Yêu cầu giảm lãi các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm

Chủ nhật, ngày 08/07/2012

Trong khi tăng trưởng tín dụng thấp, hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm, kể từ ngày 15-7 tới.

Sáng 7-7, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo toàn ngành ngân hàng phải nhanh chóng hạ lãi suất cho vay với doanh nghiệp, thể hiện chia sẻ khó khăn của ngành ngân hàng bằng hành động cụ thể.

 Lãi suất các khoản vay cũ sẽ về mức 15%? Theo tinh thần đó, Thống đốc yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng phải sớm chỉ đạo các chi nhánh điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15%/năm. Với khoản vay mới lãi suất cho vay theo mặt bằng lãi suất huy động mới nhưng đảm bảo chất lượng tín dụng vay.

Báo cáo của NHNN cho biết: Tính đến ngày 30-6, tín dụng tăng 0,76% so với cuối năm 2011 (nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác thì tăng khoảng 1,4%). Đặc biệt, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực đang khát và khó tiếp cận vốn nhất hiện nay, giảm 13,69%. Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu tín dụng cả năm nay phải tăng 15-17% để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5%.

Tín dụng giảm thời gian qua, theo phân tích của NHNN do cầu tín dụng ở mức thấp khi cầu trong nước và nước ngoài tăng thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn của ngân hàng. Khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp và hộ dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra, thị trường bất động sản thanh khoản kém gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) do phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc bất động sản.

“Bởi vậy, các TCTD có xu hướng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn tín dụng...”, báo cáo nhấn mạnh. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NHNN cho rằng phải có sự đồng bộ các giải pháp từ phía các chính sách kinh tế vĩ mô.

Mặc dù tính đến ngày 30-6, tổng phương tiện thanh toán chưa loại trừ giấy tờ có giá do TCTD phát hành lẫn nhau tăng 5,57% so với cuối năm 2011, phù hợp với mục tiêu tăng tổng phương tiện thanh toán 14-16% trong năm 2012. Nhưng tổng nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chiếm 4,47% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế (cuối năm 2011 là 3,07%). Nợ xấu tăng lên so với đầu năm phát sinh từ các khoản nợ trước đây, thời gian qua do điều kiện thị trường không thuận lợi, hàng tồn kho tăng cao, tình hình tài chính của bên vay ngày một yếu đi, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Do đó, Thống đốc yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng phải sớm chỉ đạo các chi nhánh điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15%/năm. Kể từ ngày 15-7 tới, những khoản vay cũ trước đây cần được điều chỉnh giảm lãi suất.

Đáp lại yêu cầu của Thống đốc, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết sẽ phấn đấu để đưa mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn giảm xuống dưới 20% vào cuối năm. Tuy nhiên, Thống đốc không hài lòng với chỉ tiêu này và yêu cầu Hà Nội cần thực hiện chỉ đạo đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%.

Lãnh đạo các ngân hàng như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)… cho biết sẽ nhanh chóng thực hiện yêu cầu hạ lãi suất từ tuần tới.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Vietcombank đưa đến hội nghị thông tin, hiện Vietcombank chỉ có 25% khối lượng tín dụng có lãi suất trên 15%/năm nên ngân hàng hoàn toàn đáp ứng được chỉ đạo của Thống đốc. Để chia sẻ cùng doanh nghiệp, biên độ lợi nhuận lãi vay của Vietcombank chỉ duy trì khoảng 2%, đủ để đáp ứng chi phí hoạt động. Tuy nhiên, ông Thanh cũng đề nghị NHNN tiếp tục đẩy mạnh tín dụng cho vay tiêu dùng phi sản xuất, để kéo tăng trưởng tín dụng lên.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ngay đầu tuần sau NHNN sẽ ban hành công văn để các ngân hàng có cơ sở thực hiện giảm lãi suất. Đồng thời, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng giao hẹn đến ngày 15-7-2012, các ngân hàng phải có văn bản chỉ đạo xuống từng chi nhánh yêu cầu rà soát các hợp đồng tín dụng cũ để thực hiện điều chỉnh lãi suất vay cho doanh nghiệp.

Theo Dân Trí