Xứng tầm ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao nhất tỉnh

Thứ năm, ngày 21/11/2024

(BDO) Các chỉ số về sự phát triển của ngành gỗ Bình Dương trong năm 2024 đã chứng minh ngành gỗ có đóng góp quan trọng về phát triển kinh tế, có triển vọng tăng trưởng cao hơn trong tương lai. Trong thời gian tới, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuyển đổi “kép”, nâng tầm sản xuất, duy trì ngành xuất khẩu có tỷ trọng cao nhất tỉnh và cả nước.

 Ông Mai Hùng Dũng tặng lẵng hoa của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chúc mừng đại hội và tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho BIFA 

Quyết tâm chuyển đổi “kép”

Sự xuất hiện của nhiều thách thức trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đòi hỏi các DN cần tìm được cách tiếp cận mới, toàn diện và linh hoạt hơn. Tại Đại hội BIFA lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2027, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao hoạt động của BIFA trong thời gian qua khi đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương. Ông cũng tin tưởng BIFA sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa DN gỗ và các cấp, các ngành. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành sẽ luôn đồng hành với BIFA trong quá trình hoạt động để ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA cho biết, đại hội đã tập trung thảo luận, phân tích những điểm nổi bật, bước đột phá mới trong phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới để BIFA cùng các DN hội viên vững vàng hội nhập và phát triển, sẵn sàng đương đầu với thách thức mới, đón nhận cơ hội mới. Theo đó, BIFA tiếp tục triển khai từ 1-2 cụm công nghiệp mẫu ngành gỗ; tổ chức các hội chợ máy móc thiết bị và nguyên liệu ngành gỗ; tiếp tục mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm thu hút nguồn tài trợ cho sự phát triển ngành gỗ; tập trung phát triển theo xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

“Trong đại hội lần này, chúng tôi chỉ ra những điểm nhấn cho bước đột phá mới trong phương hướng nhiệm vụ để BIFA cùng các DN hội viên vững vàng hội nhập và phát triển, sẵn sàng đương đầu với thách thức mới, cơ hội mới, xứng đáng là lá cờ đầu trong phát triển kinh tế bền vững và đổi mới của tỉnh. Đó là trách nhiệm của mỗi doanh nhân đối với xã hội, vừa làm giàu cho bản thân, cho DN vừa song hành với lợi ích của xã hội, địa phương và cộng đồng. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong từng đều kiện của DN”, ông Nguyễn Liêm nhấn mạnh.

Theo ông Lã Văn Tiến, Trưởng ban Chuyển đổi số của BIFA, dù DN xuất khẩu gỗ đã và đang có nhiều dịch chuyển sang sản xuất xanh, song tại các thị trường chính, nhiều quy định liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu ngày càng gần thời điểm hiệu lực. Các quy định bắt buộc tuân thủ khiến nhiều nhà nhập khẩu, người mua hàng tăng cường yêu cầu các nhà xuất khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình, đáp ứng các quy định, tiêu chí nghiêm ngặt.

 Ban Chấp hành BIFA nhiệm kỳ 2024-2027 ra mắt đại hội

Các quy định này bao gồm: các cơ chế như yêu cầu về điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung, yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững của DN (CSRD) tại Liên minh châu Âu và của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tại Mỹ (SEC), quản lý dữ liệu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị), đặc biệt là Quy chế sản phẩm hàng hóa không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR)….

“Tất cả những quy định này đòi hỏi các DN phải chủ động chuyển đổi số, thay đổi quy trình quản lý, vận hành và thực tế sản xuất, hướng tới phát triển xanh bền vững và minh bạch hóa các chỉ số sản xuất, làm minh chứng cho những quy định của thị trường”, ông Tiến nhấn mạnh.

Duy trì phát triển

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, thực tiễn hoạt động của BIFA cho thấy hiệp hội đóng vai trò là cầu nối để liên kết các DN với nhau, hỗ trợ cho các DN hội viên thông qua công tác tư vấn, tập huấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin về kinh tế, khoa học kỹ thuật, giá cả, thị trường xuất nhập khẩu…nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng.

BIFA cũng đã thành lập các ban chức năng với nhiều hoạt động tích cực để hỗ trợ hội viên; tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị, cuộc họp do tỉnh tổ chức; tuyên truyền các chính sách của nhà nước liên quan đến ngành chế biến gỗ; xây dựng nhiều chương trình hoạt động hiệu quả; tổ chức các chương trình thể thao, văn nghệ, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

 Các DN giữ nhịp sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số

BIFA cũng đã tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là tổ chức Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương (BIFA WOOD VIỆT NAM), là hội chợ được duy trì, phát triển và trở thành một thương hiệu triển lãm tại Bình Dương. Qua đó, các hoạt động trên đã thúc đẩy hoạt động giao thương, kết nối cung cầu và xuất, nhập khẩu ngay tại chỗ, tạo điều kiện cho các DN tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hợp tác và trao đổi công nghệ trong lĩnh vực chế biến gỗ.

“Với những nỗ lực không ngừng từ phía BIFA, trong thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn DN chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm góp phần đẩy mạnh sự phát triển ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, luôn duy trì là ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao nhất của cả tỉnh và cả nước. Sở Công Thương sẽ luôn đồng hành với Ban Chấp hành, các hội viên của BIFA trong quá trình hoạt động để ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển bền vững”, bà Nguyễn Thanh Hà bày tỏ kỳ vọng.

“Trong thời gian tới, việc thực thi các chính sách mới sẽ tạo ra những khó khăn mới cho các DN xuất khẩu của Việt Nam và cả đối với các DN ngành gỗ. Phía BIFA mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của cơ quan quản lý trong việc hướng dẫn DN đáp ứng với các yêu cầu này trong thời gian tới”

(Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA)

Tiểu My - Cẩm Tú