Yêu nghề, nghề không phụ

Thứ bảy, ngày 08/10/2011

Lê Hữu Nhất đang giới thiệu về một góc quán cà phê Vàng Son do chính tay anh thiết kế

Sau 10 năm lăn lộn trong nghề, hiện tại Lê Hữu Nhất đã có cổ phần trong 3 quán cà phê lớn với trị giá lên đến tiền tỷ. Đó là 2 quán nằm ở địa bàn TX.Long Khánh (Đồng Nai) và quán cà phê Vàng Son (đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Mỹ, TX.TDM). Tuy nhiên, để đạt được những thành công bước đầu như hôm nay, Nhất đã nếm trải không ít chua cay, phải đổ nhiều công sức, mồ hôi.

“Tầm sư học đạo”

Anh kể, sau khi từ bỏ công việc quản lý nhân sự, anh góp vốn chung với người thân mở một quán cà phê ở TX.Long Khánh. Quán xây dựng khá đẹp, nằm ở vị trí trung tâm, nhưng sau ngày khai trương, lượng khách cứ thế thưa dần, ế ẩm. Để tìm hiểu nguyên nhân của sự thất bại, anh vác ba lô xuống TP.HCM xin phụ việc ở nhiều quán cà phê. Qua đó, anh đã nhận ra việc kinh doanh quán cà phê quá phức tạp. Nhất bảo: “Muốn thành công, đòi hỏi người chủ phải có tâm huyết, yêu nghề. Phải thường xuyên chăm sóc quán như chăm sóc một đứa con. Nhiều việc phải làm lắm”.

 

Quản lý tốt sẽ quyết định sự thành bại của quán

Theo Nhất, không ít người cạnh tranh trong kinh doanh khi đua nhau bỏ ra tiền tỷ để xây quán thật lớn, hoành tráng, nhưng như thế là chưa đủ. Khách hàng thường rất khó tính, mỗi quán chỉ có một lượng khách nhất định. Mình phải xác định rõ đối tượng đến quán là ai. Ngoài việc chất lượng cà phê, thức uống được đặt lên hàng đầu, còn phải bố trí không gian quán hợp lý, chọn những dòng nhạc nào hợp thị hiếu. Chưa hết, qua thời gian, người chủ phải biết làm mới quán bằng cách tạo ra không gian mới như sắp đặt lại một số cây cảnh, bố trí chỗ ngồi hay tạo ra những điểm nhấn bằng những thác nước, hồ sen, những họa tiết trên tường... nhưng không được phá vỡ cảnh quan tổng thể của quán. “Không ít những vị khách tỏ ra không hài lòng khi bảo với tôi vì sao những cây kiểng nơi họ thường ngồi lại có lá vàng... Bên cạnh đó, cung cách phục vụ của đội ngũ nhân viên trong quán phải được đặc biệt quan tâm. Đây cũng là yếu tố quyết định sự sống còn của quán. Không ai chấp nhận kiểu khi bỏ tiền ra để thư giãn, thưởng thức một ly cà phê mà phải bắt gặp những ánh mắt vô hồn hay những câu nói cộc lốc từ người phục vụ. Đã là nhân viên phục vụ quán thì phải gọn gàng, nhanh nhẹn trong từng cử chỉ. Thậm chí móng tay, móng chân cũng phải sạch...” - Nhất cho biết.

Càng xâm nhập thực tế, Lê Hữu Nhất càng rút tỉa được nhiều kinh nghiệm từ những người đi trước. Trong khoảng thời gian dài, ngày thì đi phụ quán, ban đêm đăng ký tham gia nhiều lớp đào tạo quản lý, nấu ăn ở các trường trung cấp nghiệp vụ, anh nhanh chóng trở thành một trong những quản lý giỏi được nhiều người săn đón. Cũng từ những kinh nghiệm thực tế, anh đã áp dụng vào quán cà phê của mình và đã gặt hái thành công.

Từ chỗ có vốn, anh lại tiếp tục đầu tư gần phân nửa cổ phần vào một quán cà phê thứ 2 cũng ngay tại TX.Long Khánh. Lợi nhuận từ hai quán cà phê này, mỗi tháng anh thu về hàng chục triệu đồng.

