Y tế học đường: Bao giờ lấp được khoảng trống
Theo quy định, các trường học phải có y tế học đường để chăm sóc sức khỏe cho học sinh (HS) trong thời gian các em học tập, sinh hoạt ở trường, cũng như tuyên truyền giáo dục sức khỏe học đường cho HS. Thế nhưng hiện nay hoạt động y tế trường học gần như bị bỏ lửng, mà nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lực.
Đa số kiêm nhiệm
Đến bất kỳ trường học nào chúng tôi cũng thấy nhà trường có trang bị tủ thuốc với một số thuốc thông thường như nhức đầu, đau bụng, bông băng, thuốc đỏ... Ở những trường còn khó khăn về cơ sở vật chất thì tủ thuốc được để chung với các phòng làm việc khác. Khá hơn, những trường vừa được xây mới theo hướng chuẩn quốc gia có bố trí phòng y tế được trang bị giường, tủ hẳn hoi. Nhưng hầu như hoạt động y tế học đường gần như bị bỏ trống, kể cả trường có phòng y tế nhưng có cũng như không, vì không có cán bộ y tế phụ trách y tế học đường. Vậy ai quản lý hoạt động này? Tìm hiểu chúng tôi được biết, đa số các trường giao cho giám thị hoặc cán bộ phụ trách chữ thập đỏ kiêm nhiệm luôn y tế trường học. Với cán bộ chữ thập đỏ còn có chút ít kiến thức về sức khỏe, nhưng họ phải đứng lớp hoặc còn quá nhiều việc khác nên ít khi có mặt ở trường. Còn giám thị đảm nhiệm công việc này thì càng nghịch lý hơn, vì họ không được trang bị về kiến thức chăm sóc sức khỏe.
Nhân viên phục vụ trường THPT Trần Văn Ơn kiêm nhiệm quản lý phòng y tế
Tại trường THPT Trần Văn Ơn (TX.Thuận An), phòng y tế được giao cho... một nữ nhân viên phục vụ, vì chị này thường xuyên có mặt ở trường. Mỗi khi HS có vấn đề về sức khỏe, thì chị này có nhiệm vụ phát thuốc cho các em. Còn nếu có HS gặp sự cố cần sơ cấp cứu thì thầy trò sơ cứu ban đầu, sau đó đưa các em đến phòng khám đa khoa khu vực gần đó để tiếp tục được chăm sóc. Ông Thuận, Phó Hiệu trưởng nhà trường than thở: “5 năm thành lập trường, hàng năm chúng tôi xin biên chế cán bộ y tế nhưng không năm nào có cả, nhà trường đành phải giao cho người không có nghiệp vụ kiêm nhiệm”. Với HS cấp III có chút kiến thức về sơ cấp cứu nên thầy trò còn có thể tự lo được, còn với những cấp học khác khi HS gặp tai nạn hoặc bệnh đột xuất thì không biết tình thế sẽ ra sao.
Mỗi ngày HS có ít nhất hơn 4 tiếng học tập, hoạt động ở trường, với HS học 2 buổi thì thời gian tăng gấp đôi. Vậy mà không có cán bộ y tế học đường để chăm sóc sức khỏe cho HS thì đây là việc không nhỏ. Đã có những trường hợp sức khỏe HS bị đe dọa cũng chỉ vì không có cán bộ y tế học đường. Cuối năm học vừa qua, trong thời gian ôn thi vào lớp 10, em N.H, HS trường THCS Chu Văn An (TX.TDM) chẳng may bị sốt cao. Em được bạn bè đưa xuống phòng y tế (trường này không có cán bộ y tế). Thấy em này sốt, run, thay vì lau mát cho em hoặc cho em uống thuốc hạ sốt, nhưng vì không có kiến thức về y tế, cán bộ giám thị đưa cho em tấm khăn bàn đắp lên người (điều này là vô cùng tai hại đối với người bị sốt). Phụ huynh HS này đến đưa con đi bệnh viện thì em sốt đến 41 độ. Nếu phụ huynh không đến kịp thời thì không ai có thể lường được sức khỏe của em này ra sao.
Đề cập đến việc này, anh Th., một phụ huynh cũng phàn nàn: khi còn học tiểu học, có lần con anh bị sốt, do trường không có cán bộ y tế nên bảo vệ chở con anh về đến nhà coi như anh này đã xong nhiệm vụ. Nhưng do sức khỏe không tốt, con anh không thể vào nhà, may nhờ người hàng xóm phát hiện kịp đưa cháu vào nhà và gọi anh về chăm sóc cho con.
Sẽ được lấp đầy?
Năm học 2011-2012 ngành GD-ĐT có nhu cầu tuyển 263 cán bộ y tế, nhưng khả năng khó tuyển đủ vì không có nguồn. Trước tình trạng y tế học đường có cũng như không, UBND tỉnh, ngành GD-ĐT thấy được điều này và đã có kế hoạch đào tạo y tế học đường. Cụ thể, UBND tỉnh đã có tờ trình Bộ GD-ĐT tăng thêm chỉ tiêu đào tạo cho trường Cao đẳng Y tế đào tạo y tế học đường, với 300 chỉ tiêu trong 3 năm. Như vậy hy vọng 2 năm nữa sẽ có nguồn đưa về các trường.
Chương trình này có khả thi hay không còn phải chờ thời gian. Vì thời gian qua một trong những nguyên nhân khiến các trường không thu hút y tế học đường là do mức lương còn thấp. Trong khi hiện nay y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh, cán bộ y tế không có điều kiện phát huy nghề nghiệp nếu làm việc ở trường học, nên họ có sự so sánh khi lựa chọn địa chỉ công tác.
Trong khi chờ đợi có y tế học đường, các trường vẫn tiếp tục “giật gấu vá vai”. Theo chúng tôi, để chữa cháy, trước mắt các trường nên cho người đang kiêm nhiệm công tác y tế đi tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn về chăm sóc sức khỏe để ít nhất cũng biết được việc sơ cấp cứu ban đầu khi HS chẳng may bị rủi ro, bệnh tật trong thời gian học ở trường.
HỒNG THÁI