Ý nghĩa từ một mô hình gần dân
(BDO) Mô hình “Điểm tâm sáng cùng thanh niên công nhân và lao động trẻ khu nhà trọ” được triển khai thực hiện tại phường Phú Thọ trong thời gian gần đây đã tạo được những hiệu ứng tích cực.
Lãnh đạo phường Phú Thọ trò chuyện thân mật với người ở trọ tại buổi điểm tâm sáng vừa được tổ chức tại đình thần Phú Văn
Một sáng cuối tuần giữa tháng 7, dù không phải ngày lễ gì nhưng đình thần Phú Văn trên địa bàn khu phố 7, phường Phú Thọ lại có rất nhiều người ghé đến. Chúng tôi ghé lại đây lúc gần 7 giờ sáng đã thấy các bạn đoàn viên thanh niên phường cùng nhau bày biện các món ăn, thức uống, rồi căng dây treo băng rôn có đề dòng chữ “Điểm tâm sáng cùng thanh niên công nhân và lao động trẻ khu nhà trọ”. Nhiều người ở trọ gần đó cũng lần lượt đến tham gia, ăn sáng miễn phí và cùng trò chuyện, trao đổi cởi mở với lãnh đạo phường, các bạn đoàn viên, hội viên địa phương. “Điểm tâm sáng cùng thanh niên công nhân và lao động trẻ khu nhà trọ” là mô hình được Đoàn Thanh niên phường Phú Thọ triển khai thực hiện từ tháng 2-2024 đến nay.
Chị Bồ Thị Ngọc Linh, Bí thư Phường đoàn Phú Thọ, cho biết để giúp người ở trọ có sự kết nối gần gũi, có thể bày tỏ ý kiến, phản ánh những điều họ quan tâm, thấy được với chính quyền địa phương, Phường đoàn đã mạnh dạn tham mưu với Đảng ủy phường triển khai thực hiện mô hình này. Mô hình cũng giúp Đảng ủy, UBND, các ban ngành, đoàn thể phường nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của thanh niên công nhân, người ở trọ trên địa bàn để có thể hướng dẫn, hỗ trợ họ một cách kịp thời, góp phần ổn định tình hình, giúp người ở trọ yên tâm gắn bó lâu dài với địa phương.
Được chủ nhà trọ thông báo về chương trình này tại đình thần Phú Văn, chị Dương Thị Hạnh đến tham gia với tinh thần rất vui vẻ. Hiện chị Hạnh đang sống cùng chồng và con nhỏ tại khu nhà trọ Út Giàu ở khu phố 7. Bản thân chị đang làm công nhân, chồng thất nghiệp gần cả năm nay nên cuộc sống cũng gặp không ít khó khăn. Đến tham gia mô hình này, chị Hạnh tranh thủ bày tỏ về tình trạng thất nghiệp của chồng và được lãnh đạo địa phương ghi nhận thông tin để có thể hỗ trợ giới thiệu việc làm cho chồng chị khi có nơi tuyển dụng.
Chị Hạnh bày tỏ: “Đến đây, không chỉ được ăn sáng, uống cà phê miễn phí, mà tôi còn được lãnh đạo địa phương lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mình. Tôi thấy mô hình này rất ý nghĩa, nếu thực hiện được nhiều hơn nữa thì càng vui hơn, giúp người ở trọ giao lưu với nhau, thêm đoàn kết. Người ở trọ cũng có thể hỗ trợ thông tin giúp địa phương nắm bắt kịp thời các vấn đề phát sinh ở các khu nhà trọ, góp phần ổn định tình hình”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Phú Thọ, cho biết: “Mô hình này đã giúp địa phương nắm được tình hình cũng như những khó khăn của công nhân lao động để tìm cách hỗ trợ. Qua trao đổi, trò chuyện, địa phương cũng nắm được những vấn đề liên quan đến người ở trọ như về tình hình an ninh trật tự tại các khu nhà trọ, những thông tin về đời sống, tình hình việc làm, lương thưởng của người ở trọ tại nơi họ đang làm việc. Mặt khác, người ở trọ cũng thấy được sự quan tâm, chia sẻ của địa phương, từ đó thêm gần gũi, yên tâm làm việc, gắn bó với địa phương lâu dài, cùng chung sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển hơn”.
Đến nay, mô hình này đã tổ chức được 8 buổi, mỗi buổi thu hút từ 40 - 50 người ở trọ, chủ nhà trọ cùng tham gia với lãnh đạo phường, đại diện các ban ngành, đoàn thể phường. Ông Hùng cho biết theo kế hoạch ban đầu, mỗi tháng mô hình sẽ tổ chức luân phiên một lần tại các khu nhà trọ. Tùy điều kiện vận động kinh phí ủng hộ của mỗi khu phố và từng khu nhà trọ, có tháng cũng đã tổ chức được 2 lần. Địa phương mong muốn và sẽ cố gắng vận động kinh phí để có thể tăng tần suất tổ chức trong thời gian tới nhằm tăng cường sự gắn kết cộng đồng, đặc biệt là giữa người ở trọ với chính quyền địa phương.
TRIẾT NHÂN - CHÂU TIẾN