác thải với hàng ngàn kim tiêm y tế đã qua sử dụng được những người thu gom rác lén đổ xuống hầm đất của ông C.G.”, ông T., một người dân địa phương bày tỏ bức xúc.

Nhiều người dân KP.Phú Nghị cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi mảnh đất của gia đình bà Th.T. tại KP.Phú Nghị, phường Hòa Lợi nay đã trở thành cái hố sâu. Đây là khu đất vườn cao su có diện tích rộng khoảng 6.000m2 và có vị thế khá đẹp. Trước sự “hấp dẫn” của việc bán đất mặt để thu số tiền lớn, năm 2014, gia đình bà T. đã cho cắt hạ toàn bộ khu vườn cao su xanh tốt để móc đất bán cho một doanh nghiệp san lấp mặt bằng. Sau khai thác, giờ đây khu đất của gia đình bà T. thành hố sâu từ 2 - 3m khiến không ít nông dân trên địa bàn khi nhìn thấy không ngớt lời tiếc nuối. “Đã là nông dân thì ai cũng mong có đất màu mỡ để canh tác, vậy mà bà con ta đã không hối tiếc móc đất lên mà bán. Dẫu chóng vánh có được số tiền lớn nhưng rồi đây khu đất của họ sẽ trở thành vùng đất chết”, ông N.T.Th., một người dân thở dài tiếc nuối khi nói về tình trạng này.

Mối “hiểm họa” đã được báo trước!

Hàng loạt hầm hố, ao nước tù đọng tại vô số các hầm đất sau khai thác ở nhiều địa phương trong thời gian qua là một cảnh báo về vấn nạn “hủy hoại” nguồn tài nguyên đất. Một thực tế dễ thấy tại các khu đất nông nghiệp sau khai thác đất mặt với độ sâu 3 -5m thì chắc chắn sẽ để lại những hậu quả khó lường cho môi trường, nhất là khi trời mưa đọng nước, tạo thành những ao nước sâu rất nguy hiểm cho trẻ em. Đã có nhiều cái chết đau lòng cho không ít gia đình khi trẻ nhỏ kéo đến tắm tại các hầm đất và xảy ra đuối nước… Thực tế có quá nhiều bất cập như vậy nhưng hiện tình trạng khai thác đất mặt tạo thành những hố sâu, tù đọng nước… nhưng chủ hầm đất không hề có rào chắn, biển cảnh báo.

“Thời gian qua đã có trường hợp học sinh xuống tắm ở hầm đất thuộc KP.Phú Nghị bị chết đuối. Đây là một vấn đề cần cảnh báo nhưng cho đến nay, nhiều hầm đất có nước sâu trên địa bàn vẫn không hề có cắm biển cảnh báo...”, anh N.V.D., một người dân bày tỏ lo ngại.

Chia sẻ quan điểm trong việc giải quyết thực trạng bất cập nêu trên, luật sư Lê Việt Hùng, Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Hoàng Minh Bình Phước, cho biết: “Theo quy định của pháp luật, người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Còn quyền chiếm hữu, quyền định đoạt thuộc về Nhà nước. Do đó, người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoàn toàn không có quyền móc đất để phục vụ cho bất kỳ lý do gì. Theo thông tin mà báo chí phản ánh thì hành vi hủy hoại đất (móc đất), khai thác bừa bãi, không đúng mục đích làm xói mòn, biến chất đất của người sử dụng đất trên địa bàn là có tổ chức, kéo dài từ lâu gây ra hậu quả nghiêm trọng là tạo ra cả khu vực toàn “hố sâu” và “vùng đất chết”. Hành vi này có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai được quy định tại Điều 173 - Bộ luật Hình sự với khung hình phạt lên đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng”.

Cũng theo luật sư Hùng, đối với người có chức vụ, quyền hạn có liên quan đến việc quản lý đất đai ở địa phương biết việc người sử dụng đất móc đất, hủy hoại đất nhưng cố tình bỏ mặc hoặc không ngăn chặn xử lý là có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại Điều 174 - Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt lên đến 12 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Hoặc bị xử lý ở tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với mức phạt lên đến 12 năm tù, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

“Theo quy định của pháp luật, người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Còn quyền chiếm hữu, quyền định đoạt thuộc về Nhà nước. Do đó, người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoàn toàn không có quyền móc đất để phục vụ cho bất kỳ lý do gì. Theo thông tin mà báo chí phản ánh thì hành vi hủy hoại đất (móc đất), khai thác bừa bãi, không đúng mục đích làm xói mòn, biến chất đất của người sử dụng đất trên địa bàn là có tổ chức, kéo dài từ lâu gây ra hậu quả nghiêm trọng là tạo ra cả khu vực toàn “hố sâu” và “vùng đất chết”. Hành vi này có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai được quy định tại Điều 173 - Bộ luật Hình sự với khung hình phạt lên đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng”.

(Luật sư Lê Việt Hùng, Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Hoàng Minh Bình Phước, cho biết).

 

NHÓM PHÓNG VIÊN BĐ-PL