Yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu giảm tần suất tăng giá

Thứ năm, ngày 11/03/2010

 

Từ tháng 10-2009 đến nay giá xăng tăng tới 5 lần.

Từ nay đến hết tháng 6, các doanh nghiệp xăng dầu phải thực hiện việc giãn các lần tăng giá bán lẻ để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

 

Yêu cầu này vừa được Bộ Tài chính phát đi chiều tối qua (10-3), sau khi Chính phủ yêu cầu các bộ ngành xem xét lại cơ chế điều hành giá xăng dầu. Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, doanh nghiệp cần giảm tần suất điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Trong trường hợp việc kéo dài thời gian tăng giá giữa 2 lần làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cần báo cáo liên Bộ Tài chính - Công Thương để thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định.

 

Ngoài ra, khi điều chỉnh giá bán lẻ, doanh nghiệp phải kịp thời gửi thông báo quyết định giá, phương án giải trình tính toán giá bán tới Tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu. Đồng thời thông tin đầy đủ đến các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền cho người dân và xã hội.

 

Cũng trong chiều qua, Bộ Tài chính đã quyết định thành lập các đoàn thanh tra để giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về giá và thuế tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh 6 nhóm mặt hàng chính, gồm xi măng, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, khí hoá lỏng, phân bón hoá học và đường ăn. Theo đó, các doanh nghiệp phải niêm yết công khai giá bán để người tiêu dùng tiện giám sát. Bộ Tài chính khẳng định sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá và thuế.

 

Để hạn chế tính trạng doanh nghiệp tăng giá xăng bất hợp lý, cuối tuần trước, Thủ tướng cũng yêu cầu Liên bộ Tài chính - Công Thương thực hiện ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với việc điều chỉnh giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Liên bộ cần đối soát việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu thời gian qua có đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, các bộ ngành, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với tình hình và yêu cầu quản lý kinh doanh nhằm kiềm chế lạm phát.

(Theo VNE)