Yêu sao những khúc hát dân ca

Thứ sáu, ngày 30/03/2018

(BDO) “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Mỗi người trong chúng ta ai cũng thuộc lòng câu hát ru này, nhưng không ai biết ai là người đã sáng tác nên chúng. Đó là sự độc đáo của dân ca, một thể loại âm nhạc truyền thống đã và đang chiếm trọn tâm hồn người Việt Nam mỗi khi nhớ về nguồn cội.

 Đội trường Mầm non Hoa Cúc 1 biểu diễn tiết mục “Liên khúc đồng dao”

 Trong quá trình lưu truyền, phổ biến rộng rãi dân ca bằng phương thức truyền miệng trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt văn hóa, lễ hội… người dân Nam bộ còn sáng tạo thêm ngày càng nhiều sản phẩm mới làm phong phú thêm và tạo nên đặc trưng riêng của kho tàng dân ca Nam bộ. Ngày nay, nhằm giáo dục cho các em thiếu nhi về những giá trị độc đáo của dân ca, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức hội thi hát múa dân ca khối mầm non.

Đến với các hội thi này, chúng tôi như được ngược dòng thời gian, sống lại với tuổi thơ đầy hồn nhiên và trong sáng. Nào là Lý cây bông với “Bông xanh, bông trắng rồi lại vàng bông, ơi bạn ơi/ Bông lê cho bằng bông lựu ơi bạn ơi/ Là a í a đố nàng, bông rồi lại mấy bông là a í a đố nàng, bông rồi lại mấy bông…”. Hay vừa hát vừa chơi với bài Úp lá khoai, “Úp lá khoai/ Mười hai chong chóng/ Đứa bận áo trắng đứa bận áo đen/ Đứa xách lồng đèn đứa cầm ống thụt/ Chạy vô chạy ra/ Có thằng đánh trống ếch/ Có thằng té xuống sình, té xuống sình/ Hít hà…”. Với phong cách biểu diễn mộc mạc, các em thiếu nhi ở lứa tuổi mẫu giáo đã biểu diễn những bài hát dân ca rất dễ thương. Với các em, đây là những bài rất dễ hát bởi những ca từ trong bài hát rất gần gũi và quen thuộc.

Để những làn điệu dân ca thêm gần gũi với cuộc sống hiện đại, nhiều người cũng đã viết lời mới dựa trên những nhạc điệu dân ca thành những bài hát mới rất ý nghĩa và phục vụ đắc lực trong tuyên truyền, và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong liên hoan “Đất Thủ mở hội dân gian” do Phòng Giáo dục - Đào tạo TP.Thủ Dầu Một tổ chức vừa qua, đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh đã rất thích thú bài hát “Bé đến trường” được viết lời mới từ bài Bắc kim thang của trường Mầm non Lê Thị Trung. “Bé đi đâu là đi đến trường/Chân bước đều mẹ cha dắt dìu/Bé lớn rồi quay đầu lại khóc/Bé tí xíu học hành mà chi/Cô hân hoan đón bé vào lòng/Cha mẹ cười thấy em ngoan hơn là ngoan…”. Và mới đây trong hội thi hát múa dân ca TX.Thuận An, đông đảo người xem càng ấn tượng hơn với bài hát về Bình Dương được viết lời mới từ bài Cái Bống của trường Mẫu giáo Hoa Mai 4. Tại hội thi an toàn giao thông học đường Bình Dương, trường Tiểu học Ngô Quyền (huyện Dầu Tiếng) đã gửi đến mọi người nhiều thông điệp ý nghĩa về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ qua bài hát tuyên truyền về an toàn giao thông do biên đạo múa Lê Tuấn Vũ viết lời mới từ bài Lý cây bông và bài Lý kéo chài.

Theo biên đạo múa Lê Tuấn Vũ, việc viết lời mới dựa trên nhạc nền dân ca không khó, bởi đây là những giai điệu luôn nằm lòng của mỗi người, mình chỉ việc sắp xếp ca từ sao cho phù hợp với cách luyến láy của bài hát để có thể truyền tải những tình cảm cũng như những thông điệp ý nghĩa đến mọi người.

Thầy Đỗ Hữu Sinh, Phó phụ trách Khoa Nghệ thuật trình diễn trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương cho biết, thời gian gần đây, Bình Dương có nhiều hội thi mà trong đó các đơn vị tham gia biểu diễn bằng những bài hát được viết lời mới từ những làn điệu dân ca. Tuy khả năng sáng tác còn hạn chế, nhưng do đây là những giai điệu dễ nghe, nên dễ đi vào lòng người, dễ nhớ, nếu được sử dụng để tuyên truyền về hình ảnh đất và người Bình Dương, về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng, chống các tệ nạn xã hội… thì sẽ rất hiệu quả.

 THỤC VĂN

Từ khóa: