“Trảm” cao su, khai thác đất - Kỳ 1

Thứ năm, ngày 03/12/2015

(BDO) Kỳ 1: “Đại công trường”… giữa rừng cao su

Trong những năm gần đây, mặc dù chính quyền các cấp nhiều lần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm việc khai thác đất mặt trên địa bàn tỉnh nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Những thửa đất phì nhiêu vốn dĩ trước đây là những khu vườn cao su xanh tốt nhưng giờ đã trở thành “đất chết”…

Khu vườn cao su ở phường Tân Định, TX.Bến Cát trở thành một “công trường” khai thác đất với độ sâu từ 3 - 5m

Muốn nhanh… “đổi đời”

Hiện nay, do tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị của Bình Dương đang diễn tiến rất mạnh nên nhu cầu sử dụng đất để san lấp mặt bằng là rất lớn, trong khi nguồn cung thì ngày một khan hiếm. Tận dụng cơ hội này và sẵn đà mủ cao su “rớt giá”, một số gia đình đã không ngại cắt bán cây cao su, sau đó tổ chức khai thác đất mặt bán cho các doanh nghiệp dịch vụ san lấp mặt bằng. Qua bám sát cơ sở, liên tục hơn 1 tuần qua, chúng tôi lần theo dấu xe ben chở đất gây bụi mịt mù kéo dài hàng trăm mét trên đường ĐT741 để tiến sâu vào con đường đất đỏ ở KP Phú Hòa, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát. Tiếp tục bám đuôi đoàn xe ben khủng luồn lách qua những khu vườn cao su bạt ngàn của người dân, P.V đã tiếp cận được đại “công trường” khai thác đất san lấp mặt bằng với diện tích rộng hàng ngàn mét vuông ở địa bàn KP 2, phường Tân Định, TX.Bến Cát.

Khi còn cách xa hầm đất cả trăm mét, chúng tôi đã nghe rõ tiếng động cơ của máy xúc, máy kéo gầm rú vang dội cả khu vực như xé tan bầu không khí vốn dĩ yên ả, bởi khu vực này xung quanh là những cánh rừng cao su bạt ngàn. Những đoàn xe ben khủng cứ thế nối đuôi nhau vào ra không ngớt, mặc cho khói bụi mù mịt cả vùng. Khi thấy người lạ xuất hiện trong khu vực này, cánh tài xế đã liên tục điện thoại cho nhau để cảnh báo. Các bác tài xe ben đề cao cảnh giác trước vị khách không mời mà đến, đó là chúng tôi.

Với cách ngụy trang như những người đi khai thác mủ cao su trong vùng, chúng tôi dễ dàng tiếp cận hầm đất và càng tiến đến gần hơn thì có thể cảm nhận được tiếng động cơ gầm rú của xe ben, máy xúc đang hoạt động náo nhiệt. Sau khi đã cất giấu xe máy ở lùm cây quanh khu vực, chúng tôi tiếp tục chạy bộ thật nhanh vượt qua lô cao su trống đã bị đốn hạ, rồi ẩn nấp vào một lùm cây khác để tránh bị phát hiện. Tại đây, trước mắt chúng tôi là một “đại công trường” đang được đào bới rộng hàng ngàn mét vuông, sâu từ 3 - 5m. Dù giữa trưa nắng gắt, nhưng ở đây có cả chục xe ben ngược xuôi chờ lấy đất khiến 2 xe máy xúc phải làm việc hết công suất. Mỗi lúc tiếng máy xúc gầm rú là những thớ đất màu mỡ, bằng phẳng cứ thế bị đào bới càng lúc càng sâu hơn. Cách đây không lâu, “công trường” này còn là cánh rừng cao su màu mỡ, ngay cả khu vực đang chờ khai thác gần đó vẫn còn ngổn ngang gốc, nhánh cao su. Có mặt tại đây chưa đầy 1 giờ, chúng tôi ghi nhận có hàng chục xe ben chở đất (loại xe 15 tấn) nối đuôi nhau ra khỏi “công trường” này.

