Y tế dự phòng: “Chốt chặn” dịch bệnh

Thứ sáu, ngày 02/10/2020

(BDO) Làm tốt các bước dự phòng

YTDP luôn được xác định là khâu trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. 5 năm qua, hệ thống YTDP không ngừng được quan tâm, đầu tư phát triển ở tất cả các xã, thị trấn trong toàn tỉnh, đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương làm tốt công tác YTDP trên cả nước. Thành quả này còn cho thấy nhiệm kỳ 2015-2020, ngành y tế luôn tăng cường công tác giám sát bệnh truyền nhiễm, chủ động giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch mới nổi nguy hiểm, như Ebola, MERS-CoV, Zika và các bệnh truyền nhiễm lưu hành, như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, bệnh dại, viêm não Nhật Bản, liên cầu heo...

 

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh

Các chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin được tổ chức đồng bộ hiệu quả trước khi có nguy cơ bùng phát dịch. Nhờ đó, hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi đã được ngăn chặn, không ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập. Đặc biệt, các bệnh dịch lưu hành theo mùa cũng được khống chế và kiểm soát tốt, số ca bệnh ngày càng giảm qua các năm.

Song song với phòng chống dịch bệnh, Bình Dương cũng thực hiện tốt phòng chống bệnh không lây nhiễm. Hoạt động khám sàng lọc được thực hiện ở tất cả các tuyến với hàng chục ngàn người tham gia. Bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm được quản lý, điều trị tốt, giảm biến chứng của bệnh.

Đặc biệt, Bình Dương là một trong những tỉnh tiên phong đi đầu trong cả nước thực hiện chỉ tiêu 90-90-90, qua đó đưa tỷ lệ nhiễm mới HIV giảm dần qua từng năm. Hoạt động điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai tích cực. Trong 5 năm gần đây, các hoạt động vệ sinh môi trường, y tế trường học, sức khỏe nghề nghiệp, phòng chống bệnh xã hội cũng được tăng cường. Tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng được nâng cao. Mạng lưới y tế cơ sở toàn tỉnh được kiện toàn với 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% trạm y tế xã có bác sĩ khám chữa bệnh.

Nhiệm kỳ qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm thực hiện, đáp ứng yêu cầu tin học hóa trong khám, chữa bệnh. Hầu hết, các bệnh viện đều đạt tiêu chí 3 về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, một số cơ sở đạt tiêu chí ở mức 4 hoặc mức 5, tiến tới thực hiện bệnh án điện tử, thống kê y tế điện tử, không sử dụng báo cáo giấy.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Đó chính là lý do ngành y tế Bình Dương luôn coi trọng việc phát triển hệ thống YTDP. Thành công của những chiến lược YTDP có thể cứu sống, kéo dài tuổi thọ và làm thay đổi cuộc sống của cả cộng đồng. Nhìn nhận khách quan về lĩnh vực YTDP nhiệm kỳ 2015- 2020, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thực tế ghi nhận từ lịch sử các bệnh dịch (đậu mùa, cúm A/H1N1, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng…), Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu về phòng dịch và hạn chế thấp nhất số ca mắc, tử vong do dịch.

Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015-2020, ngành YTDP đã làm tốt các biện pháp xử lý triệt để nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và Zika, phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chưa có trường hợp nào nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, chưa có trường hợp nào nhiễm vi rút Zika và chưa có địa phương nào trong tỉnh để bùng phát dịch sốt xuất huyết trên diện rộng. 

Hiện nay trong xu thế ứng phó với mô hình bệnh tật luôn thay đổi, gánh nặng bệnh tật kép đòi hỏi hệ thống y tế phải có những đáp ứng, thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng dịch vụ. Thực tế đã chứng minh, thời gian qua, YTDP không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ.

Để công tác YTDP ngày càng phát triển, đòi hỏi cần thiết đội ngũ cán bộ ngành y không ngừng cố gắng, nỗ lực cùng với sự chung tay của các cấp, các ngành trong tỉnh và đặc biệt sự vào cuộc tích cực của người dân. Bàn về giải pháp phát triển YTDP, ông Huỳnh Thanh Hà cho biết thêm: “Hiện nay, YTDP đóng vai trò như người “gác cổng” chăm lo sức khỏe nhân dân. Vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống YTDP, đặc biệt là tuyến cơ sở. Giải quyết thách thức, ứng phó dịch bệnh, không cách nào khác là tăng cường đầu tư vào hệ thống y tế, dự báo, phát hiện và ứng phó kịp thời dịch bệnh, cả bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ... góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đầu tư mũi nhọn để nâng cao thế mạnh cho các đơn vị YTDP; tập trung củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã, thiết lập và phát triển mô hình bác sĩ gia đình; phát triển dịch vụ y tế theo hướng ngày càng gần gũi với người dân; đẩy mạnh ứng dụng tin học để phát triển hệ thống quản lý thông tin y tế ngay từ tuyến xã. Ngành y tế cũng xác định việc phát triển y học dự phòng gắn với y học điều trị để tạo thành sức mạnh tổng hợp phục vụ hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bình Dương đã khởi tạo được hơn 2,1 triệu hồ sơ hành chính cho người dân, chiếm 86% dân số. Hiện tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đều thực hiện cập nhật dữ liệu khám chữa bệnh của người dân vào hồ sơ sức khỏe điện tử. Một số trung tâm y tế huyện, thị, thành phố đã xây dựng kế hoạch cập nhật các dữ liệu về tiền sử bệnh, tình trạng tiêm chủng để hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

 KIM HÀ

Từ khóa: