Xung quanh việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh xả nước thải ra đường: Đã có phương án xử lý tạm thời

Thứ tư, ngày 14/01/2015

Vừa qua, Báo Bình Dương đã nhận được đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Phương Hà (ngụ phường Hiệp Thành, TP.TDM) với nội dung phản ánh khu vực nhà bà sinh sống nằm cạnh Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, kể từ khi tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Bệnh viện tỉnh đến đại lộ Bình Dương) bắt đầu thi công thì Bệnh viện tỉnh đã xả nước thải ra đường gây hôi thối, lầy lội đường đi, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. P.V Báo Bình Dương đã tiến hành xác minh và đi tìm nguyên nhân sự việc này.

(BDO)

Nước thải từ BVĐK tỉnh chảy ra đường hẻm tổ 63, KP.5, phường Hiệp Thành

chiều 9-1

Theo đơn phản ánh thì việc xả nước thải được thực hiện hàng ngày, ít nhất 2 lần xả/ngày. Đến nay, tuyến đường Phạm Ngọc Thạch nối liền TP.TDM và Trung tâm Hành chính tỉnh đã khánh thành, bắt đầu đi vào sử dụng nhưng phía bệnh viện vẫn tiếp tục xả nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân sinh sống xung quanh. Bà Hà kiến nghị ngành chức năng phải vào cuộc và có câu trả lời thỏa đáng cho các hộ dân.

Sau khi nhận được đơn phản ánh, P.V Báo Bình Dương đã có mặt tại hẻm tổ 63, KP.5, phường Hiệp Thành (cổng số 3, BVĐK tỉnh) ghi nhận thực tế. Thời điểm P.V có mặt, con hẻm đang ngập nước, lầy lội đúng như phản ánh của người dân.

Theo phản ánh của UBND phường Hiệp Thành về việc một số hộ dân ở tổ 63, KP.5, phường Hiệp Thành phản ánh về việc nước thải của BVĐK tỉnh xả xuống khu vực các hộ dân gây ô nhiễm môi trường, ngày 23-10-2014, Sở TN&MT đã phối hợp Phòng TN&MT và UBND phường Hiệp Thành tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung đơn phản ánh. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh viện đã thực hiện tương đối đầy đủ các biện pháp khống chế ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Cụ thể, đã tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt, đã xây dựng công trình xử lý nước thải công suất 800m3/ngày và xử lý nước thải đạt quy chuẩn xả thải trước khi thải ra môi trường.

Việc nước thải sau xử lý của bệnh viện chảy ra đường hẻm tổ 63, KP.5, phường Hiệp Thành là đúng sự thật. Nguyên nhân là do trước đây nước thải sau xử lý được đấu nối vào hệ thống thoát nước trên đường Phạm Ngọc Thạch, sau đó kết nối vào đường thoát nước của đại lộ Bình Dương. Tuy nhiên, khi thi công công trình mở rộng đường Phạm Ngọc Thạch, nước thải không thể thoát theo đường thoát nước này và chảy vào đường hẻm tổ 63 như phản ánh. Sở TN&MT đã yêu cầu BVĐK tỉnh liên hệ với Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV để đấu nối nước thải sau xử lý vào hệ thống thoát nước trên đường Phạm Ngọc Thạch hoặc hệ thống thu gom nước thải đô thị của Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương.

Theo báo cáo của BVĐK tỉnh, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV thì trong thời gian qua, bệnh viện có liên hệ làm việc để tìm phương án đấu nối nước thải, tuy nhiên do hệ thống thu gom nước mưa trên đường Phạm Ngọc Thạch chưa thi công xong nên không thể đấu nối được; đồng thời, khu vực bệnh viện chưa có hệ thống thu gom nước thải đô thị của Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương nên cũng chưa thể đấu nối nước thải của bệnh viện vào hệ thống này. Do đó mới xảy ra tình trạng nước thải của bệnh viện thải vào hẻm tổ 63, KP.5, phường Hiệp Thành.

Nước thải từ bệnh viện tạm cho vào hệ thống thoát nước đại lộ Bình Dương

Để giải quyết triệt để vấn đề này, ngày 31-12-2014, Sở TN&MT đã cùng các đơn vị như Phòng TN&MT TP.TDM, UBND phường Hiệp Thành, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), Ban Quản lý dự án TP.TDM (Chủ đầu tư dự án mở rộng đường Phạm Ngọc Thạch), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV (đơn vị thi công đường Phạm Ngọc Thạch) và Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương tổ chức cuộc họp nhằm tìm giải pháp thoát nước cho BVĐK tỉnh. Qua khảo sát thực tế hệ thống thoát nước của khu vực cho thấy: Hệ thống thoát nước của đường Phạm Ngọc Thạch chưa làm xong do còn vướng giải tỏa của 4 hộ dân và đường thoát nước này chưa có đường thông ra điểm thoát nước cuối cùng. Vì vậy, giải pháp thoát nước theo đường thoát nước này là không thể thực hiện trong thời điểm hiện nay và dự kiến nếu có thể hoàn thành thì phải hết quý I- 2015.

Về phương án dẫn đường ống bơm nước thải sau xử lý thoát tạm vào hệ thống thoát nước của KDC Hiệp Thành I, theo đại diện UBND phường Hiệp Thành là không khả thi do hiện nay đường thoát nước này đã quá tải và cũng thường xuyên bị người dân phản ánh về việc nước tràn lên đường.

Sau khi xem xét các phương án và trên cơ sở phân tích tính khả thi về kinh tế và kỹ thuật, cuộc họp đã đi đến thống nhất, trong thời gian chờ hệ thống thoát nước hoàn thành, phương án thoát nước tạm thời cho BVĐK tỉnh là lắp đặt đường ống nhựa từ bệnh viện chạy dọc theo vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch để đấu nối vào hệ thống thoát nước đường đại lộ Bình Dương như trước đây. Khi hệ thống thoát nước thải đô thị của Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương được thi công hoàn chỉnh, bệnh viện sẽ ngưng hệ thống thoát nước tạm thời và đấu nối vào hệ thống thoát nước này để thu gom nước thải về Xí nghiệp Xử lý nước thải TDM. BVĐK tỉnh cũng thống nhất phương án tạm thời nêu trên và cam kết sẽ nhanh chóng thi công đường thoát nước để chấm dứt việc thải ra hẻm tổ 63, KP.5, phường Hiệp Thành. Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV cũng đã cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện trong việc thi công đấu nối tạm thời vào hệ thống nước mưa đường đại lộ Bình Dương.

Như vậy, phương án tạm thời là nước thải từ bệnh viện sẽ được đấu nối vào hệ thống thoát nước đại lộ Bình Dương bằng việc lắp đặt đường ống nhựa. Mong rằng việc thi công hệ thống thoát nước thải của đường Phạm Ngọc Thạch sớm hoàn thành để giải quyết triệt để vấn đề, tránh tình trạng quá tải nước thải ở hệ thống cống thoát nước đại lộ Bình Dương cũng như nước thải tràn lên đường gây ô nhiễm môi trường.

 

TÂM TRANG