Y tế Bình Dương thiếu nhân lực, vướng cơ chế

Thứ sáu, ngày 06/05/2022

(BDO) Thiếu nhân lực, vướng cơ chế là vấn đề mà ngành y tế Bình Dương đang gặp phải. Chính những khó khăn này là rào cản lớn khiến ngành y tế công lập phát triển không tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà.

 Ê kíp đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện kỹ thuật ít xâm lấn trong điều trị bệnh lý sỏi đường tiết niệu

 Thiếu 593 bác sĩ, điều dưỡng hộ sinh

Là tỉnh phát triển công nghiệp, đời sống kinh tế của người dân Bình Dương ngày càng được nâng cao. Chính vì vậy, nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân cũng ngày một tăng cao, đa dạng. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 3 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế tuyến huyện, 2 bệnh viện ngành, 14 bệnh viện tư nhân và 91 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Trong đó, chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh được xếp là bệnh viện đa khoa hạng 1, còn lại là hạng 2 hoặc hạng 3.

Một thực tế đã tồn tại trong rất nhiều năm qua, người dân Bình Dương ít có niềm tin về chất lượng chuyên môn của các y, bác sĩ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong hệ thống công lập. Khi bệnh nặng, người dân thường “đổ xuống” các bệnh viện lớn tại TP.Hồ Chí Minh, như: Chợ Rẫy, Đại học Y dược, Nhi Đồng… để khám, chữa bệnh. Bà Nguyễn Thị Mùi, ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Những lúc ho, sổ mũi, nhức đầu sơ sơ tôi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhưng khi bệnh nặng, tôi thường đến bệnh viện lớn tại TP.Hồ Chí Minh để được chăm sóc sức khỏe tốt nhất” .

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Hệ thống y tế trong tỉnh ở cả 3 tuyến còn nhiều hạn chế về điều trị chuyên sâu, thiếu bác sĩ và điều dưỡng. Công tác đào tạo bồi dưỡng, thu hút tuyển dụng còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ bác sĩ/ vạn dân và chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết Tỉnh ủy giao. Hàng năm, tỉnh không thể tuyển đủ nhu cầu số lượng bác sĩ, cán bộ y tế”. Để đạt tỷ lệ 10 bác sĩ/10.000 dân theo Quyết định 816/QĐ-BYT của Bộ Y tế về “Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020”, Bình Dương vẫn còn thiếu 600 bác sĩ, tính cả hệ thống công lập và ngoài công lập. Đó là chưa kể mỗi năm tỉnh cần bổ sung thêm 100 bác sĩ để phục vụ cho nhu cầu tăng dân số cơ học của 100.000 - 150.000 dân/năm. Đặc biệt, tỉnh còn thiếu 593 biên chế cho chức danh bác sĩ, điều dưỡng hộ sinh, trong đó y tế tuyến cơ sở thiếu 549 biên chế, y tế tuyến tỉnh thiếu 44 biên chế.

Trong khi nhân lực chất lượng cao khó tuyển dụng thì nguồn nhân lực bác sĩ từ chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng tốt nghiệp rất ít. Hàng năm, Sở Y tế cử đi đào tạo hơn 200 thí sinh nhưng tốt nghiệp chỉ 30 bác sĩ/năm. Đào tạo sau đại học cũng không “sáng” hơn khi tỷ lệ trúng tuyển hàng năm thấp, trung bình 20 - 25 bác sĩ/năm. Riêng năm 2021, ngành y tế tỉnh chỉ trúng tuyển 2 bác sĩ chuyên khoa 2, không đạt yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Sau đại dịch Covid-19, hàng loạt nhân viên y tế trước áp lực công việc đã bỏ việc. Thống kê toàn tỉnh có khoảng 300 nhân viên y tế nghỉ việc nên nhu cầu tuyển dụng của ngành trong năm 2022 là 780 chỉ tiêu cho tất cả các tuyến.

Y tế cơ sở vướng cơ chế

Tình trạng nguồn nhân lực mỏng cũng đang là vấn đề tồn tại ở tất cả các trung tâm y tế khi thiếu bác sĩ, đội ngũ cán bộ y tế trình độ chuyên môn, chuyên khoa sâu để mở rộng phát triển. Theo các cán bộ y tế cơ sở, chính sách thu hút bác sĩ chưa đủ mạnh để động viên cán bộ giỏi, có trình độ chuyên môn cao yên tâm công tác lâu dài, tâm huyết phục vụ cho y tế tỉnh nhà. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa hạng 2 trực thuộc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, có quy mô 320 giường bệnh nhưng máy móc, trang thiết bị mới chỉ đáp ứng nhu cầu cho 200 giường bệnh.

Bà Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết hiện các máy móc, trang thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng, hết hạn sử dụng và không đủ để phục vụ cho nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Chính sự vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính đã ràng buộc sự phát triển của đơn vị. Năm 2016, khối điều trị là Bệnh viện Đa khoa hạng 2 của trung tâm được giao tự chủ về kinh phí hoạt động thường xuyên, tự thu tự chi nhưng ràng buộc đơn vị không thể tự chủ toàn diện vì bệnh viện vẫn thuộc Trung tâm Y tế. Hàng năm, bệnh viện phải trích lập quỹ cải cách tiền lương gồm nguồn thu viện phí trích 35% sau khi trừ chi phí trực tiếp và 40% trích thu từ các nguồn khác.

“Nguồn cải cách tiền lương phải trích cao nhưng lại ít sử dụng. Hiện tại, nguồn cải cách tiền lương của đơn vị còn hơn 64 tỷ đồng nhưng không thể sử dụng trong khi nguồn quỹ khen thưởng, quỹ thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế hạn hẹp, lương và các chế độ đãi ngộ thấp. Đơn vị không có nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng bệnh viện hạng 2, phát triển đội ngũ y, bác sĩ với chuyên môn cao, danh mục kỹ thuật khó, hiện đại để cạnh tranh với các đơn vị y tế tư nhân trên địa bàn”, bà Phương nói.

Bên cạnh thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, các bệnh viện tuyến huyện còn thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề. Theo Luật Khám chữa bệnh năm 2009 và các thông tư liên quan, bác sĩ chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề khi trải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là 18 tháng. Với quy định này, những bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề không thể khám, điều trị và nếu có thì các ca khám, điều trị không được thanh toán bảo hiểm y tế. Trong khi đó có thời điểm bệnh nhân đến đông, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề trực tiếp khám, chữa trị nhưng lại vướng vào quy định tần suất khám bệnh là bác sĩ hành nghề không được khám quá 45 lượt bệnh nhân/ngày.

 Để đạt tỷ lệ 10 bác sĩ/10.000 dân theo Quyết định 816/QĐ-BYT của Bộ Y tế về “Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020”, Bình Dương vẫn còn thiếu 600 bác sĩ, tính cả hệ thống công lập và ngoài công lập. Đó là chưa kể mỗi năm tỉnh cần bổ sung thêm 100 bác sĩ để phục vụ cho nhu cầu tăng dân số cơ học của 100.000 - 150.000 dân/năm. Đặc biệt, tỉnh còn thiếu 593 biên chế cho chức danh bác sĩ, điều dưỡng hộ sinh, trong đó y tế tuyến cơ sở thiếu 549 biên chế, y tế tuyến tỉnh thiếu 44 biên chế.

 KIM HÀ