Xung quanh phản ánh của ông Nguyễn Văn Tốt, xã Hội Nghĩa, Tân Uyên: Nội dung bài báo đều căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật
Ngày 6-9, báo Bình Dương có đăng bài: “Vụ ông Nguyễn Văn Tốt “kiện” UBND huyện Tân Uyên: Tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện”. Sau khi báo khởi đăng, ông Nguyễn Văn Tốt, là nguyên đơn trong vụ kiện đã có đơn phản ánh về bài viết này và cho rằng: nội dung bài báo có một vài chi tiết chưa khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông.
Bản án phúc thẩm số 07/2013/HCPT ngày 17-7-2013 của TAND tỉnh Bình Dương đã có hiệu lực pháp luật •
Qua xem xét một số nội dung mà ông Tốt phản ánh và căn cứ vào bài viết đã đăng; Báo Bình Dương nhận thấy: bài viết của P.V bám sát nội dung Bản án phúc thẩm số 07/2013/HCPT ngày 17-7- 2013 của TAND tỉnh Bình Dương và hoàn toàn không thể hiện ý chí chủ quan của tác giả. Do đó, việc ông Tốt yêu cầu báo cải chính là không có cơ sở.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn vụ việc và cũng góp phần trả lời cho ông Nguyễn Văn Tốt; báo Bình Dương tóm tắt nội dung vụ việc như sau: Ngày 20-3-2012, ông Tốt đã làm đơn khởi kiện UBND huyện Tân Uyên ra TAND huyện Tân Uyên về hành vi không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) đối với diện tích 43.670m2 đất ở ấp 1, xã Hội Nghĩa, Tân Uyên. Nguồn gốc đất là do Nông trường Cao su Hội Nghĩa thuộc Công ty Cao su Phước Hòa giao cho 4 nhân viên (trong đó có ông Tốt) để trồng lại vào năm 1992. Sau đó, cả 3 nhân viên kia đã bàn giao toàn bộ diện tích đất cho ông Tốt sử dụng (có văn bản ủy quyền).
Qua 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND huyện Tân Uyên và TAND tỉnh Bình Dương đều bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Tốt vì cho rằng: phần đất ông Tốt yêu cầu công nhận QSDĐ là đất của Công ty Cao su Phước Hòa giao cho Nông trường Cao su Hội Nghĩa trồng cao su theo kế hoạch của Nhà nước. Sau khi thanh lý cao su, nông trường giao đất này cho ông Tốt trồng lại theo biên bản ngày 22-6- 1992. Đây không phải là việc giao đất của cơ quan có thẩm quyền; vì theo Luật Đất đai năm 1987 thì: công ty cao su hay nông trường không phải là cơ quan có thẩm quyền cấp, giao đất.
Đến năm 1995, Công ty Cao su Phước Hòa bàn giao đất cho UBND huyện Tân Uyên và UBND xã Hội Nghĩa quản lý. UBND xã Hội Nghĩa cũng đã thống kê và đưa diện tích đất này vào quỹ đất công. Bản thân ông Tốt có thời gian sử dụng đất này nhưng đến năm 2001 đã chuyển nhượng thành quả trên đất cho người khác. Sau đó, người này đã ký hợp đồng thuê đất công ích của xã và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Về phần ông Tốt, sau khi chuyển nhượng thành quả trên đất, ông Tốt đã không còn sử dụng và không thực hiện bất cứ nghĩa vụ gì đối với Nhà nước trên phần đất này. Việc ông Tốt căn cứ vào biên bản thẩm định tại chỗ để cho rằng việc sử dụng đất liên tục là không đúng sự thật… Vì vậy, việc UBND huyện Tân Uyên không cấp GCN QSDĐ cho ông Tốt là đúng quy định của pháp luật.
Cũng trong bài viết trước đây, P.V có đề cập đến việc phải “bảo đảm quyền lợi cho bên nhận chuyển nhượng hợp pháp”. Theo đó, trong phần trình bày của đại diện UBND huyện Tân Uyên, UBND xã Hội Nghĩa trong Bản án phúc thẩm số 07/2013/HCPT ngày 17-7-2013 của TAND tỉnh Bình Dương cho thấy: diện tích 43.670m2 đất mà ông Tốt yêu cầu cấp GCN QSDĐ hiện đã được cấp cho bà Đỗ Thị Thu và theo trình bày của bà Thu thì, hiện bà đã chuyển nhượng hợp pháp diện tích đất này cho Công ty TM-XNK Thanh Lễ vào năm 2008. Điều đó cho thấy, việc Công ty TM-XNK Thanh Lễ nhận chuyển nhượng đất này là hợp pháp và từ khi nhận chuyển nhượng cho đến nay, Công ty TM-XNK Thanh Lễ vẫn chưa thể đưa khu đất trên vào sử dụng; như thế là ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp này. Hiện tại, Bản án phúc thẩm số 07/2013/HCPT ngày 17- 7-2013 của TAND tỉnh Bình Dương đã có hiệu lực pháp luật và Công ty TM-XNK Thanh Lễ có quyền xác lập quyền sử dụng đối với khu đất này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Tóm lại, báo Bình Dương tiếp tục khẳng định nội dung bài viết “Vụ ông Nguyễn Văn Tốt “kiện” UBND huyện Tân Uyên: Tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện” là hoàn toàn khách quan, nội dung bài viết này chỉ căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, việc ông Tốt yêu cầu Báo Bình Dương cải chính là không có cơ sở.