Đường sá xuống cấp

Những chiếc xe ben sau khi được chất đầy đất nặng nề chạy ra tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn thuộc địa bàn phường Tân Định) thì chia ra làm 2 ngã. Có xe thì ngược về hướng quốc lộ 13, phường Tân Định; có xe thì chạy sang KP Phú Hòa, phường Hòa Lợi để ra đường ĐT741 đưa đất đi san lấp mặt bằng. Anh T.V.C, người dân ở KP Phú Hòa cho biết, với người dân địa phương, cánh tài xế bán với giá 800.000 đồng/xe đất san lấp. Đi xa hơn thì có giá khoảng 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/xe (loại 15 tấn), tùy vào đường xa hay gần. “Vùng đất đang được các đầu nậu khai thác trước đây vốn là khu vườn cao su của một người dân ở phường Tân Định. Nghe đâu anh này sau khi cắt vườn cao su đang khai thác mủ rồi tổ chức khai thác đất (bán cho một đầu nậu) cũng là người địa phương với giá nhiều tỷ đồng. Những năm gần đây, ở khu vực này có không ít người dân vì muốn nhanh chóng đổi đời nên đã can tâm móc đất bán. Là dân nhà nông, tôi khẳng định đất sau khi bị khai thác ở độ sâu 3 - 5m như thế thì đã hết dinh dưỡng, không thể trồng trọt. Thậm chí cỏ cũng không mọc nổi. Bán đất ăn một lần, coi như vứt cả khu đất chứ không phải chuyện đơn giản!”, anh C. bày tỏ.

Là dân nhà nông, tôi khẳng định đất sau khi bị khai thác ở độ sâu 3 - 5m như thế thì đã hết dinh dưỡng, không thể trồng trọt. Thậm chí cỏ cũng không mọc nổi. Bán đất ăn một lần, coi như vứt cả khu đất chứ không phải chuyện đơn giản”, anh C. bày tỏ.

Theo một số người dân ở phường Hòa Lợi và phường Tân Định, TX.Bến Cát thì việc đầu nậu đang khai thác hầm đất này đã làm đảo lộn đời sống sinh hoạt của họ. Anh Chín, người dân ở KP Phú Hòa, phường Hòa Lợi cho biết: “Con đường giao thông nông thôn qua địa phận KP Phú Hòa trước đây rất đẹp, vậy mà chỉ sau mấy tháng hầm đất ở Tân Định được khai thác, xe ben thi nhau “cày” thì nay con đường đã xuống cấp, rất khó đi lại. Sáng ra, khi chủ hầm tưới nước thì đường rất trơn trượt, nhưng chỉ sau vài giờ thì bụi bay mù mịt. Ngày nào chúng tôi cũng phải lau chùi nhà vài lần, nhưng sau đó bụi bám đầy. Từ tủ giường, bàn ghế đến các vật dụng trong nhà đầy bụi, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Sáng sớm là thấy xe ben đã nối đuôi chạy rần rần đến chiều tối. Tiếng động cơ cứ gầm rú suốt ngày nên nhiều lúc muốn chợp mắt ngủ trưa một chút để lấy sức đi làm cũng không được. Cách đây vài hôm, đoạn đường gần ĐT741 hư hỏng quá nặng, khó đi lại, bà con phản ứng thì chủ hầm mới chịu cho người đến đổ đá, san lấp mặt bằng. Nhưng chỉ được vài hôm, đường lại hư, vì trọng tải xe quá nặng”.

Cùng chung tâm trạng bức xúc như nhiều hộ dân khác, anh Ph. nhà ở KP Phú Hòa (gần đường ĐT741) tiếp lời: “Đường đã nhỏ mà tài xế còn điều khiển xe chạy với tốc độ cao nên rất nguy hiểm, sợ xảy ra tai nạn cho mấy đứa nhỏ. Có hôm tui lấy xe máy chắn ngang giữa đường thì tài xế mới chịu chạy chậm và không bóp kèn hơi. Tôi thấy chính quyền các cấp không nên để tình trạng khai thác đất mặt như thế này tiếp diễn, nó sẽ để lại những hậu quả nặng nề về sau!”.

Không riêng gì người dân ở phường Hòa Lợi, nhiều hộ dân ở KP 2, phường Tân Định cũng bức xúc không kém. Với nét mặt trầm ngâm, bà N.T.U, người có nhà ven đường đất đỏ cho biết: “Mỗi lần xe tưới nước chạy qua là đường rất trơn, không ít người chạy xe máy đã bị trượt té xuống lề. Tôi thấy chủ hầm đất có cho xe cơ giới sửa chữa những đoạn đường xuống cấp, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì đường lại hư. Bây giờ đoạn đường giao thông nông thôn này đã bị mấp mô nên rất khó đi lại”…

Kỳ 2: “Hủy hoại”… tài nguyên đất

 

 NHÓM PHÓNG VIÊN BĐ-PL