Nhân đôi niềm đam mê

Với nhiều người, có thể nói đã ngồi không hưởng lợi, nhưng với Nhất lại khác. Vẫn tiếp tục vác ba lô đi làm quản lý cho nhiều quán cà phê lớn ở địa bàn TX.TDM trong nhiều năm qua. Có quán khi mở ra không mời được anh quản lý thì bỏ tiền nhờ anh “set-up” toàn bộ giai đoạn đầu. Khi tôi thắc mắc vì sao khi đã có tiền trong tay mà anh còn phải lang thang đây đó cho cực thân? Nhất cười tươi, bật mí: “Đó là đam mê và yêu nghề”.

Lê Hữu Nhất cho biết, hiện tại trên địa bàn TX.TDM, nếu một người quản lý quán cà phê có nghề, họ sẽ được trả mức lương không dưới 6 triệu đồng/tháng kèm theo bao ăn, ở. Mới đây, không ít người đã đánh tiếng mời anh về làm việc với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Xem ra, công việc này đang thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm.

 

 Với mức lương làm công mỗi tháng 5 - 7 triệu đồng trong thời gian qua, hầu như anh không màng đến. Anh tâm sự: “Làm là để trau dồi công việc, để tìm nguồn cảm hứng mới, tìm cơ hội mới”. Cụ thể khi mới đây, anh lại tiếp tục góp cổ phần của mình vào quán cà phê Vàng Son ở đường Huỳnh Văn Lũy. Sau bao nhiêu năm học hỏi, đúc kết, quan sát, có thể nói quán cà phê này như là một đứa con tinh thần đối với anh. Bởi ở đây anh không chỉ trực tiếp quản lý, mà còn kiêm luôn công việc “kiến trúc sư” từ lúc khởi công. Anh đã phải lăn lộn hàng tháng trời cùng anh em thợ hồ trộn vữa, cắt sắt, chẻ đá theo đúng sở thích của mình. Trên diện tích đất mà chiều rộng khá khiêm tốn, anh đã tạo ra một quán cà phê khá đẳng cấp khi thiết kế giàn mái che bằng nhiều thứ vật liệu chạy theo hình chữ S. Từ cách thiết kế khá lạ này, đã để lộ ra nhiều không gian trống trồng xen lẫn cây xanh, đồi cỏ, hồ sen... mang đậm màu sắc làng quê Việt Nam. Quán đã tạo việc làm cho hơn 10 sinh viên làm việc bán thời gian.

Như anh từng nói, để tạo ra một quán cà phê thu hút khách đã khó, thì việc giữ chân khách còn khó gấp bội. Công việc này đòi hỏi người quản lý phải yêu nghề, có tâm không cũng chưa đủ mà chủ quán đóng vai trò quyết định. Bởi khi người quản lý đòi hỏi quá nhiều ở nhân viên phục vụ thì phải xem lại mức lương của họ. Nếu mức lương quá thấp so với mặt bằng chung, liệu rằng đội ngũ nhân viên có dốc sức làm việc toàn tâm, toàn lực hay không? Một yếu tố để trở thành một quản lý giỏi, theo anh Nhất, người đó phải có lòng vị tha, phải biết kìm nén nóng giận để giải quyết công việc một cách chuẩn mực nhất. Rất đơn giản, bởi khi bưng bê quá mệt, nhân viên ắt hẳn sẽ phát sinh mâu thuẫn, thậm chí “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. Từ đó, quản lý phải hiểu, thông cảm và biết rõ tính khí của từng người để giao việc...

Sau nhiều năm tìm tòi, đam mê nghề nghiệp và đã gặt hái được nhiều thành công, Lê Hữu Nhất đã bật mí một quyết định khá táo bạo khi không lâu nữa, anh sẽ chính thức ra mắt một công ty chuyên đào tạo quản lý quán cà phê, nhà hàng, khách sạn trên đất Bình Dương. Những ngày tháng lăn lộn vừa qua của anh cũng không ngoài mục đích này.

QUANG TÁM