Nguyên đơn trong vụ án hành chính này là ông Nguyễn Văn Tốt ở thị trấn Uyên Hưng, Tân Uyên. Theo tài liệu và những hồ sơ chúng tôi có được thì: Vào năm 1992, Nông trường Cao su Hội Nghĩa thuộc Công ty Cao su Phước Hòa có giao cho 4 nhân viên của nông trường 39.760m2 (đo đạc thực tế là 43.670m2) đất trồng cao su thanh lý ở ấp 1, xã Hội Nghĩa, Tân Uyên để trồng lại, trong đó có ông Nguyễn Văn Tốt. Sau đó, vì không có nhu cầu sử dụng đất nữa nên cả 3 nhân viên kia đã bàn giao toàn bộ diện tích đất cho ông Tốt sử dụng (có văn bản ủy quyền). Năm 2010, ông Tốt làm đơn đề nghị UBND huyện Tân Uyên cấp GCN QSDĐ đối với diện tích đất trên nhưng không được chấp nhận. Do đó, ông Tốt đã làm đơn khiếu nại và UBND huyện Tân Uyên cũng đã có văn bản trả lời khiếu nại của ông. Ngày 20-3-2012, ông Tốt đã làm đơn khởi kiện hành vi không cấp GCN QSDĐ của UBND huyện Tân Uyên lên TAND huyện Tân Uyên. Tại bản án hành chính sơ thẩm, TAND huyện Tân Uyên đã bác đơn khởi kiện của ông Tốt. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Tốt kháng cáo. Mới đây, TAND tỉnh Bình Dương cũng đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của ông Tốt.
Theo nhận định của HĐXXPT thì diện tích đất mà ông Tốt yêu cầu công nhận QSDĐ là đất của Công ty Cao su Phước Hòa giao cho Nông trường Cao su Hội Nghĩa trồng cao su theo kế hoạch của Nhà nước. Sau khi thanh lý cao su, nông trường giao đất cho ông Tốt trồng lại theo biên bản ngày 22-6-1992. Đây không phải là việc giao đất của cơ quan có thẩm quyền; vì theo Luật Đất đai năm 1987 thì công ty cao su hay nông trường không phải là cơ quan có thẩm quyền cấp, giao đất. Đến năm 1995, Công ty Cao su Phước Hòa bàn giao đất cho UBND huyện Tân Uyên và UBND xã Hội Nghĩa quản lý. UBND xã Hội Nghĩa cũng đã thống kê và đưa diện tích đất này vào quỹ đất công. Bản thân ông Tốt có thời gian sử dụng đất nhưng đến năm 2001 đã chuyển nhượng thành quả trên đất cho người khác. Sau đó, người này đã ký hợp đồng thuê đất công ích của xã và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Về phần ông Tốt, sau khi chuyển nhượng thành quả trên đất, ông Tốt đã không còn sử dụng và không thực hiện bất cứ nghĩa vụ gì đối với Nhà nước trên phần đất này. Bên cạnh đó, HĐXXPT còn cho rằng: Vì ông Tốt là cán bộ của nông trường mới được giao đất để trồng lại cao su; chứ không phải được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc cấp đất. Ông Tốt cũng không phải đối tượng khai khẩn đất hoang hóa mà đất này là của Nhà nước giao cho Công ty Cao su Phước Hòa. Sau đó, công ty giao cho UBND huyện quản lý làm quỹ đất công; có nghĩa là Nhà nước đã xác định quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước đối với phần đất này… Vì vậy, việc UBND huyện Tân Uyên không cấp GCN QSDĐ cho ông Tốt là đúng quy định của pháp luật.
Từ những lập luận trên, HĐXXPT đã quyết định không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn Tốt và giữ nguyên Bản án Hành chính sơ thẩm của TAND huyện Tân Uyên.
• PHÒNG BĐ-PL